Quyền cho thuê khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng An Thới buộc phải “sang tay” khi liên danh cũ mắc hàng loạt vi phạm trong hợp đồng ký kết Ảnh: An Thới Port
Nhà đầu tư “đứt gánh” giữa đường
Cảng An Thới (Phú Quốc) gồm khu vực cảng đầu mối (cảng chính) có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 3.000 DWT và khu cảng chuyển tải (bến phao) tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT. Cảng có công suất thiết kế khoảng 280.000 tấn hàng hóa/năm và 440.000 hành khách thông qua.
Để phục vụ hoạt động khai thác, đường bãi trong cảng, kho hàng, xưởng cơ khí, nhà ga, dịch vụ, văn phòng, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện… được đầu tư đồng bộ với tổng chi phí gần 158 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, sau khi hoàn thành năm 2013, căn cứ kết quả đấu thầu lựa chọn bên thuê được Bộ GTVT phê duyệt và các quy định pháp luật liên quan, Cục Hàng hải VN và liên danh Công ty CP Dịch vụ vận tải Sài Gòn (Tranaco) - Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (HDI) ký kết Hợp đồng số 03/2014 cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng (KCHT) cảng biển An Thới trong 30 năm (2014 - 2043), tổng giá trị hợp đồng khoảng 90 tỷ đồng được bên thuê thanh toán hàng năm.
“Tuy nhiên, do liên danh vi phạm một số điều khoản nên Cục Hàng hải VN báo cáo và được Bộ GTVT cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ ngày 1/1/2021”, ông Việt thông tin.
Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư “tuột tay” quyền thuê khai thác cảng do tự ý 4 lần thay đổi thành viên góp vốn và tỷ lệ góp vốn tại công ty khai thác mà không báo cáo với cơ quan chức năng.
Cục Hàng hải VN cho rằng, điều này đồng nghĩa bên thuê không còn quyền hành và trách nhiệm đối với mọi hoạt động của công ty khai thác, khiến việc quản lý khai thác cảng không hiệu quả; chậm trễ trong việc thanh toán tiền thuê hàng năm; không có đủ nguồn tiền để đầu tư trang thiết bị và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tài sản thuê. Ngoài khoản tiền thuê cố định, Nhà nước không thu thêm được giá thu thay đổi, do kết quả kinh doanh hàng năm đều lỗ.
Đặc biệt, bên thuê không duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ một số hạng mục của tài sản thuê, khiến tài sản bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Đề xuất tiếp tục cho thuê trong thời hạn hơn 40 năm
Để xử lý tình huống trên, Cục Hàng hải VN vừa trình Bộ GTVT Đề án cho thuê khai thác tài sản KCHT cảng biển An Thới, trong đó đưa ra hai phương án.
Phương án 1, thời hạn cho thuê khai thác từ thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê (dự kiến năm 2021) đến năm 2043 (theo thời hạn phương án thuê đã được Bộ GTVT phê duyệt với nhà đầu tư đầu tiên). Giá khởi điểm cho thuê gần 98,4 tỷ đồng với khả năng thu hồi vốn dự báo khoảng hơn 1.900 tỷ đồng trong hơn 20 năm.
Phương án 2 là từ thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê đến năm 2063 (theo thời gian sử dụng của tài sản). Giá cho thuê khởi điểm ước hơn 195,5 tỷ đồng với khả năng thu hồi vốn được dự báo hơn 4.200 tỷ đồng.
Trên cơ sở phân tích, Cục Hàng hải VN đề xuất Bộ GTVT xem xét, phê duyệt phương án 2 vì cách tính khấu hao phù hợp với quy định của Nghị định 43/2018.
“Ngoài ra, thời gian cho thuê đến khi tài sản hết khấu hao nên bên thuê chủ động trong việc đầu tư thiết bị máy móc và lên phương án kinh doanh phù hợp, không phải tiến hành lựa chọn bên thuê nhiều lần. Sau khi hết thời hạn cho thuê có thể đánh giá lại tài sản để đề xuất phương án quản lý khai thác phù hợp”, Cục Hàng hải VN cho hay.
Ông Việt cho rằng, hiện tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong hồ sơ đấu giá vẫn chưa xây dựng cụ thể. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ xem xét lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm khai thác, có khả năng tạo nhiều nguồn thu để hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư phát huy hiệu quả, không bị lãng phí.
“Chủ cũ” khao khát tiếp tục khai thác cảng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới (An Thới Port - đơn vị được liên danh thuê khai thác KCHT cảng An Thới thành lập và ủy quyền thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng) thừa nhận, trong 6 năm khai thác, lượng hành khách đến cảng đúng như công suất thiết kế (440.000 khách/năm).
Song, sản lượng hàng hóa qua cảng chỉ đạt 15% công suất thiết kế. Một số đối tác đã ký hợp đồng nhưng bất cập trong đường vào cảng, vướng chợ dân sinh nên đã rút. Thực trạng này khiến doanh thu của DN khai thác chỉ đạt 50% so với tiền thuê phải nộp về Nhà nước.
Theo ông Lãm, từ khi thành lập, hai đơn vị liên danh không góp vốn và chuyển quyền góp vốn cho một số nhà đầu tư khác. Sau hơn một năm hoạt động, An Thới Port đã chuyển từ Công ty TNHH MTV sang loại hình Công ty CP để huy động vốn duy trì khai thác cảng. 6 năm qua, các nghĩa vụ của bên khai thác đối với Cục Hàng hải VN đều được DN cơ bản thực hiện theo cam kết hợp đồng.
Lý giải về việc chậm trễ thanh toán tiền thuê trong năm 2020, theo ông Lãm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng hành khách qua cảng giảm sâu. Từ cuối năm 2019, các đối tác của cảng lại biết được thông tin cơ quan có thẩm quyền sẽ chấm dứt hợp đồng thuê khai thác của cảng nên không dám ký hợp đồng kinh doanh. Việc thanh toán vì thế cũng bị trì trệ.
“Hiện, DN khai thác đã thanh toán hết số tiền thuê khai thác tài sản KCHT bị chậm với cơ quan chức năng. Doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan chức năng ký lại hợp đồng giao thẳng trực tiếp quyền thuê khai thác KCHT cho đơn vị khai thác nhưng bị từ chối vì không đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ kiên trì tham gia đấu giá quyền khai thác để có thể tiếp tục đầu tư, khai thác tại cảng biển An Thới”, ông Lãm khẳng định.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải VN, từ ngày 25/1/2014 - 31/12/2020, nguồn thu từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới là hơn 6,2 tỷ đồng tiền thuê và hơn 251 triệu đồng tiền phạt hợp đồng được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận