Nhan nhản cầu yếu, xuống cấp
Ghi nhận dọc theo các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhiều cây cầu giao thông đang trong tình trạng hư hỏng, cần khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông.
Tại cầu Văn Hà, bắc qua sông Thoa trên tỉnh lộ 627B qua địa bàn xã Đức Phong, huyện Mộ Đức nhiều năm qua xuất hiện các vết nứt, hư hỏng. Nhiều vị trí mảng bê tông bảo vệ dầm cầu bong tróc lộ ra thanh sắt đã gỉ. Các trụ chính của cầu cũng trong tình trạng tương tự.
Khi có phương tiện lớn lưu thông qua lại, cầu Văn Hà rung lên khiến người dân lo ngại công trình có thể đổ sập. Dù đã liệt vào danh sách cầu yếu cần sửa chữa hoặc xây cầu mới thay thế nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn thực hiện.
Ông Trương Ân, trú xã Đức Phong cho biết: Nhiều năm qua các mảng bê tông trụ cầu, dầm chính lần lượt bong tróc, hư hỏng.
"Bà con chúng tôi rất lo ngại, nhất là trong mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, nếu không may có sự cố xảy ra thì sẽ thiệt hại về người và của.
Cầu xuống cấp lắm rồi, mong nhà nước đầu tư làm sớm cho dân đi cho đảm bảo an toàn", ông Ân kiến nghị.
Tương tự, cầu Bến Đá, trên tỉnh lộ 624 qua thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành có chiều dài 54m, mặt cắt ngang 8m, trong khi hai bên đầu tuyến dẫn vào cầu nền đường được mở rộng nhiều năm qua với mặt cắt ngang 24m. Do đó, không chỉ khiến người dân lo ngại về độ an toàn công trình mà còn lo tai nạn xảy ra.
Được biết, tỉnh lộ 624 là tuyến giao thông huyết mạch nối 2 huyện Minh Long và Nghĩa Hành với TP Quảng Ngãi, mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, vào giờ cao điểm buổi sáng và cuối giờ chiều phương tiện tham gia giao thông qua lại vị trí này rất khó khăn, thường xuyên ùn tắc giao thông cục bộ.
Theo người dân địa phương, hằng ngày lưu lượng phương tiện lưu thông qua cầu rất lớn, nhất là xe tải chở vật liệu thi công các công trình nên vào những giờ cao điểm, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, cầu Bến Đá được xây dựng hàng chục năm trước. Qua thời gian dài đưa vào khai thác công trình đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt, hư hỏng cần được sửa chữa, xây dựng mới.
"Cầu Bến Đá nằm trên trục đường chính của trung tâm huyện, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, song hiện trạng cầu hiện tại không đảm bảo an toàn cả về kết cấu lẫn ATGT trên tuyến vì đường dẫn hai đầu cầu lớn trong khi mặt cắt của cầu quá hẹp khiến nơi đây trở thành nút thắt cổ chai, gây mất trật tự ATGT.
Địa phương mong muốn tỉnh sớm bố trí kinh phí đầu tư nhằm đảm bảo ATGT và diện mạo đô thị của huyện", ông Sâm kiến nghị.
Không chỉ hai công trình cầu trên mà trên địa bàn tỉnh còn có hàng loạt công trình cầu yếu, xuống cấp, không đảm bảo an toàn, đơn cử như cầu Trà Khúc 1 (TP Quảng Ngãi); cầu Sông Vệ cũ (nối hai huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức); cầu Mễ Sơn trên tỉnh lộ 624B; cầu Bầu Sắt trên tỉnh lộ 621; cầu Nước Cam trên tỉnh lộ 628…
Cần 600 tỷ để khắc phục hệ thống cầu yếu
Được biết, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hàng trăm công trình cầu các loại, trong đó riêng hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ có 361 công trình cầu. Cụ thể, các tuyến quốc lộ có 135 cầu và đường tỉnh 226 cầu. Qua rà soát của Sở GTVT tỉnh này, có 35 công trình cầu xuống cấp, hư hỏng cần khắc phục để đảm bảo ATGT và hạn chế tối đa hư hỏng phát sinh.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi, phần lớn hệ thống cầu chính trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ hằng năm đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra và lập kế hoạch khắc phục, duy tu, bảo dưỡng. Song, do tình trạng mưa lũ khốc liệt và phần lớn các cầu được xây dựng đưa vào khai thác từ lâu nên xuống cấp, hư hỏng có dấu hiệu không đảm bảo an toàn cần bố trí vốn để khắc phục.
Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí hạn chế nên đến nay số lượng cầu yếu, cầu không đảm bảo an toàn được khắc phục, xây mới rất hạn chế. Riêng năm 2024, Sở GTVT Quảng Ngãi được bố trí 25 tỷ đồng xây mới cầu sông Giăng và cầu Cây Sanh trên tỉnh lộ 628 qua địa bàn xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Đây là hai công trình cầu yếu, xuống cấp những năm trước, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Sau gần 1 năm triển khai đến nay hạng mục chính của cả hai công trình cầu cơ bản hoàn thành, nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục còn lại để đưa vào khai thác trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Quảng Ngãi còn bố trí nguồn kinh phí khác để tổ chức duy tu, bảo dưỡng các công trình cầu, cống khác để đảm bảo an toàn. Trong đó, tập trung khắc phục tạm thời như trám, chít các vết nứt, xử lý kịp thời các công trình cầu bị xói lở mố taluy; thay thế, khắc phục hệ thống lan can… của 37 công trình.
Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Mai Văn Hà cho biết, qua rà soát có 35 cầu yếu, xuống cấp cần được sửa chữa. Hiện trạng các công trình cầu hư hỏng lớn, tác động đến khả năng chịu lực, kết cấu công trình.
Ngoài ra, hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện bị hư hỏng, xuống cấp cũng rất lớn cần được khắc phục. Tuy nhiên, do số lượng công trình cầu quá nhiều trong khi nguồn kinh phí eo hẹp nên việc xử lý dứt điểm các hư hỏng chưa kịp thời.
"Qua rà soát, để khắc phục các hư hỏng của hệ thống cầu, cống trên địa bàn tỉnh cần số tiền lên đến 600 tỷ đồng. Nhưng việc đầu tư này chưa thể thực hiện được ngay vì vốn bố trí chưa có. Sở chỉ tập trung sửa chữa nhỏ bằng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp giao thông.
Đối với các công trình cầu hư hỏng lớn, đơn vị xây dựng kế hoạch đưa vào xin nguồn vốn xây dựng cơ bản hoặc đưa vào kế hoạch đầu tư công của tỉnh. Nhưng tất cả phải chờ vì nguồn vốn quá lớn", ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, trước mắt để đảm bảo ATGT trên các công trình cầu yếu, xuống cấp nhưng chưa bố trí vốn khắc phục được ngay, sở chỉ đạo các đơn vị cắm biển báo, biển cấm tải trọng và hướng dẫn phương tiện lưu thông tuyến đường khác…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận