Tại cuộc họp báo chiều 14/12, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết ngành công thương đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho thị trường hàng hóa Tết 2024.
Theo ông Phương, để chuẩn bị hàng hóa Tết, nguồn cung ổn định, TP tập trung chương trình bình ổn thị trường. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên sau 21 năm triển khai, năm nay chính thức có quy chế được ban hành, việc triển khai được bài bản.
Ông Phương cho hay, số lượng doanh nghiệp tham gia kế hoạch bình ổn thị trường năm nay tăng, với 45 doanh nghiệp phục vụ lương thực thực phẩm, nhiều doanh nghiệp cung cấp chuỗi hàng hóa, chiếm thị phần cao trong nước.
Nguồn vốn doanh nghiệp chuẩn bị cho 2 tháng Tết là 22.000 tỷ đồng, trong đó 8.500 tỷ đồng dành cho bình ổn thị trường. Lượng hàng bình ổn cũng chiếm khoảng 43%, trong đó có khoảng 2.000 tấn dầu ăn, 11.000 tấn rau củ, 200 tấn thủy hải sản, 8.000 tấn gia cầm...
Bên cạnh nguồn dự trữ, TP cũng theo dõi sát tình hình biến động liên quan hàng hóa thiết yếu như: Xăng dầu, nguyên vật liệu... Đặc biệt, giá gạo trên thế giới tăng cao, dẫn đến giá trong nước và các nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng.
Theo ông Phương, thời gian qua, tình hình thị trường, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu diễn biến rất phức tạp, nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine bị gián đoạn (chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% ngô và 13% lúa mạch), hàng loạt quốc gia lần lượt áp lệnh cấm xuất khẩu lương thực như: Ấn Độ (gạo, lúa mì, đường), Nga (gạo, lúa mì), Thổ Nhĩ Kỳ (ngũ cốc), Kyrgyzstan (ngũ cốc)… mùa màng tại Pakistan không thuận lợi, Thái Lan khuyến khích người dân giảm trồng lúa…
Giá gạo xuất khẩu tăng cũng đặt ra thách thức lớn đối với nhiệm vụ bình ổn thị trường nội địa; Thành phố trước đó cũng chỉ đạo Sở Công thương theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và tết Nguyên đán.
"Trong bối cảnh này, Sở Công thương đã phối hợp các đơn vị tính toán đảm bảo ổn định giá nguồn cung và cả nguồn cung cho dịp Tết", ông Phương nói.
Đặc biệt, TP có kế hoạch tăng thời gian bán hàng, mở cửa sớm, đóng cửa muộn hơn, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn.
"Hiện, Sở Công thương nhận thấy còn nhiều mặt hàng biến động như thực phẩm tươi sống, rau củ, quả... Do đó, Sở đã làm việc với các địa phương, đặc biệt là Lâm Đồng là nguồn cung ứng chính, khả năng nguồn cung sẽ dồi dào, không lo thiếu", ông Phương cho biết.
Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) cũng cho biết, đơn vị đã phối hợp Sở Công thương xây dựng kế hoạch phục vụ Tết. Dự kiến, ngoài chương trình chung, đơn vị có hơn 200 chuyến bán hàng lưu động cho công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nhân lao động. Giá hàng hóa thiết yếu này bán ra bằng với giá vốn, không tính chi phí nhân sự, logistics.
Đối với công nhân lao động trên địa bàn, Sài Gòn Co.op cũng có kế hoạch chung tay với TP.HCM, tổ chức 60 chuyến xe đưa công nhân, người lao động khó khăn về quê đón Tết.
Ngoài việc chuẩn bị hàng Tết dồi dào, Sai Gon Co.op cũng dự trữ nguồn dự phòng, có phương án xử lý trong trường hợp thiếu hàng.
"Năm nay, nguồn cung những mặt hàng rau củ quả có khó khăn, chúng tôi đã đầu tư trung tâm phân phối ở Hậu Giang, làm điểm trung chuyển hàng hóa rau củ quả phục vụ bà con TP.HCM", đại diện Sài Gòn Co.op nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận