Quản lý

Nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực hàng hải

23/07/2019, 06:23

Đội ngũ thuyền viên đang ngày càng mai một, teo tóp do thu nhập thấp và vận tải biển bấp bênh.

img
Thị trường thuyền viên Việt Nam thực tế không thiếu người nhưng cơ chế về thu nhập, BHYT... chưa đủ hấp dẫn nên chưa tạo được động lực để họ gắn bó với nghề. Ảnh: Tấn Minh

Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần sớm có những cơ chế đặc thù để nghề đi biển không rơi vào tình cảnh “khát” nhân lực.

Khi nghề đi biển thiếu sức hút

Ông Vũ Khang Cường, Trưởng phòng Đăng ký tàu biển và Thuyền viên (Cục Hàng hải VN) cho biết, theo thống kê đến tháng 6/2019, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là gần 1.600 chiếc. Với con số này ước tính cần khoảng 28.355 thuyền viên để duy trì hoạt động. Với số lượng khoảng 40.000 thuyền viên đang có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM), về lý thuyết, lượng thuyền viên Việt Nam vẫn có thể đáp ứng được cả nhu cầu.

“Tuy nhiên, ghi nhận từ cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải VN, giai đoạn 2018 - 2019 chỉ có khoảng 22.000 thuyền viên đăng ký làm việc trên tàu biển, nghĩa là có tới 43% thuyền viên không theo nghề. Hàng năm lại có 400 - 500 thuyền viên hết tuổi lao động. Từ năm 2011 - 2018, quy mô đào tạo các ngành đi biển (boong, máy) đã giảm hơn 3 lần, sinh viên ra trường không thiết tha nghề đi biển. Thực trạng đó dẫn đến số lượng thuyền viên Việt Nam ngày càng giảm, không có đội ngũ kế cận. Các chủ tàu rất khó khăn trong khâu tuyển dụng thuyền viên”, ông Cường nói.

PGS.TS Đinh Xuân Mạnh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải VN cho biết, nếu như năm 2011, số sinh viên hàng hải từ đại học đến sơ cấp là hơn 2.400 sinh viên thì năm 2018, con số này giảm xuống chỉ còn 1.158 sinh viên. Trong giai đoạn 2008 - 2018, năm cao điểm nhất, đầu vào các trường hàng hải trên toàn quốc là gần 9.200 thí sinh thì đến năm 2018, con số này chỉ còn 436 thí sinh, bằng 4,75% so với thời điểm cao nhất.

“Nếu Nhà nước không có chính sách kịp thời, tới đây các ngành đi biển chỉ có 5 - 6 thí sinh ứng tuyển, các cơ sở đào tạo không thể mở ngành, đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa”, ông Mạnh nhận định.

Ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển Việt Nam chia sẻ, nhiều thuyền viên không còn thiết tha với nghề xuất phát từ nhiều bất cập. Trong đó, điển hình nhất là chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT).

“Theo quy định, thời gian đi biển của một thuyền viên trong một năm chỉ từ 8 - 10 tháng, 2 - 4 tháng nghỉ trên bờ không có lương. Điều này đồng nghĩa không được đóng BHXH. Do tính liên tục trong đóng bảo hiểm của thuyền viên gần như không có nên rất hiếm thuyền viên đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để được nhận lương hưu (trừ khối thuyền viên thuộc biên chế của các công ty lớn). Ngoài ra, việc phải đóng BHYT bắt buộc cũng gây tốn kém cho thuyền viên khi hầu hết thời gian trong năm, thuyền viên làm việc trên biển, không sử dụng các dịch vụ y tế trên bờ. Những thuyền viên dự trữ trên bờ lại không được nhận hỗ trợ từ BHYT do không có lương”, ông Hoài chia sẻ.

Ông Lê Phan Linh, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải VN cho biết, thị trường thuyền viên Việt Nam thực tế không thiếu người nhưng cơ chế chưa đủ sức hút, tạo được động lực để người ta gắn bó với nghề, điển hình là mức thu nhập chưa tương xứng. “Mức lương với chức danh thủy thủ trên tàu biển Việt Nam hiện chỉ dao động khoảng 10 triệu (chức danh OS - Sinh viên mới ra trường), trên 10 triệu với chức danh AB (có kinh nghiệm). Mức này so với lương chạy Grab hoặc đi làm tại các khu công nghiệp trên bờ không có sự chênh lệch lớn nên nhiều người chấp nhận bỏ nghề đi biển để làm công nhân, vừa gần gia đình, vừa không phải đối mặt với hiểm nguy, sóng gió là điều dễ hiểu”, ông Linh nói.

Có thể bổ sung cả nguồn lao động nữ

Hiện nay, xã hội luôn nhận định hàng hải là nghề đơn điệu, rất nguy hiểm, dễ bị cướp, giết hoặc chìm trên biển nhưng thực tế không phải như vậy. Tỷ lệ tai nạn hàng hải so với các lĩnh vực giao thông khác là rất nhỏ. Do đó, các cấp có thẩm quyền cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông để xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề đi biển.
Ông Vũ Khang Cường,
Trưởng phòng Đăng ký tàu biển
và Thuyền viên, Cục Hàng hải VN


Theo ông Vũ Khang Cường, để thị trường thuyền viên Việt Nam về thế cân bằng, Cục Hàng hải VN đang nghiên cứu một số giải pháp bổ sung nguồn nhân lực, trong đó có cả lao động nữ. “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thuyền viên là ngành nghề nặng nhọc, do đó Thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ,TB&XH ban hành danh mục không được sử dụng lao động nữ trên tàu biển trừ chức danh phục vụ. Tuy nhiên, theo xu hướng bình đẳng giới hiện nay, điều này không còn phù hợp. Nghị quyết số 14 của IMO đã kêu gọi các Chính phủ xem xét, đảm bảo sự bình đẳng nam nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hàng hải. Vì vậy, quy định hiện hành cần chỉnh sửa kèm theo những quy định ưu đãi, bảo vệ đặc biệt đối với nữ lao động làm việc trên tàu biển”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện có nhiều cán bộ, chiến sỹ có thâm niên, kinh nghiệm làm việc trên tàu biển của lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển,… khi giải ngũ có nguyện vọng làm việc trên tàu biển dân sự nhưng hiện tại chưa có cơ chế, cách thức để chuyển đổi bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cho lực lượng này. Việc đưa ra chính sách để bổ túc, chuyển đổi bằng cấp, chứng chỉ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực này, “làm giàu” đội ngũ thuyền viên nước ta là điều rất cần thiết.

“Từ năm 2015, Nhà nước đã có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên làm việc trên các hãng tàu nước ngoài và trên tàu Việt Nam chạy tuyến nước ngoài. Song, lao động trên tàu biển là lĩnh vực đặc thù, không có sự khác biệt về công việc trên tàu chạy nội địa hay nước ngoài. Vì vậy, Cục Hàng hải sẽ tiếp tục đề xuất các cấp chức năng giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 0% đối với tiền lương (cả tiền công, phụ cấp) của sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển”, ông Cường cho hay.

Nhớ lại thời điểm năm 1974 vào trường hàng hải, PGS.TS Đinh Xuân Mạnh vẫn cho biết, ngày đó, nếu cán bộ bình thường chỉ được 13kg gạo/tháng, sinh viên hàng hải được tới 21kg gạo, hàng tháng còn có tiền tiêu vặt, ra trường Nhà nước phân công công tác. “Ngày đó, một khóa học thực tập ít nhất 4 lần. Cơ chế như trường quân đội nên ai cũng ao ước và hứng thú theo học”, PGS.TS Mạnh nói và cho rằng, giai đoạn hiện nay, Nhà nước cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ để tạo động lực cho sinh viên theo học nghề đi biển, nhất là vấn đề thực tập.

“Đi biển là nghề thực hành, ở nhiều nước, thời gian thực hành ngành này chiếm đến 40 - 50% chương trình học nên nếu Nhà nước không hỗ trợ, nhà trường không thể đủ tiền đầu tư con tàu mấy triệu đô cho sinh viên thực tập, thế hệ thuyền viên tương lai khó có cơ hội để nâng cao tay nghề và nguồn nhân lực hàng hải Việt Nam sẽ khó có được những nhân tố chất lượng, gắn bó bền lâu”, PGS.TS Đinh Xuân Mạnh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.