“Nóng” tình trạng cướp biển có vũ trang
Ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng An toàn - An ninh hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, những năm gần đây, khủng bố ngày càng lan rộng, khó lường, đe dọa nghiêm trọng hoà bình, ổn định nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Tại khu vực châu Á, vấn nạn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khi lưu thông luôn hiện hữu.
“Theo báo cáo của Ban Thư ký Hiệp định Hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang tấn công tàu thuyền ở châu Á (ReCaap), từ năm 2013 đến nay, toàn khu vực xảy ra hơn 700 vụ cướp biển và trộm cắp có vũ trang tấn công tàu thuyền khi hoạt động tại khu vực vùng biển, khu neo đậu, cảng biển”, ông Thắng nói và cho biết, cảng biển và phương tiện vận tải biển đã và đang trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố quốc tế và cướp biển. Trong đó, eo biển Malacca nằm liền kề với vùng biển Việt Nam và khu vực Sulu - Celebes là những điểm nóng.
Thời gian gần đây, cướp biển, cướp có vũ trang tiếp tục diễn biến phức tạp trên vùng biển Sulu - Celebes và Malacca. Điển hình, ngày 22/7/2019, tại vị trí cách đảo Anambas, Indonesia 28 hải lý về phía Tây, 7 đối tượng có trang bị súng và dao đã tấn công tàu hàng C.K.Bluebell của Hàn Quốc khiến 2 thuyền viên bị thương.
Cục Hàng hải VN đã đề nghị Cục Đăng kiểm VN có biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế; Đồng thời, đề nghị các cảng vụ hàng hải phổ biến tới tất cả thuyền trưởng, chủ tàu, công ty quản lý và khai thác tàu biển Việt Nam về diễn biến cướp biển, cướp có vũ trang ở khu vực biển Sulu - Celebes và Malacca khi làm thủ tục cho tàu biển Việt Nam xuất cảnh đi nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN
“Một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cướp tàu biển Việt Nam khi trên đường hành trình tại khu vực Đông Nam Á có thể kể đến như: Tàu Royal 16 trên đường hành trình từ Hải Phòng đến cảng Davao (Philippines) bị cướp biển tấn công tại khu vực gần đảo Coco, Philippines (2016); Tàu Giang Hải đang trên đường hành trình từ Indonesia đến cảng Iioilo, Philippines đã bị tấn công bởi nhóm cướp biển (2017); Tàu Phú An 268 khi đang hành trình qua khu vực cách phía Đông Bắc của Pulau Libaran (Malaysia) đã phát hiện một chiếc xuồng nhỏ chở 6 tên cướp đang có ý định tiếp cận tàu”, ông Thắng thông tin.
Cũng theo ông Thắng, tại Việt Nam, những năm gần đây, tình hình an ninh đối với tàu thuyền hoạt động trên biển đã được cải thiện đáng kể. Thống kê của Recaap cho thấy, nếu từ năm 2013 đến năm 2017, trong vùng biển Việt Nam xảy ra 53 vụ trộm cắp được ghi nhận, phổ biến tại các khu vực như: Quảng Ninh, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu thì 6 tháng đầu năm 2019, không có vụ trộm cắp có vũ trang tấn công tàu trong khu vực neo đậu, hoặc khu vực bến cảng của Việt Nam.
“Tuy vậy, nguy cơ trộm cắp đối với các tàu nước ngoài khi đang neo đậu trong vùng nước cảng biển Việt Nam vẫn luôn thường trực và có thể diễn biến bất cứ lúc nào. Vì vậy, Cục Hàng hải luôn đề nghị các cơ quan liên quan chủ động triển khai nghiêm túc kế hoạch an ninh tàu biển, tránh những vụ việc trộm cắp có vũ trang gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải tại khu vực và ảnh hưởng đến uy tín của các cảng biển Việt Nam đối với quốc tế”, ông Thắng nói.
Chủ động nhận diện kẽ hở, nâng cao cảnh giác
Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, diễn tập, huấn luyện đến tận cơ sở và các bến cảng trọng điểm, vấn đề an ninh hàng hải tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến.
“Mới đây nhất, ngày 2/8, tại cảng Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam), Cục Hàng hải VN đã phối hợp với địa phương tổ chức buổi diễn tập xử lý sự cố hàng hải, bảo đảm an ninh cảng biển năm 2019 với kịch bản giả định là cảng Chu Lai - Trường Hải bị các đối tượng khủng bố nước ngoài tấn công với âm mưu triệt phá những khu công nghiệp và nhiều cảng biển ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Mục đích của buổi diễn tập nhằm giúp lực lượng ngành hàng hải và các đơn vị liên quan trong khu vực vùng nước cảng biển tỉnh Quảng Nam nâng cao nhận thức và đánh giá tình hình thực hiện Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu và bến cảng (ISPS Code), khả năng phối hợp, tổ chức chỉ huy và kỹ năng tác chiến, thực hành sử dụng trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCKB trong lĩnh vực hàng hải. Buổi diễn tập làm mẫu cho các cảng biển khác trong nước học hỏi, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian tới”, ông Hoàng thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, việc kiểm soát an ninh, an toàn hàng hải tại Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, có thể trở thành kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tiến hành cướp hoặc khủng bố như: Mật độ phương tiện thủy nội địa và tàu cá ra vào vùng nước cảng biển, hoạt động ven biển, trên biển ngày càng dày đặc. Trong khi đó, hầu hết các cảng biển Việt Nam chưa có máy soi quét, kiểm soát người ra vào cảng, máy soi chiếu phát hiện vũ khí, thuốc nổ.
“Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông hàng hải của người điều khiển phương tiện hoạt động ven biển, trên biển còn thấp do ít được đào tạo, huấn luyện các kiến thức cơ bản về an toàn hàng hải, có nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng, biến thành “tay trong” để phục vụ chúng thực hiện hành vi khủng bố tại các cầu cảng, bến cảng gây thiệt hại kinh tế nặng nề và áp lực đối với cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng hải quốc gia”, ông Hoàng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận