Mặt hàng gạo đã được các doanh nghiệp phân phối chuẩn bị đầy đủ trong dịp Tết. Ảnh: Dương Linh |
Quà Tết bằng gạo bán chạy
Đang bận rộn với đống hóa đơn đặt hàng, trao đổi với Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Nam, đại diện phân phối tại Hà Nội của Tập đoàn Lộc trời, cho biết anh đang đợi chuyến hàng chuyển từ trụ sở công ty ra để phân phối cho các đơn hàng đã đặt trong dịp Tết.
Theo đó, chuyến hàng theo đường thuỷ dự kiến sẽ được chuyển ra Hà Nội trong thời gian từ 16-20/12 này. “Số lượng gạo chuẩn bị cho đợt Tết năm nay dự kiến sẽ tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Riêng gạo để tặng dự kiến tăng khoảng 40-50% so với đợt Tết năm trước”, anh Nam nói. Loại gạo để tặng mà anh Nam đề cập là sản phẩm gạo dinh dưỡng đặc biệt mà công ty đang phân phối với giá 69.000 đồng/kg.
“Năm ngoái, loại gạo này được công ty đóng gói thành từng bao với trọng lượng 1kg/bao bán rất chạy. Chỉ riêng loại bao 1kg này, Tết năm ngoái chi nhánh Hà Nội bán được khoảng 8 tấn”, anh Nam nói. Năm nay, anh Nam cho biết, sản phẩm này được công ty thay đổi bao bì bắt mắt hơn, đưa ra chính sách chiết khấu tới 10% cho khách hàng đặt với số lượng lớn. “90% khách hàng DN năm ngoái đặt hàng thì năm nay tiếp tục đặt”, anh Nam cho biết khách hàng DN đặt loại gạo này để làm quà cho nhân viên và rất được yêu thích. Riêng với sản phẩm này, chi nhánh Hà Nội của anh Nam dự kiến sẽ bán ra khoảng 14 tấn trong dịp Tết năm nay.
Ngoài sản phẩm đặc biệt này, anh Nam và các nhân viên khác của công ty đang đẩy mạnh tiêu thụ gạo dịp Tết tại các siêu thị hiện đang phân phối bán lẻ gạo của Lộc trời là siêu thị Minh Hoa, Fivimart, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch… và mục tiêu là Vinmart vào đầu năm tới, anh Nam tươi cười cho hay.
Anh Nguyễn Minh Hồng, - chủ DN chuyên sản xuất các loại bánh đa, mỳ gạo tại Hà Nội cho hay, công ty anh đang gấp rút chuẩn bị hàng cho hội chợ cuối cùng của năm vào cuối tháng này. Sau đó, cả công ty sẽ dồn sức cho hàng Tết âm lịch. “Hiện các đơn hàng Tết chúng tôi đã nhận được và vẫn đang tập hợp để có kế hoạch sản xuất”, anh Hồng nói. Anh Hồng cũng dự kiến, lượng hàng hoá năm nay sẽ tăng từ 2-3 lần so với năm ngoái. Nguyên liệu cũng được công ty anh nhập gần xong. Tôi thấy không khí năm nay không được như các năm trước. Mọi năm, sắp tới Giáng sinh là mọi người đi mua sắm rất mạnh nhưng năm nay thì chưa thấy hiện tượng này. Lượng hàng bán buôn cũng như bán lẻ gần như không tăng mấy”, anh Hồng nói. Mặc dù vậy, anh cũng cho biết, công ty lại bù đắp bằng việc tăng cường tham gia các hội chợ cuối năm do lượng hàng bán ra tại đây lại rất tích cực.
Không lo thiếu nguồn cung
Nguồn cung gà năm nay tăng mạnh nên anh Mạc Tuấn Hải, chủ trang trại gà sạch Sơn Trại tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cũng dự kiến không tăng giá bán trong dịp Tết. Theo anh Hải, trang trại đã chuẩn bị được gần 5.000 con gà thịt và hơn 2 tấn thịt lợn rừng, anh Hải cho biết. Thịt lợn rừng là đặc sản, có thị trường riêng nên ít bị ảnh hưởng, nhưng với gà, anh Hải thể hiện sự lo lắng khi nguồn cung gà năm nay tăng mạnh.
“Năm trước giá gà tăng, người dân đổ xô nuôi gà nên lượng gà bán ra dịp Tết chắc chắn sẽ rất dồi dào”, anh Hải nhận định. Hiện các đơn hàng khắp nơi gửi về đang được nhân viên tập hợp nhưng anh Hải cho biết, số lượng đặt không tăng. “Năm nay là năm khó của người chăn nuôi gà. Thị trường phía Bắc không ổn định mà người dân thì sản xuất theo tâm lý thấy giá lên thì đổ xô nuôi, khi bán thấy rẻ thì bán đổ bán tháo nên rất khó cho người chăn nuôi như chúng tôi”, anh Hải nói.
Về dự trữ hàng hoá cho dịp Tết, theo dự kiến của Sở Công thương Hà Nội, năm nay, Sở dự kiến kêu gọi các DN dự trữ 34.500 tấn gạo trắng thường; 5.740 tấn thịt lợn; 2.453 tấn thịt gà; 38,446 triệu quả trứng gia cầm; 1.020 tấn thủy hải sản đông lạnh; 8,15 triệu lít dầu ăn; 32.800 tấn rau củ; 2.400 tấn thực phẩm chế biến; 847 tấn bánh mứt kẹo Tết; sữa nước 5,3 triệu lít với tổng giá tiền hàng khoảng 2.566 tỷ đồng để sẵn sàng phục vụ Tết.
Ngoài ra, Sở cũng thông báo cho các DN chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ thêm các nhóm hàng tiêu dùng khác như bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại nông sản như măng, miến, mộc nhĩ, nước mắm, mì chính... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp Tết. Sở Công thương Hà Nội cho biết, dự kiến hàng hoá dự trữ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 sẽ tăng từ 10-15% so với các tháng trong năm. Dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tại Hà Nội đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Hà Nội bình ổn thị trường dịp Tết Bính Thân 2016 Sở Công thương Hà Nội mới đây chỉ đạo các DN tổ chức dự trữ và bán ra các mặt hàng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng; tổ chức 12 phiên chợ Việt, 9 tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 sẽ tập trung vào công tác chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, công tác kiểm tra kinh doanh trái phép và kinh doanh có điều kiện, công tác kiểm tra bình ổn giá; công tác kiểm tra hoạt động vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm và công tác phòng chống dịch bệnh... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận