30- 40% người đi máy bay là khách du lịch
Hồi cuối tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường du lịch.
Đề án xác định rõ mục tiêu mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Úc và Ấn Độ; Mở mới các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đảo ngọc Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phần lớn khách du lịch quốc tế đi lại bằng đường hàng không. Thực tế này không thể phủ nhận. Ưu thế có thể đưa khách nhanh nhất, tiện nhất đến gần như hầu khắp các điểm du lịch khiến hàng không vượt qua tất cả các loại hình vận tải khác trong lựa chọn của khách du lịch.
Mối quan hệ "cộng sinh" giữa hàng không và du lịch đem lại lợi ích cho cả hai, tác động qua lại giữa hàng không và du lịch là rất chặt chẽ. Du lịch phát triển, hàng không được lợi rất nhiều. Ngược lại, nhờ hàng không, du lịch mới có đà để phát triển. Thực tế, có tới 30-40% người đi máy bay là khách du lịch.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, nếu như năm 2016, con số 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam đã khiến ngành du lịch hoan hỉ, đến năm 2017, con số này đã đạt đỉnh mới với 13 triệu lượt khách.
Đến hết năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt khách so với năm 2017 và 80 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với cùng kỳ.
Lượng khách quốc tế đến cao là yếu tố thúc đẩy các hãng hàng không nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác mở các đường bay trực tiếp tới các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Trong nước, các hãng hàng không nội địa cũng tận dụng được cơ hội khi liên tục mở các đường bay quốc tế mới.
Cái “bắt tay” giữa các ông lớn
Nếu như năm 2012 sản lượng khách thông qua cảng chỉ đạt trên 37 triệu hành khách thì tới năm 2016, con số này đã tăng hơn gấp đôi, đạt khoảng 81 triệu hành khách. Năm 2017, sản lượng hành khách thông qua các CHK đã cán mốc 94 triệu hành khách, đạt 108% kế hoạch năm tuy nhiên vẫn còn kém rất ra so với con số 106 triệu khách của năm 2018. Trong năm 2019 này, TCT Cảng hàng không VN (ACV) dự báo sản lượng hành khách qua 21 cảng mà doanh nghiệp này đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu khách.
Theo các chuyên gia, muốn kích cầu du lịch, ngoài việc Nhà nước có chính sách vĩ mô như “thông thoáng về visa” còn cần tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú… Thực tế hiện nay, rất nhiều nước, trong đó có các nước Đông Nam Á có chính sách visa rất mở, có thể miễn visa nếu lưu trú trong vòng 30 ngày.
Riêng phía hàng không, quan trọng nhất là phải làm thế nào để “người đi du lịch muốn đến đâu là có thể bay thẳng đến đó”, hay nói cách khác là phải mở thật nhiều đường bay đến các điểm du lịch, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN Hà Văn Siêu cho rằng cần có chính sách thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho hàng không. Việc đa dạng hóa các sản phẩm, đường bay, giá vé máy bay như thời gian vừa qua đã cho thấy thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ tạo ra các tín hiệu rất tích cực.
Ông Hà Văn Siêu cũng cho rằng chính quyền địa phương cần hỗ trợ các hãng và các công ty du lịch mở các đường bay mới. Việc được chào đón ấn tượng tại điểm đến là sự khởi đầu cần thiết trong hành trình đưa các chuyến bay thuê chuyến thành chuyến bay thương mại định kỳ.
Trên thực tế, thời gian vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã có bước khởi đầu thành công trong việc mở các chuyến bay thường lệ. Như việc khách Nga rất thích du lịch tại Nha Trang, Vietnam Airlines cũng đã mở đường bay từ Nga đến Cam Ranh. Hay như việc hình thành đường bay nối Đà Lạt - Bangkok của Vietjet.
Thị trường đã ghi nhận sự bùng nổ các sản phẩm du lịch trọn gói với chiến lược cụ thể của các hãng và sự chủ động tìm đến nhau của các ông lớn.
Cái “bắt tay” giữa Vietnam Airlines và Vingroup trong việc hợp tác xây dựng các sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay và cơ sở lưu trú du lịch của hai bên thời gian qua là một ví dụ điển hình.
Thông qua sự hợp tác này, khách hàng có thể mua một gói sản phẩm với hai dịch vụ hàng không - du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tiện nghi từ đó giúp tiết kiệm chi phí và thời gian". Hình thức này được các đã được Singapore Airlines, Bristish Airways và nhiều hãng hàng không khác thực hiện. Khi khách hàng đặt vé máy bay, hệ thống sẽ tự động gợi ý các gói nghỉ dưỡng, hoặc tour du lịch tới các địa điểm nổi tiếng.
Tương tự Vietnam Airlines, hãng hàng không mới có chuyến bay thương mại đầu tiên hôm 16/1 - Bamboo Airways cũng tận dụng tối đa hệ thống quần thể nghỉ dưỡng sân golf của Tập đoàn FLC để khai thác các gói dịch vụ kết hợp giữa hàng không và du lịch, với mức giá ưu đãi đặc biệt, thậm chí siêu rẻ.
Khách hàng của FLC đến Việt Nam tham dự các giải đấu golf lớn, kết hợp với du lịch khám phá, nghỉ dưỡng có thể bay thẳng tới các địa điểm cần đến. Lãnh đạo FLC cũng khẳng định chắc chắn sẽ có giá vé siêu tốt cho những vị khách lựa chọn chuỗi sản phẩm, dịch vụ của FLC.
Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới với tỷ lệ trung bình 16,6%/năm trong giai đoạn 2001-2014. IATA cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không duy trì được sự phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Không kém cạnh, Vietjet cũng đã ký hợp tác với Tổng cục du lịch để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam ra thế giới, mang đến cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế, đặc biệt kết nối Việt Nam với thế giới gắn với các điểm đến mà hãng này có đường bay trực tiếp.
Phía các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với các hãng hàng không đang khai thác thị trường tại Việt Nam triển khai các hoạt động tiếp cận, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiếp thị, quảng cáo thu hút khách du lịch.
Trong đó phải kể đến việc hợp tác đón các đoàn famtrip (chương trình du lịch miễn phí dành cho các hãng lữ hành, các nhà báo để làm quen với các sản phẩm du lịch, từ đó khảo sát, lựa chọn, xây dựng chương trình du lịch có hiệu quả thiết thực để chào bán cho khách), presstrip (tour khảo sát dành riêng cho báo chí), tăng cường cung cấp thông tin du lịch, vui chơi giải trí tại Việt Nam và hợp tác xây dựng các gói tour ưu đãi, mở đường bay mới.
Báo Giao thông tổ chức tọa đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững
Chiều 11/4 tới, tại Bình Định, Báo Giao thông tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững".
Khách mời tại buổi toạ đàm là các đại diện đến từ Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Bộ KH&ĐT, tỉnh Bình Định, Quảng Ninh, Cục Hàng không VN, các chuyên gia hàng không, chuyên gia kinh tế, Tổng cục Du lịch VN, đại diện các hãng hàng không, nhà khai thác cảng hàng không, các hãng lữ hành…
Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về những cơ hội và thách thức hiện nay của hàng không Việt Nam, trong đó có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ vừa qua, tiềm năng, cơ hội của thị trường trong thời gian tới. Những vấn đề khác liên quan đến giải pháp thúc đẩy thị trường hàng không, từ việc gỡ điểm nghẽn hạ tầng, vai trò của đầu tư tư nhân trong hàng không, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, vấn đề kích cầu, mở rộng thị trường; Mối quan hệ giữa hàng không và du lịch… cũng sẽ được phân tích cụ thể với những góc nhìn đa chiều.
Buổi tọa đàm diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Quynhon Beach & Golf resort.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận