Chiến thuật tình báo chưa từng có
Sáng 7/10, phong trào Hồi giáo Hamas đã thực hiện cuộc đột kích bằng cả đường bộ, đường không và đường biển, khiến hơn 700 người Israel thiệt mạng, bắt cóc nhiều con tin, đánh dấu vụ xâm nhập hệ thống phòng thủ của Israel lớn nhất kể từ cuộc chiến do quân đội Ả Rập tiến hành vào năm 1973.
Theo hãng tin Reuters, Hamas đã âm thầm xây dựng, thực hiện kế hoạch suốt hai năm, trong đó Hamas kiềm chế, xây dựng hình ảnh chỉ tập trung vào làm kinh tế, không còn quan tâm tới đối đầu với Israel.
Hãng tin Reuters đã có bài viết, nêu chi tiết về cách Hamas âm thầm rèn quân, chuẩn bị lực lượng để đột kích Israel qua lời kể, thông tin của một nguồn tin thân cận với Hamas và ba nguồn tin an ninh của Israel. Tất cả các nguồn tin đều giấu tên.
Nguồn tin thân cận với Hamas cho biết: "Hamas đã sử dụng một chiến thuật tình báo chưa từng có để đánh lừa Israel, tung hỏa mù rằng họ không sẵn sàng chiến đấu hay đối đầu với Israel, chỉ tập trung vào làm kinh tế. Trong khi đó, các tay súng của nhóm này vẫn âm thầm được huấn luyện, thậm chí rèn quân ở nơi dễ thấy để chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn".
Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất trong quá trình Hamas chuẩn bị tấn công đó việc họ đã xây dựng một khu định cư mô phỏng tương tự tại Israel ở ngay Dải Gaza.
Tại đây, lực lượng này thực hành đổ bộ quân sự và huấn luyện tấn công, thậm chí còn quay cả video diễn tập - nguồn tin thân cận với Hamas cho biết.
Theo nguồn tin này, chắc chắn Israel đã biết về các cuộc tập trận nhưng họ vẫn tin rằng Hamas không muốn đối đầu.
Sở dĩ Israel lầm tưởng như vậy vì trong hai năm qua, Hamas đã kiềm chế các hoạt động quân sự chống lại Israel, ngay cả khi một nhóm vũ trang Hồi giáo khác tại Gaza được gọi là nhóm thánh chiến Hồi giáo tự phát động một loạt các cuộc tấn công.
Thay vì thể hiện sự hiếu chiến, Hamas thuyết phục Israel rằng lúc này, họ chỉ quan tâm đảm bảo việc làm cho người lao động ở Dải Gaza, không quan tâm khơi mào cuộc chiến mới.
Về phía Israel, kể từ cuộc chiến năm 2021 với Hamas, bản thân Israel đưa ra ưu đãi để hỗ trợ Dải Gaza ổn định kinh tế như cấp hàng nghìn giấy phép cho người dân Gaza làm việc ở Israel hoặc Bờ Tây.
Ở những nơi này, mức lương cho công việc xây dựng, nông nghiệp hoặc dịch vụ có thể gấp 10 lần mức lương ở Gaza.
Một phát ngôn viên khác của quân đội Israel cho biết: "Chúng tôi tin rằng khi họ đến làm việc và mang tiền trở về Gaza sẽ tạo được sự bình ổn nhất định nhưng chúng tôi đã sai".
Một nguồn tin an ninh Israel khác cũng thừa nhận cơ quan an ninh hàng đầu thế giới của Israel đã bị Hamas lừa.
Từng bị chỉ trích vì kiềm chế hoạt động quân sự với Israel
Một nguồn tin cho biết, trong lúc Hamas thể hiện kiềm chế hoạt động quân sự, đã có không ít người công khai chỉ trích.
Ở khu vực Bờ Tây Dải Gaza do Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và phong trào Fatah của ông kiểm soát, đã có nhiều người chế nhạo Hamas vì im lặng.
Trong một tuyên bố vào tháng 6/2022, Fatah cáo buộc các nhà lãnh đạo Hamas chạy trốn đến thủ đô của các nước Ả Rập để sống trong "những khách sạn và biệt thự xa hoa" bỏ mặc người dân ở Gaza rơi vào cảnh nghèo đói.
Do đó, nguồn tin an ninh thứ hai của Israel cho biết đã có giai đoạn đất nước Do Thái chủ quan tin rằng thủ lĩnh phong trào Hamas - Yahya Al-Sinwar, đang mải lo quản lý dải đất Gaza hơn là tìm cách đối đầu với người Do Thái.
Trong lúc đó, Israel chuyển trọng tâm khỏi Hamas và thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Ả-rập Saudi, nguồn tin cho biết thêm.
Giữ bí mật với cả các chỉ huy Hamas
Israel vốn nổi tiếng về khả năng tình báo. Vì vậy, để thực hiện kế hoạch này, Hamas đã phải tìm mọi cách để bịt tất cả lỗ hổng có thể rò rỉ.
Theo nguồn tin thân cận với Hamas, nhiều lãnh đạo của chính phong trào này cũng không hề biết có kế hoạch tấn công. Các cuộc tập trận để chuẩn bị cuộc đột kích hôm 7/10 diễn ra thường xuyên nhưng không công bố rõ mục đích.
Khi ngày tấn công nổ ra, chiến dịch được chia thành bốn phần.
Phần đầu tiên là Hamas phóng hàng nghìn quả rocket sang Gaza. Cùng lúc, các tay súng ồ ạt xâm nhập qua biên giới Israel bằng dù lượn.
Theo thống kê của Israel, Hamas đã phóng khoảng 2.500 quả rocket sang nước này nhưng số lượng rocket mà Hamas tuyên bố là 5.000 quả.
Khi các tay súng nhảy dù tới nơi, họ bảo vệ địa hình để một đơn vị đặc công tinh nhuệ phá hàng rào kiên cố ngăn cách Gaza với các khu định cư vốn do Israel xây dựng rồi đổ bộ sang biên giới Israel bằng mô-tô.
Sau đó, họ dùng máy ủi để phá rộng hàng rào, tạo điều kiện cho nhiều tay súng khác đi xe bốn bánh xâm nhập sang.
Phần thứ ba, một đơn vị tinh nhuệ đã tấn công các trụ sở quân sự của Israel tại miền Nam Dải Gaza và làm gián đoạn hệ thống liên lạc, ngăn chặn binh sĩ liên lạc với nhau hay báo lên các chỉ huy.
Phần cuối cùng, Hamas bắt giữ hàng loạt con tin ở Dải Gaza, phần lớn nhiệm vụ này được thực hiện ngay khi cuộc tấn công bắt đầu – một nguồn tin thân cận với Hamas cho biết.
Trong vụ bắt giữ con tin đáng chú ý nhất, các tay súng đã bắt rất nhiều người tham gia bữa tiệc gần khu định cư Re'im sát Dải Gaza khi họ đang nháo nhào chạy trốn.
Nhiều video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hàng chục người chạy qua cánh đồng khi nghe thấy tiếng súng.
Nguồn tin an ninh Israel đã rất thắc mắc, không hiểu tại sao bữa tiệc này lại được tổ chức ngay sát Gaza đến vậy.
Theo một nguồn tin khác của an ninh Israel, khi vụ tấn công xảy ra, lưc lượng Israel ở phía nam gần Gaza không được triển khai toàn lực vì một số binh sĩ đã được tái triển khai đến Bờ Tây để bảo vệ những người định cư Israel sau làn sóng bạo lực giữa họ và phiến quân Palestine.
Và Hamas đã khai thác đúng thời cơ đó.
Israel thừa nhận bất ngờ
Theo hãng tin Reuters, Israel đã thừa nhận mất cảnh giác về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công trùng với ngày Sabát (ngày nghỉ và ngày thứ bảy trong Do Thái giáo) và ngày lễ tôn giáo.
Thiếu tá Nir Dinar, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel đã mô tả vụ đột kích này chẳng khác nào vụ tấn công khủng bố 11/9.
"Họ đã khiến chúng tôi bất ngờ, xuất hiện đột ngột từ nhiều nơi - cả từ trên không, trên bộ và trên biển", theo ông Dinar.
Tướng đã nghỉ hưu Yakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, chia sẻ với báo giới, chỉ trích, vụ tấn công thể hiện "thất bại lớn của hệ thống tình báo và bộ máy quân sự ở miền Nam Israel".
Trong khi đó, về phía Hamas, chia sẻ với hãng tin Reuters, ông Osama Hamdan, đại diện của phong trào này tại Lebanon, cho biết cuộc tấn công này thể hiện ý chí của người Palestine "bất chấp sức mạnh và khả năng quân sự của Israel".
Tính đến ngày 9/10, cuộc đột kích của phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel đã khiến 700 người Israel thiệt mạng và hàng chục người khác bị bắt cóc.
Trong khi đó, hơn 400 người Palestine thiệt mạng vì chiến dịch trả đũa mạnh tay của Israel sang Dải Gaza.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận