Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng
Việt Nam là cửa ngõ hàng không quan trọng kết nối ASEAN với thế giới
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường hàng không ASEAN và hàng không Việt Nam đang đứng đâu trong thị trường này, thưa ông?
Ông Đinh Việt Thắng: Sau 40 năm tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, là một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới.
Từ năm 2015, ASEAN đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới là hình thành Cộng đồng ASEAN và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.
Cộng đồng ASEAN đã mang đến một sức sống mới, một hơi thở sinh động cho toàn bộ khu vực vì lợi ích của hơn 600 triệu dân ASEAN và khu vực.
Đối với lĩnh vực hợp tác hàng không, cùng với tiến trình thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN, năm 2015 cũng là thời điểm để thực hiện Thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASAM) với mục tiêu là đẩy mạnh và tăng cường phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong các lĩnh vực về chính sách hàng không, tự do hóa quyền tiếp cận thị trường, hợp tác về kỹ thuật, pháp lý đối các vấn đề về an toàn, an ninh hàng không và quản lý hoạt động bay.
Các mục tiêu cụ thể là tạo ra các yếu tố của một thị trường vận tải hàng không hiệu quả và cạnh tranh thông qua việc mở cửa việc tiếp cận thị trường; Hướng đến một môi trường kinh doanh thông thoáng, linh hoạt cho các hãng hàng không ASEAN đẩy mạnh việc tăng trưởng và tạo điều kiện cho các hãng hàng không ASEAN có thể phản ứng kịp thời trước các cơ hội và thách thức; Thiết lập một hệ thống các nguyên tắc, hướng dẫn và quy định nhất quán liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không ASEAN để tăng cường cạnh tranh bình đẳng và tạo ra sân chơi bình đẳng cho các hãng hàng không.
5 năm trở lại đây luôn đảm bảo đứng trong 5 thị trường có sản lượng hành khách lớn nhất của ASEAN
Cùng đó, sẽ đẩy mạnh an toàn, an ninh và quản lý hoạt động bay thông qua việc hài hòa và đồng nhất các tiêu chuẩn và quy trình trong khu vực; Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia đối thoại để phát triển vận tải hàng không trong khi vẫn duy trì nguyên tắc ưu tiên tập trung cho ASEAN.
Với các bước chuẩn bị kỹ càng, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự hội nhập sâu rộng tại thị trường hàng không ASEAN và trong 5 năm trở lại đây luôn đảm bảo đứng trong 5 thị trường có sản lượng hành khách lớn nhất của ASEAN, là một trong các cửa ngõ quan trọng của ASEAN để kết nối với các khu vực lớn trên thế giới như Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan), châu Âu, châu Úc.
Các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 (thương quyền 5) thuộc Hiệp định vận tải hàng không ASEAN-Trung Quốc. Xin ông cho biết điều này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của hàng không Việt?
Ông Đinh Việt Thắng: Nghị định thư số 3 về Mở rộng quyền vận chuyển thứ năm giữa các Bên ký kết của Hiệp định vận tải hàng không giữa Chính phủ của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 13/01/2011 (Hiệp định VTHK ASEAN-Trung Quốc) được ký (chưa đầy đủ thành viên) ngày 15/11/2019 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN-Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội.
Nghị định thư mới được các quốc gia cuối cùng (Trung Quốc, Myanmar) ký chính thức và Ban Thư ký ASEAN đang trong quá trình chuyển văn bản tới các quốc gia tham gia để phê chuẩn/phê duyệt. Hiệp định sẽ có hiệu lực áp dụng khi có Trung Quốc và tối thiểu 3 quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn/phê duyệt trong phạm vi các quốc gia đã phê chuẩn/phê duyệt.
Việc ký Nghị định thư 3 là bổ sung thêm 1 số điểm tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc để khai thác quyền vận chuyển thứ 5.
Đối với Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã được bổ sung thêm để các hãng hàng không ASEAN và Trung Quốc có thể khai thác đến.
Về tổng thể, do hoạt động khai thác hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN đã được tự do hóa tối đa nên chưa có bất kỳ hãng hàng không ASEAN hay Trung Quốc nào khai thác đường bay nối Việt Nam và quốc gia thứ 3.
Về đặc thù địa lý nên các hãng hàng không Việt Nam mới đang khai thác các đường bay trực tiếp từ Việt Nam đến Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, chưa khai thác quyền vận chuyển thứ 5 trực tiếp giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong các năm tới, các hãng hàng không sẽ phối hợp các đơn vị du lịch để xây dựng các sản phẩm kết nối du lịch liên vùng Trung Quốc - ASEAN để mang tới thêm nhiều sự lựa chọn cho hành khách.
Thị trường hàng không Việt Nam và ASEAN nhộn nhịp và đầy tính cạnh tranh
Bamboo Airways - hãng hàng không non trẻ của Việt Nam cũng đã mở nhiều đường bay trong nội vùng ASEAN
Ông có thể phân tích rõ hơn những điểm mạnh của hàng không Việt Nam khi phải cạnh tranh trên các thị trường này?
Ông Đinh Việt Thắng: Về cơ bản, các Hiệp định đa biên ASEAN (bao gồm cả Hiệp định ASEAN-Trung Quốc) cùng các Nghị định thư thực hiện đã được hầu hết các quốc gia ASEAN và Trung Quốc phê duyệt và có hiệu lực trong đối với các quốc gia đã phê duyệt.
Với sự tự do hóa về quyền tiếp cận thị trường, các hãng hàng không ASEAN sẽ đẩy mạnh hoạt động khai thác trong nội vùng ASEAN nói chung và các đường bay từ ASEAN đến Việt Nam nói riêng.
Thị trường hàng không Việt Nam và ASEAN sẽ trở nên nhộn nhịp và đầy tính cạnh tranh. Ngoài các đường bay truyền thống nối các điểm là thủ đô của ASEAN đến Hà Nội và TP.HCM, có thể thấy ASAM sẽ tác động mạnh đến việc các hãng hàng không ASEAN mở rộng việc khai thác các thị trường nối các điểm du lịch có các sân bay quốc tế thứ cấp đến Việt Nam ví dụ như các đường bay từ Phuket, Chiangmai (Thái Lan), Bali (Indonesia), Singapore, Langkawi, Penang (Malaysia), Siam Reap (Campuchia)… đến Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ.
Một điểm đáng lưu ý là bên cạnh sự khai thác của các hãng hàng không truyền thống, các hãng hàng không chi phí thấp (LCC) đã và đang đẩy mạnh hoạt động khai thác đi, đến Việt Nam. Tại Việt Nam, VietJet Air và Jetstar Pacific Airlines (nay đã đổi thành Pacific Airlines) trong những năm gần đây đã đẩy mạnh hoạt động khai thác thị trường Đông Nam Á, đến các điểm như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Maylaysia, Indonesia...
Tại thị trường Việt Nam, các hãng hàng không LCC của Đông Nam Á cũng đã đều góp mặt như Air Asia, Thai AirAsia, Nok Air, Cebu Pacific, Malindo Air..., đã tác động không nhỏ đến thị trường vận tải hàng không Việt Nam, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của một bộ phận khách hàng Việt Nam cũng như quốc tế, góp phần làm tăng trưởng thị trường vận chuyển hàng không, thúc đẩy du lịch khu vực phát triển.
Mô hình hàng không giá rẻ đã tạo ra một xu thế phát triển mới của khu vực, khẳng định sự phát triển đa dạng của thị trường và thực tế cho thấy đang là yếu tố tích cực để kích cầu đi lại bằng đường hàng không.
Điều này đã tác động đến thói quen đi lại và nhu cầu tiêu dùng của hành khách Đông Nam Á cũng như Việt Nam, tạo điều kiện rất tốt để thị trường hàng không phát triển và cùng với nó là góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Việc dỡ bỏ các quy định về giá cước, các hạn chế về chuyến bay thuê chuyến đã tác động mạnh đến cơ cấu giá vận tải hàng không. Các hãng hàng không có thể linh hoạt trong việc xây dựng giá cước, đưa ra các mức giá canh tranh, phù hợp với các phân thị hành khách qua đó nâng cao năng lực khai thác và thúc đẩy tăng trưởng vận tải hàng không khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tự do hóa thị trường trong thời gian qua đã tạo những nền tảng hết sức thuận lợi cho sự phát triển mạng đường bay của các hàng không ASEAN và Việt Nam nhưng cũng đang gây áp lực mạnh lên hệ thống hạ tầng cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
ACV đã và đang đầu tư lớn vào việc mở rộng, nâng cấp, xây mới các cảng hàng không, sân bay, cải thiện đáng kể hạ tầng hàng không
TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã có các bước đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng, nâng cấp, xây mới các cảng hàng không, sân bay trong những năm qua với nhiều công trình trọng điểm như các cảng hàng không Phú Quốc, Cát Bi, Thanh Hóa, Nhà ga T2 cảng HKQT Nội Bài, Nhà ga quốc tế cảng HKQT Đà Nẵng, Cam Ranh…
Với một thị trường có dân số gần 100 triệu dân và thu nhập ngày càng được cải thiện, môi trường thể chế-chính trị ổn định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến về đầu tư, kinh tế, du lịch đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
Cùng với việc hội nhập sâu, rộng của kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới, có thể nói ngành hàng không Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng và phát triển.
Việc tăng cường hội nhập khu vực, mở cửa bầu trời trong ASEAN tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, cho phép các hãng hàng không khu vực nói riêng và các hãng hàng không Việt Nam nói chung khai thác thị trường theo nhu cầu, theo mọi hình thức hợp tác khai thác như liên danh, chung số hiệu, thuê chuyến, vận tải đa phương thức…Việc tham gia TPP cũng là một cơ hội lớn cho việc vận tải hàng hóa chuyên dụng bằng đường hàng không.
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, do đã có có thời gian thích ứng, chuẩn bị và hoàn thiện để tham gia một cách tự tin vào vào thị trường vận tải hàng không với mức độ cạnh tranh ngày càng cao thì các cơ hội này sẽ giúp mở rộng và phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc thay đổi phương thức quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng hợp tác với các hãng hàng không khu vực và quốc tế để tối ưu hóa hiệu quả khai thác, tăng cường hiện diện thương mại, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường.
Vậy đâu là thách thức với hàng không Việt, thưa ông?
Ông Đinh Việt Thắng: Bên cạnh những thuận lợi, thực tiễn cho thấy có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển ngành vận tải hàng không giữa các nước thành viên ASEAN thể hiện ở các mặt như hạ tầng cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không, quản lý bay, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý, giám sát của nhà chức trách hàng không và cả ở hệ thống quy định pháp lý về ngành hàng không.
Khi tiến hành tự do hoá vận tải hàng không tiến tới mở của bầu trời ở quy mô toàn ASEAN, không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia ASEAN cũng đã phải đối mặt với những khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách về phát triển hàng không trong khu vực, hài hòa các quy định pháp lý của quốc gia để tạo ra một sân chơi bình đẳng và cùng nhau phát triển.
Việc hội nhập hàng không khu vực sẽ là điều kiện thuận lợi để thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng, tuy nhiên Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi năng lực hạ tầng cảng hàng không, sân bay không theo kịp với sự phát triển và nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các hãng hàng không khu vực, đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ.
Các thỏa thuận về tự do hóa đã mang lại một lượng hàng hóa lớn cho vận tải hàng không, tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có đội tàu bay chở hàng riêng và đây sẽ là một khó khăn không nhỏ cho các hãng hàng không Việt Nam và nguy cơ mất thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế ngay trên sân nhà.
Với năng lực hiện tại của hệ thống kho hàng hóa hàng không hay rộng hơn là các trung tâm logistic hàng không, có thể thấy Việt Nam phải đối mặt với việc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng kho hàng hóa hàng không của các hãng hàng không cũng như các công ty logistic quốc tế.
Với mặt bằng hiện tại của các cảng hàng không quốc tế, việc mở rộng hay đầu tư các trung tâm logistic hàng không ở các cảng hàng không quốc tế là khó khả thi và việc sử dụng các kho hàng ngoài cảng hàng không là một yếu tố cần tính đến.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng hiện nay, theo ông có cách nào để các nước ASEAN có thể cùng nhau vượt qua đại dịch? Ông có đề xuất gì không thưa ông?
Ông Đinh Việt Thắng: Trong năm 2020, đối mặt với đại dịch Covid-19, các quốc gia ASEAN đã tổ chức nhiều hội nghị theo hình thức trực tuyến nhằm chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống Covid-19 tại mỗi quốc gia cũng như trao đổi về yêu cầu của mỗi nước để đưa khách nhập cảnh. Các yêu cầu này liên tục được cập nhật theo tình hình dịch bệnh tại mỗi nước.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại mỗi quốc gia, ngành hàng không Việt Nam đã có các bước trao đổi với một số quốc gia ASEAN được đánh giá có sự kiểm soát dịch bệnh tốt để xây dựng phương án nối lại hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay quốc tế.
Việc thực hiện các chuyến bay này vẫn đang được các cấp có thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đánh giá để đưa ra phương án thực hiện tốt nhất, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là tuyệt đối phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận