Giao thông

Hàng không Cánh Diều nhận nhiều cảnh báo từ Cục Hàng không VN

02/10/2019, 10:07

Cục Hàng không Việt Nam đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng với hãng hàng không Cánh Diều.

img
Hàng không Cánh Diều dự kiến khai thác máy bay ATR72 - loại máy bay mà Hãng hàng không Vasco đang “độc quyền” khai thác hiện nay

Tiếp theo Vinpearl Air và Vietravel Airlines, hàng không Cánh Diều (Kite Air) là doanh nghiệp thứ 3 nhận được cái “gật đầu” ủng hộ lập hãng hàng không của Cục Hàng không VN. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng với Cánh Diều.

Dự kiến lỗ hơn 350 tỷ đồng trong 3 năm đầu

Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc thẩm định dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng nêu rõ, việc có thêm các hãng hàng không Việt Nam mới sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hoá, có tính cạnh tranh cao và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Cục Hàng không VN cũng cho rằng, việc đến năm 2025, Công ty Thiên Minh dự kiến khai thác 30 tàu bay, bao gồm 15 tàu bay ATR-72 và 15 tàu bay A321 cần phải được xem xét lại về khía cạnh tính hiệu quả của đội tàu bay ATR-72 cũng như năng lực, nguồn lực để khai thác đội tàu bay với quy mô 30 chiếc. Do vậy, cơ quan này khuyến cáo Thiên Minh chỉ nên khai thác từ 20-25 chiếc vào năm 2025.

Đánh giá về sự phù hợp của dự án với năng lực kết cấu hạ tầng, Cục Hàng không VN thẳng thắn chỉ rõ “nội dung dự án chưa thống nhất”. Cụ thể, Cục Hàng không VN khẳng định, dự án chọn CHK Chu Lai làm sân bay căn cứ và sử dụng CHK quốc tế Đà Nẵng làm nơi đậu tàu bay qua đêm trong 2 năm đầu, các CHK quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn làm nơi đậu tàu bay trong giai đoạn tiếp theo là phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, trong nội dung về mạng đường bay dự kiến khai thác, dự án lại thể hiện đội tàu bay được đỗ qua đêm tại 3 cảng Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Điều này cho thấy nội dung dự án chưa thống nhất.

Ngoài ra, cơ quan quản lý chuyên ngành hàng không còn yêu cầu Thiên Minh phải báo cáo về phương án đảm bảo tính đồng bộ của sân bay căn cứ, bao gồm hạ tầng lưu trú của tổ bay, dịch vụ xăng dầu, suất ăn, dịch vụ mặt đất, phương án bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và phương án xây dựng, sử dụng hangar (nhà để máy bay) tại các cảng hàng không.

Một điểm đáng lưu ý trong khuyến cáo của Cục Hàng không VN liên quan đến tài chính của dự án. Cụ thể, dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều là 1.000 tỷ đồng và dự kiến trong 3 năm đầu khai thác sẽ lỗ lũy kế hơn 350 tỷ đồng. Như vậy, vốn tối thiểu của Công ty Thiên Minh không đáp ứng quy định về vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội bay đến 30 chiếc là 1.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 92.

Hết slot “giờ vàng” tại Tân Sơn Nhất

Đánh giá về mạng bay, Cục Hàng không VN cho hay, trong năm đầu tiên khai thác (năm 2020), Công ty Thiên Minh chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đi đến các cảng hàng không địa phương như: Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo. Tổng số chuyến bay khai thác tại CHK Nội Bài là 21 chuyến/tuần, tại CHK Tân Sơn Nhất là 21 chuyến/tuần và tại CHK Đà Nẵng/CHK Chu Lai là 63 chuyến/tuần.

Bắt đầu từ năm khai thác thứ 3 (năm 2022), tần suất khai thác tại CHK quốc tế Nội Bài tăng từ 21 chuyến lên 103 chuyến/tuần và tại CHK Tân Sơn Nhất là từ 21 chuyến lên 78 chuyến/tuần. Đến năm khai thác thứ 5 (năm 2024), tổng số chuyến bay khai thác tại CHK Nội Bài 163 chuyến/tuần, tại CHK Tân Sơn Nhất là 161 chuyến/tuần và tại CHK Đà Nẵng/Chu Lai là 138 chuyến/tuần.

Theo Cục Hàng không VN, dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều đã nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không cho giai đoạn sắp tới, đặc biệt là tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Để tránh gây áp lực lên các CHK quốc tế này, trong năm đầu tiên, Công ty Thiên Minh chỉ tập trung khai thác các đường bay từ khu vực miền Trung đi/đến các vùng Nam Trung bộ, Nam bộ và chỉ khai thác duy nhất đường bay từ CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đi/đến Côn Đảo, 3 đường bay từ CHK quốc tế Nội Bài đi/đến các CHK Điện Biên, Vinh và Chu Lai. Đến năm khai thác thứ 3, công ty bắt đầu mở rộng khai thác các đường bay từ CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài đi/đến các cảng hàng không trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, Cục Hàng không VN cũng khẳng định, kế hoạch này chỉ có thể khả thi trong trường hợp các dự án mở rộng và xây mới nhà ga hành khách tại hai CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cùng với CHK Long Thành được thực hiện và đưa vào khai thác theo đúng tiến độ vào giai đoạn từ năm 2023 - 2025.

Phi công của Cánh Diều lấy từ đâu?

Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, dự án hàng không Cánh Diều đã có tính toán nguồn nhân lực dự kiến đảm bảo khai thác đội tàu bay trên cơ sở kế hoạch phát triển đội bay hàng năm và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Theo đó, trong năm đầu tiên khai thác số lao động là 294 người và đến năm khai thác thứ 5 số nhân sự là 1.311 người, trong đó bao gồm 250 phi công và 225 nhân viên kỹ thuật, nhân viên bảo dưỡng tàu bay.

Công ty Thiên Minh dự kiến sẽ thuê phi công nước ngoài là chủ yếu trong giai đoạn đầu và nguồn nhân lực này được cung cấp bởi Công ty CAE Parc Aviation (Ai-len); trong giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo phi công trên cơ sở hợp tác với Công ty CAE Parc Aviation và Công ty Bay Việt. Đội ngũ tiếp viên, thợ kỹ thuật sẽ được công ty tuyển dụng và đào tạo trong nước và ngoài nước.

Với quy mô khai thác và kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực, kế hoạch đào tạo, công ty có thể tự đáp ứng được nguồn nhân lực mà không giành giật, lôi kéo phi công, đặc biệt là phi công của Vietnam Airlines.

Thực tế, trong những năm vừa qua, Vietnam Airlines đã giảm số lượng đội tàu bay ATR72 từ 14 chiếc vào năm 2014 còn 6 chiếc (giao cho Vasco khai thác) vào năm 2019 với lượng phi công và thợ kỹ thuật của Vietnam Airlines đối với loại tàu bay này tương đối dồi dào. Do vậy, việc khai thác tàu bay ATR của Công ty Thiên Minh không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không khác và không tạo áp lực với tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.