Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ GTVT tổ chức sáng 11/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong hơn ba mươi năm đổi mới, ngành hàng không Việt Nam là một trong những lĩnh vực đi đầu, đại diện cho ngành GTVT và đất nước hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ và đã đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Sự phát triển của ngành hàng không đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, mở rộng giao thương quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong con mắt bạn bè quốc tế.
Căn cứ chiến lược phát triển đã được Đảng và Nhà nước thông qua, mà gần nhất là Quyết định số 236/QĐ – TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chúng ta đã hoạch định và xây dựng được nền tảng then chốt để vận hành một ngành Hàng không Việt Nam an toàn, hiệu quả. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống từ thể chế chính sách, năng lực của nhà chức trách hàng không đến mạng lưới cảng hàng không, hãng hàng không, quản lý bay, cơ sở bảo dưỡng máy bay và các cơ sở đào tạo nhân lực tiên tiến đáp ứng các quy chuẩn của ICAO.
Tại thị trường nội địa, hiện chúng ta đã có 5 hãng hàng không với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài với sự đa dạng về loại hình: hãng hàng không truyền thống, hãng hàng không giá rẻ… góp phần xây dựng một thị trường hàng không có sức cạnh tranh cao. Tại thị trường quốc tế, hơn 80 hãng hàng không hàng đầu thế giới đã có mở các đường bay đi/đến Việt Nam. Hàng chục cảng hàng không được nâng cấp, xây mới trên toàn quốc, trong đó có những nhà ga sân bay quốc tế mới được xây dựng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Vân Đồn…
Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8 %/năm. Theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một điều đáng ghi nhận là mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam không để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trong quá trình phát triển, mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý nhà nước, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.
Thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã khởi sắc với việc ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịcth vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
"Làm thế nào để phát triển hàng không Việt Nam nhanh nhưng duy trì sự bền vững trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có Bộ GTVT luôn hướng tới. Đây cũng là một trong những lý do khiến Bộ GTVT quyết định tổ chức Toạ đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.
Theo Thứ trưởng, thông qua cuộc tọa đàm này, Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp hàng không sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin, xu hướng của hàng không thế giới, đồng thời lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp cũng như kinh nghiệm từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về những thách thức trong việc phát triển vận tải hàng không và cơ hội bay thẳng đến Mỹ. Đây là những thông tin hữu ích để Bộ GTVT tham khảo, nghiên cứu trong quá trình xây dựng chính sách vì một ngành hàng không phát triển bền vững, an toàn.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng Hàng không VN Lại Xuân Thanh, Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương và đặc biệt là Giáo sư Nawal Taneja - chuyên gia quốc tế, được mệnh danh là “bộ não của hàng không thế giới”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận