Chặng đường gập ghềnh của metro số 1
Năm 2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án đường sắt đô thị metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với tổng kinh phí khoảng 17.400 tỷ đồng.
Năm 2008, liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu… là chưa phù hợp. NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỉ đồng, tăng thêm 30.000 tỉ so với trước đó. Trong số này, vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM. Chính vì việc điều chỉnh vốn tăng đột biến, tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm đó, có người "sốc" trước số vốn đội lên rất nhiều lần. Là người tham gia với vai trò cố vấn cho tuyến metro số 1 ngay từ những ngày đầu, GS.TS Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học của UBND TP.HCM về các dự án đường sắt đô thị cho rằng, đây là bài học đắt giá khi sử dụng vốn ODA.
"Việc phụ thuộc vào nguồn vốn ODA dẫn đến phụ thuộc cả công nghệ. Khi có sự thay đổi về công nghệ, thiết kế, là phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư của chúng ta phức tạp khiến dự án bị kéo dài. Bài học này phải được đúc rút khi làm các tuyến metro sắp tới. Chúng ta phải làm chủ hoàn toàn về nguồn vốn", ông Trường nói.
Mãi đến tháng 8/2012, dự án metro số 1 mới chính thức được khởi công xây dựng với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018. Tưởng mọi việc suôn sẻ, nhưng vướng mặt bằng, phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp với các tuyến metro khác… dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành kéo dài đến năm 2020.
"Chúng ta phải làm chủ nguồn vốn ở các dự án metro tới đây để không bị phụ thuộc công nghệ nước tài trợ vốn", GT.TS Hà Ngọc Trường.
Chưa dừng lại, trong lúc đang đẩy nhanh tiến độ, hàng loạt khó khăn bủa vây dự án. Vướng mắc trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư, Trung ương không cấp vốn, TP.HCM nhiều lần tạm ứng ngân sách thanh toán để thi công, thậm chí, cuối năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi văn bản đến lãnh đạo TP.HCM cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công vì không thanh toán chi phí.
Kiểm toán Nhà nước "tuýt còi" TP.HCM vì điều chỉnh dự án không tuân thủ đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền. Theo đó, nếu kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Loạt khó khăn khác như Kiểm toán Nhà nước cũng xác định việc điều chỉnh thiết kế tường vây hầm metro (gói thầu CP1a) từ 2m xuống 1,5m là không đúng quy trình; khủng hoảng nhân sự của Ban quản lý đường sắt đô thị khi có đến 50 nhân sự xin nghỉ việc, trong đó có Trưởng ban Lê Nguyễn Minh Quang…
Liên tục lùi thời hạn
Đến năm 2019, ông Bùi Xuân Cường, lúc đó là Giám đốc Sở GTVT TP.HCM được điều động trở lại làm Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (ông Cường trước đó đã làm Trưởng ban này từ năm 2014 đến 2015, nay là Phó chủ tịch UBND TP.HCM).
Cũng năm đó, UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư tăng lên hơn 43.700 tỉ đồng, lùi tiến độ hoàn thành, khai thác thương mại vào quý IV/2021 sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương.
Tưởng chừng vướng mắc được gỡ vướng, metro số 1 sẽ về đích như kế hoach. Thế nhưng, tháng 10/2020, gối cao su dầm cầu cạn tại trụ P14-10 (đoạn ga Công nghệ cao, TP Thủ Đức) của gói CP2 (đoạn trên cao và depot) gặp sự cố. Việc này khiến đường ray đã lắp phía trên bị hư, mất liên kết với hệ thống đỡ ở dưới; bê tông đệm đường ray ở vị trí này cũng bị nứt; 9 gối xê dịch khỏi vị trí ban đầu…
Phía chủ đầu tư cho rằng, sự cố nêu trên hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Liên danh SCC. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng của dự án cũng như sự an toàn trong giai đoạn vận hành khai thác. Để khắc phục sự cố, nhà thầu đã lắp đặt hệ khung với kết cấu bằng thép ở 918 gối cầu trên tuyến nhằm ngăn sự dịch chuyển.
Khó khăn chồng chất, năm 2021 dịch Covid-19 ập đến, việc thi công dự án bị ảnh hưởng, thiết bị, chuyên gia từ Nhật Bản không sang được Việt Nam để thực hiện các bước tiếp theo. Chủ đầu tư phải xin lùi thời gian hoàn thành và đầu năm 2024. Thời điểm này, khối lượng toàn dự án đạt 87,5%.
Đến tháng 4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, lùi thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 đến cuối quý IV/2023, cam kết không phát sinh chi phí.
Đến cuối năm 2022, đoàn tàu đầu tiên trong số 17 đoàn tàu metro đã được vận hành thử nghiệm 18km qua 5 nhà ga trên cao với vận tốc 20km/h. Hệ thống kỹ thuật tàu sau đó cũng được đánh giá hoạt động ổn định. Đây là một bước ngoặt của tuyến đường sắt đô thị số 1 sau chặng đường dài đầy rẫy những khó khăn. Tháng 10/2023, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM tiếp tục gia hạn thời gian hoàn thành sang năm 2024 và sau đó lùi đến tháng 7/2024 rồi quý 4/2024 dù khối lượng chỉ còn 6%.
Tháng 11/2024, UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh dự án metro số 1 với thời gian chạy chính thức là 22/12/2024.
Sẵn sàng phục vụ người dân
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị khai thác tuyến metro) cho biết, bản thân bà và cả tập thể Ban Quản lý Đường sắt đô thị, các nhà thầu thi công dự án, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1... không thể quên được cảm xúc vỡ òa, xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 chạy thử toàn tuyến.
"Tiếng còi vang lên khi đoàn tàu từ ga Suối Tiên về đến ga Trung tâm Bến Thành (ngày 29/8/2023) như thời khắc lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên hành trình hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ người dân thành phố", bà Tâm chia sẻ.
Theo bà Tâm, tuyến metro số 1 là công trình chiến lược trong việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng, phát triển đô thị tại TP.HCM, đáp ứng sự kì vọng của người dân, giúp họ có thêm chọn để di chuyển hàng ngày.
"Mỗi chuyến tàu metro sẽ mang theo sự kỳ vọng về một cuộc sống tiện nghi hơn, một môi trường xanh hơn, đô thị hiện đại hơn. Tôi cho rằng, đây không chỉ là sự thay đổi về phương tiện di chuyển mà còn là sự thay đổi về tư duy, cách chúng ta cùng nhau xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn", bà Tâm nói.
Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã học tập, rèn luyện, thực hành nhuần nhuyễn các kịch bản để phục vụ việc khai thác tuyến. Gần đây nhất, ở giai đoạn vận hành thử nghiệm (trial run), toàn bộ đội ngũ nhân viên tại các vị trí vận hành trực tiếp đã tham gia vào các buổi thực hành vận hành theo các kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tổng cộng, có 47 kịch bản được Liên danh Tư vấn chung NJPT xây dựng, bao gồm 20 tình huống thông thường và 27 tình huống khẩn cấp được triển khai tại các vị trí khác nhau trên toàn tuyến metro số 1.
Tất cả đã sẵn sàng cho ngày 22/12 - ngày metro số 1 vận hành chính thức để đón người dân thành phố.
"Điều chúng tôi tự hào nhất là 100% nhân viên vận hành đã sẵn sàng, tự tin đảm nhiệm nhiệm vụ vận hành tuyến metro số 1 an toàn, hiệu quả, phục vụ người dân với chất lượng tốt nhất. Đây là tiền để cho việc vận hành cả hệ thống metro thành phố trong những năm tới", bà Tâm chia sẻ.
Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM. Tuyến metro số 1 dài gần 20km, bao gồm 11 ga trên cao và 3 ga ngầm, với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2012, sau hơn một thập kỷ xây dựng, dự kiến chính thức vận hành từ ngày 22/12.
Theo đề án phát triển metro của TP.HCM, đã rà soát cập nhật và đề xuất đầu tư 7 tuyến metro dài khoảng 355km, hoàn thành vào năm 2035, với vốn đầu tư khoảng 40,21 tỉ USD. Đến năm 2045 sẽ hoàn thành thêm 155km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận