Số liệu từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho thấy trong ngày hôm qua 3/2 có 901 chuyến bay, trong đó có 456 chuyến bay đi và 445 chuyến bay đến. Trong số này phần lớn là chuyến bay quốc nội với 616 chuyến.
Đáng nói hơn, trong khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang "căng như dây đàn" thì thời tiết lại không ủng hộ với đợt sương mù chưa từng có ở Hà Nội.
Nhiều chuyến bay không thể cất cánh hay đáp được xuống sân bay Nội Bài vì sương mù. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả dây chuyền bị ảnh hưởng vì lịch bay thay đổi. Máy bay đáp sân bay khác tránh sương mù đương nhiên không thể quay đầu đúng giờ. Hành khách sốt ruột vì chờ đợi, nhưng đó là yếu tố tác động khách quan, không ai mong muốn nhưng điều này vẫn xảy đến.
Hãng hàng không vừa phục vụ hành khách phải chờ đợi, vừa phải gánh thêm chi phí xăng dầu, bến bãi… Đối với các hãng hàng không và ngành hàng không, an toàn là ưu tiên số 1, không phải là bằng mọi cách đúng giờ.
Lượng khách tăng gấp nhiều lần so với bình thường, các hãng máy bay tăng chuyến để phục vụ khách, nhưng hạ tầng và các dịch vụ tại sân bay không thể đáp ứng tăng theo, dẫn đến phục vụ chậm. Cho dù nhân viên các dịch vụ mặt đất cố gắng làm việc hết sức, cũng không thể giải quyết nhanh chóng như bình thường, đó cũng là chuyện dễ hiểu.
Các hãng hàng không tăng nhiều chuyến bay để đưa bà con về nhà đón Tết, máy bay phải xếp hàng dài chờ tới phiên cất cánh. Phía trên không, máy bay cũng bay chờ tới lượt hạ cánh. Mỗi khâu chậm một vài chục phút, không thể không chậm chuyến, trễ giờ dây chuyền, ảnh hưởng tới lịch bay.
Nếu như các hãng máy bay không tăng chuyến thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Chậm nhưng về đến nơi an toàn, đoàn tụ với người thân trong những ngày Tết, ấm cúng hơn phải ăn Tết xa nhà. Đừng đến sân bay sớm quá, hãy tính toán để đến sân bay khoảng 1-3 tiếng so với giờ khởi hành, tùy theo tình trạng sân bay, làm thủ tục trực tuyến trước để đừng "vô tình" góp phần tăng thêm sự đông đúc tại sân bay.
Hãy nhìn những tuyến đường nội ô của các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, xe cộ chen chúc, ùn tắc nghiêm trọng. Đó là vì lượng người tham gia giao thông tăng bất thường.
Và hãy nhìn sang đường bộ, hàng vạn phương tiện kẹt cứng trên cao tốc, quốc lộ, sẽ thấy rằng đó là quy luật của giao thông trong dịp Tết, hoặc những đợt nghỉ lễ. Mặc dù đi xe cá nhân, ai cũng chủ động, nhưng muốn nhanh cũng không được. Mọi tính toán thời gian của hành trình bị đảo lộn hoàn toàn, đi đường bộ mất thời gian gấp đôi cũng phải chấp nhận.
Đi đường bộ hay đường không trong thời điểm này hãy sẵn sàng cho mình sự cảm thông và chia sẻ vì lượng người và phương tiện tăng cao. An toàn luôn được các hãng hàng không đặt lên hàng đầu, với hành khách, trên hết là về đến nơi bình an.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận