Sau 13 năm hiếm muộn, giờ đây ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Lê Bá Thưởng (1984) và chị Lê Thị Hà (1989) ở Hưng Yên đã tràn ngập tiếng bi bô của trẻ thơ. Đó là thành quả của một hành trình dài đằng đẵng với nhiều cảm xúc của vợ chồng chị Hà.
Theo lời chị Hà, năm 2010, hai anh chị cùng nhau xây dựng tổ ấm. 3 năm sau đó, tin vui vẫn chưa đến với vợ chồng chị. Những câu hỏi của người thân, những lời xì xào của hàng xóm càng khiến niềm mong mỏi được "làm cha, làm mẹ" của anh Thưởng, chị Hà thêm khắc khoải.
Cứ nghe đâu có thầy thuốc đông y giỏi chữa hiếm muộn là anh chị đều đến khám, nhưng bao năm vẫn bất thành. Tìm đến bệnh viện khám, vợ chồng chị biết được nguyên nhân hiếm muộn là do chị bị hẹp vòi trứng còn anh thì tinh trùng yếu. Tin vào y học hiện đại và nghe theo bác sĩ tư vấn, hai vợ chồng đã thử thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), nhưng đáng tiếc đều không thành công.
Năm 2018, qua sự giới thiệu của người quen, anh chị tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với nhiều hi vọng. Sau khi thăm khám, chia sẻ về tình trạng của vợ chồng, bác sĩ đã tư vấn cho anh chị thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Quá trình kích trứng, chọc trứng tạo phôi đều diễn ra thuận lợi, chị Hà được bác sĩ chỉ định chuyển phôi. Tin vui mang thai khiến cho cả đại gia đình rộn ràng, ai cũng mừng cho anh chị.
Cuộc vui ngắn chẳng tày gang, vào tuần thai thứ 9 bác sĩ chẩn đoán em bé mất tim thai. Nhớ về nỗi đau đó, chị Hà chia sẻ: "Hai vợ chồng đi quá nhiều nơi rồi, mất thời gian, tiền bạc, tinh thần. Đang mong cầu được một em bé ở trong bụng kháu khỉnh, tuần nào đi siêu âm tim thai cũng đập thình thịch, tự dưng đi khám bác sĩ báo con không còn tim thai nữa. Hai vợ chồng vô cùng đau đớn, thất vọng".
Và khi đó, hai vợ chồng chị từng nghĩ đến việc tạm dừng lại hành trình này để nhận con nuôi.
Khát khao có con thôi thúc, đến năm 2023, chị Hà quyết định tạm dừng công việc để dành toàn bộ thời gian cho ước mơ làm mẹ, quay lại bệnh viện đặt phôi.
Lo lắng vì lần mang thai trước chưa trọn vẹn, lần chuyển phôi này, chị Hà quyết định ở gần bệnh viện để tiện cho việc thăm khám, theo dõi. 15 ngày sau khi chuyển phôi, niềm hạnh phúc nhân đôi khi bác sĩ thông báo trong bụng chị có đến hai thiên thần nhỏ.
Sức khỏe của mẹ cùng bé ổn định cho đến tuần thứ 20, bác sĩ phát hiện chị Hà có dấu hiệu tụt cổ tử cung, hở eo cổ tử cung hình chữ Y. Mặc dù đã được điều trị, tình hình vẫn chưa cải thiện đáng kể. Cuối cùng, ở tuần thai 26, bác sĩ điều trị quyết định thực hiện khâu eo tử cung cho chị Hà. Ca khâu thành công và ba mẹ con đã bình an vượt qua giai đoạn đầy thử thách ấy. Đủ ngày, hai bé Gạo – Thóc chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng chị Hà.
BS Hoàng Văn Khanh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Hiện nay, có khoảng 20-30% các trường hợp vô sinh có nguyên nhân từ cả vợ và chồng. Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở nam giới bao gồm bất thường về tinh trùng, các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Còn vô sinh ở nữ giới thường có nguyên nhân từ các bệnh lý ở tử cung, suy buồng trứng sớm hay bất thường ở vòi tử cung... Tuy nhiên với khoa học kỹ thuật hiện đại, căn bệnh vô sinh không phải là khó chữa trị, nên các cặp đôi nên kiểm tra hiếm muộn sớm để có phác đồ điều trị phù hợp, mang lại cơ hội có con.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận