Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, trong Quý 1/2019, dù tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 128,4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng lượng hàng container chỉ đạt gần 4,1 triệu TEUs, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khá bất ngờ bởi những năm trước, hàng hóa vận chuyển bằng container qua các cảng biển luôn giữ nhịp tăng trưởng tốt.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho rằng, việc giảm nhẹ hàng container chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Dự báo sản lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong Quý 2 và những tháng cuối năm. Thậm chí, mức tăng có thể ở hai con số. Điều này có được dựa trên những nỗ lực của Chính phủ trong việc mở cửa thương mại tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và quốc tế.
“Một số FTA quan trọng đã được triển khai như: Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, đặc biệt Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào năm 2019 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong khối. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của BMI (Business Monitor International), tổng giá trị giao dịch của Việt Nam dự báo sẽ tăng 12%/năm trong 4 năm tới. Giá trị giao dịch tăng đồng nghĩa lượng hàng XNK cũng sẽ tăng trưởng”, ông Tĩnh nói.
Cũng theo đại diện Vinalines, thời gian tới, các hãng tàu quốc tế sẽ tiếp tục di chuyển đến các cảng gần cửa biển. Các hãng tàu lớn đã liên tục tăng kích thước tàu trung chuyển của họ để cắt giảm chi phí trên mỗi container. Điều đó đồng nghĩa mớn nước và chiều dài tổng thể của tàu cũng được tăng lên. Do đó, các cảng ở hạ nguồn có luồng sâu hơn và vũng quay tàu lớn hơn sẽ là những người hưởng lợi.
Ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics VN cũng cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể giúp Việt Nam tăng khả năng giành thị phần từ Trung Quốc do sở hữu nguồn lao động tương đối rẻ, môi trường chính trị ổn định và các chính sách thương mại mở.
“Giá trị xuất khẩu của Việt Nam đối với các hàng hóa Trung Quốc đã bị đánh thuế như: gỗ, dệt may và giày dép cũng có thể tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với mọi năm. Xu hướng này sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển quốc tế từ/đến Việt Nam, từ đó tăng cường lượng container thông quan do các sản phẩm này chủ yếu được vận chuyển qua đường biển”, ông Tương nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận