Toát mồ hôi ngày đầu đứng lớp
Đầu năm 2022, thực hiện quyết định điều động của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, anh lính trẻ Lò Văn Thoại (SN 1981, trú tại Bản Mường Và, Mường Và, Sốp Cộp, Sơn La) về công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP tỉnh Sơn La, đơn vị quản lý hai xã Nậm Lạnh và xã Mường Và.
Đây cũng là hai xã có vị trí địa lý khắc nghiệt, đường sá đi lại rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, đặc biệt là các bản giáp biên giới.
Nhớ lại cơ duyên đến với "nghề giáo", anh Thoại cho hay: "Ngày ấy lên công tác ở tổ cắm chốt, anh em thường mang sách, báo, truyện để đọc. Bà con rất ngạc nhiên hỏi làm gì đó.
Khi ấy, chúng tôi biết bà con không biết chữ nên quyết định báo cáo và đề xuất ban chỉ huy cho tổ chức lớp dạy xóa mù chữ. Và thế là lớp học ra đời".
Tuy nhiên, quá trình hình thành lớp học vùng biên viễn không đơn giản bởi nhiều lý do, cơ sở vật chất thiếu thốn và đặc biệt là việc vận động bà con đến lớp vô cùng khó khăn.
"Thời gian đầu, chúng tôi mượn nhà văn hóa bản làm lớp học. Lớp học thường bắt đầu sau 20h.
Trời tối, điện không có, mỗi thầy giáo đeo một đèn pin trên đầu, thầy và trò rèn nhau từng con chữ.
Lớp học ban đầu chỉ có 7 học viên, sau tăng dần và hiện duy trì khoảng 24 học viên với đủ lứa tuổi từ 15 - 60".
Để có được số học viên duy trì đều đặn của lớp học là cả 1 hành trình vận động gian nan.
Đại úy Thoại cùng đồng nghiệp đã nhận nhiều lời từ chối thẳng thừng của bà con khi mở lời vận động đến lớp xóa mù.
Nhiều gia đình thậm chí còn không tiếp chuyện vì cho rằng "học chữ, học viết không để làm gì, cuối cùng cũng đi làm nương".
Rút kinh nghiệm từ những lần bị mời về ngay ở ngưỡng cửa nhà bà con, người cán bộ biên phòng bắt đầu áp dụng nguyên tắc "4 cùng", nghĩa là "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc".
Trong quá trình vận động, đại úy Thoại kiên trì giảng giải để người dân vùng cao hiểu rõ hơn những thuận lợi từ việc biết đọc, biết viết để vươn lên thoát nghèo.
Chia sẻ về về những ngày đầu trở thành "thầy giáo quân hàm xanh", anh Thoại nói: "Thời gian đầu lên lớp mình toát mồ hôi hột khi truyền đạt kiến thức cho bà con dân tộc.
Khó lắm, giảng sao để bà con hiểu được, trong khi mình không có nghiệp vụ sư phạm.
Trước giờ lên lớp, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ bài vở, tìm cách truyền đạt gần gũi, dễ hiểu nhất. Rồi để người biết kèm người không biết, rồi từ đó hướng dẫn thêm".
Việc "đứng lớp" trước nhiều thành phần học sinh đa dạng dân tộc, tuổi tác, giới tính... không hề đơn giản.
Với những "học sinh" lớn tuổi, anh thường phải kiên trì hơn các em nhỏ dù ai cũng ham học, chăm chỉ tới lớp.
Ngày 20/11 không hoa nhưng ấm áp
"Từ bản Nậm Lạnh, bà con đến lớp học con chữ và nhận thấy điều đó mang lại lợi ích thật sự cho đời sống, họ truyền tai nhau về các bản khác, tự đăng ký đến trường bản và bộ đội đến dạy", anh Thoại phấn khởi khi chia sẻ về những thành công của lớp học xóa mù chữ nơi bản làng xa xôi.
Nhờ sự nhẫn nại, khéo léo và tình cảm chân thành của người thầy giáo quân hàm xanh, những "học sinh" trong lớp tiến bộ rất nhanh chóng.
Chỉ trong vài tháng, bà con đã cơ bản biết đọc, biết viết. Từ đó, "thầy giáo Thoại" bắt đầu lồng ghép những nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số vào bài giảng
Biết đọc, biết viết, bà con bắt đầu hiểu hơn các chương trình truyền hình, nhất là các kênh khuyến nông, trao đổi kiến thức nuôi trồng.
Nhiều người còn chăm chỉ đọc thêm tài liệu nông nghiệp trên các thiết bị thông minh để áp dụng vào đời sống sản xuất hằng ngày.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại hồ hởi: "Với đặc thù của lớp học vùng biên viễn này, ngày 20/11 với chúng tôi không có hoa, không có quà, chỉ có những lời chúc từ các học viên thôi.
Nhưng ấm áp nhất là khi chúng tôi được thấy các học viên của lớp nhờ biết con chữ, đời sống khấm khá hơn, thậm chí vượt qua rào cản tâm lý, tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội khác".
Trong những năm gắn bó với lớp học đặc biệt ấy, thầy giáo Thoại vẫn nhớ mãi lần vận động 1 phụ nữ dân tộc đến lớp.
"Bộ đội bắt chồng tôi đi tù, không đi học đâu" người phụ nữ đó nhất định không tới lớp. Nhưng mỗi lần thăm chồng cải tạo (bị bắt giữ vì buôn bán, vận chuyển ma túy), người phụ nữ này đều phải nhờ người khác giúp vì không biết tiếng Kinh.
Nhờ nắm được điều này, thầy Thoại đã vận động thành công. Giờ đây, người phụ nữ ấy không chỉ biết chữ mà còn đang đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản. Và mỗi lần xuống huyện là một lần chị lại ghé thăm thầy giáo Thoại.
"Tôi luôn mong muốn các học viên sau khi hoàn thành khóa học biết vận dụng các kỹ năng, phương pháp làm ăn phát triển kinh tế hộ gia đình, quan tâm nhiều hơn đến việc học tập, chăm sóc sức khỏe cho con cái, không còn xảy ra vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Từ đây, người dân thêm hiểu biết, gắn bó mật thiết, tham gia cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia", thầy giáo quân hàm xanh chia sẻ.
Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chia sẻ: "Thầy giáo Thoại cũng như nhiều thầy cô, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn bền bỉ và kiên trì nâng niu từng con chữ, truyền thụ văn hóa, tri thức tới học sinh của mình bằng tất cả tình yêu thương.
Sự cống hiến của các thầy cô không chỉ góp phần phát triển năng lực cá nhân cho từng học sinh mà còn giúp tạo dựng nền móng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận