Báo Giao thông số ra ngày 19/8 đăng bài “Nhà máy nước 80 tỷ khởi công 4 năm rồi bỏ hoang”, phản ánh việc Dự án nhà máy cấp nước sạch cho hơn 20 nghìn hộ dân tại 4 xã thuộc huyện Cẩm Thủy và Yên Định, tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư là 80,03 tỷ đồng khởi công 4 năm nhưng đến nay vẫn dở dang do thiếu vốn.
Trước đó, Báo Giao thông cũng từng phản ánh rất nhiều công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang vì thiếu vốn hoặc hoạt động không hiệu quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lương Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tính tới nay, cả nước có gần 16.300 công trình nước sạch tập trung, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 44% dân số nông thôn. Trong đó, công trình hoạt động bền vững chiếm 34,7%, trung bình khoảng 34,1%, còn lại số công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động chiếm 26,7%. Trong số công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, công trình được đầu tư cách đây trên 10 năm chiếm tới 41%; từ 5-10 năm chiếm 45%; dưới 5 năm chiếm 14%.
Lý giải tình trạng trên, ông Anh phân tích: “Thời gian ban đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, việc phân bổ vốn được áp dụng theo tỷ lệ 60-40 (ngân sách Nhà nước chi 60%, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa khác). Khi chúng tôi về kiểm tra thực tế, có những dự án chính quyền địa phương ký cam kết sẽ huy động đủ nguồn vốn nhưng thực chất không thực hiện được dẫn tới tình trạng thiếu vốn, công trình thi công dở dang bỏ không. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa thấy lãnh đạo địa phương nào bị xử lý vì không thực hiện đúng cam kết huy động vốn thực hiện dự án”.
Cũng theo ông Anh, ngoài lý do bất khả kháng về biến đổi khí hậu, thay đổi nguồn nước, nguyên nhân khiến dự án nước sạch nông thôn bị “đắp chiếu” bởi khâu vận hành sau bàn giao. “Hầu hết những dự án tại địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, ngân sách đã chi từ 90-100% song ngay cả tiền huy động để duy trì cho việc vận hành, bảo dưỡng, địa phương cũng không đảm bảo được khiến công trình bị hư hỏng kéo dài dẫn tới ngừng hoạt động, bỏ hoang gây lãng phí. Vấn đề này thuộc về ý thức trách nhiệm lãnh đạo địa phương và đơn vị vận hành song tới nay cũng chưa có chế tài xử lý”, ông Anh nói.
Khi được hỏi về trách nhiệm cơ quan đầu mối là Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ông Anh cho biết: “Sau khi Chương trình kết thúc, văn phòng cũng giải tán, chúng tôi cũng không nhận được bất cứ tài liệu chuyển giao nào. Do đó, nếu muốn biết nguồn vốn đã đầu tư, thất thoát lãng phí ra sao thì cần phải thực hiện cuộc khảo sát điều tra thực tế trên cả nước”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận