Trong 3 năm, tín dụng BĐS đã tăng 80% |
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tín dụng, cho vay bất động sản (BĐS) cũng bứt phá mạnh trong năm 2015, làm dấy lên lo ngại bong bóng quay lại. Trước diễn biến này, Chính phủ vừa có chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt vốn đổ vào lĩnh vực này.
Tín dụng BĐS tăng 80% trong 3 năm
Tháng 10/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã quyết định tài trợ vốn cho dự án D’le Roi Soleil Quảng An của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Theo đó, khách hàng mua căn hộ dự án có thể được vay tới 70% giá trị căn hộ, trong thời gian 25 năm, lãi suất 8%/năm trong 1 năm đầu tiên; 10,2% trong 2 năm tiếp theo và từ năm thứ 4, bằng lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn 13 tháng trả sau (+) biên độ 3%/năm. Trước đó, SHB cũng tài trợ vốn 1.000 tỷ đồng cho dự án D’le Pont D’or Hoàng Cầu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính đến 20/12/2015, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” 2,39 tỷ USD vốn vào lĩnh vực kinh doanh BĐS tại Việt Nam, trong đó 34 dự án cấp mới và 12 lượt dự án tăng vốn. Như vậy, vốn ngoại vào BĐS chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư và xếp thứ 3 về mức độ quan tâm. |
Đây là một trong nhiều chương trình cho vay BĐS được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ trong năm qua. Chẳng hạn như Ngân hàng Quân đội cấp 500 tỷ đồng cho dự án căn hộ The Pride của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho vay số vốn tương tự cho tổ hợp Diamond Flower Tower...
“Người mua nhà hiện đang có cơ hội “chọn” ngân hàng cho vay vốn”, chị Hoàng Mỹ Dung, cán bộ một công ty truyền thông vừa mua căn hộ 70 m2 tại dự án Green Star, Hà Nội nhận xét. Theo đó, để mua căn hộ giá khoảng 1,5-1,6 tỷ đồng tại đây, chị chỉ cần 400-500 triệu đồng. Với mức lãi suất vay vốn 7-8%/năm như chào mời của nhiều ngân hàng, thời hạn vay 15-20 năm, chị Dung nhẩm tính chỉ phải trả 2-3 triệu đồng/tháng cả gốc lẫn lãi. Đây cũng chính là lý do khiến ngày càng nhiều người mua nhà tìm đến tín dụng ngân hàng thời gian qua. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Sacombank thừa nhận, tín dụng của ngân hàng này tăng trưởng mạnh vừa qua chủ yếu do cho vay mua nhà.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 11/2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14,4-15% và có thể đạt 17% trong năm 2015. Riêng tín dụng BĐS, tính đến tháng 9/2015 đã tăng 13% và có khả năng đạt 18-20% cả năm. Dư nợ tín dụng BĐS hiện đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng 80% so với hồi cuối năm 2012 - thời điểm được coi là “đáy” của thị trường này (197.000 tỷ đồng).
Cẩn trọng bong bóng trở lại
Tín dụng BĐS tăng nhanh làm dấy lên lo ngại về tình trạng bong bóng trên thị trường, đồng thời có thể khiến rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng trở lại. Trong báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cho rằng, tín dụng BĐS đang “nóng” lên, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. “Cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường BĐS và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng có tính chu kỳ. Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản”, báo cáo khuyến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cung cấp thông tin, năm 2015, tại TP HCM, số lượng nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp chiếm khoảng 15% trên thị trường BĐS, tăng 3 lần so với năm 2014. Cũng theo ông Châu, một phần của tín dụng BĐS cũng được rót cho các nhà đầu tư thứ cấp, chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, nhằm vào mục đích mua đi bán lại, hưởng chênh lệch giá. Đáng ngại, có nhà đầu tư thứ cấp vay đến 70 - 80% giá trị hợp đồng, cảnh báo độ rủi ro lớn.
Trước diễn biến này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Trong đó, lưu ý NHNN cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản.
Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia Trần Du Lịch cho rằng, mối lo nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn ít nhiều “canh cánh”, do vậy, các ngân hàng cần phải thận trọng khi rót vốn vào BĐS và tăng cường kiểm soát rủi ro.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận