Mục tiêu ngay từ những ngày đầu thành lập “phải là một công ty toàn cầu” của người sáng lập Bee Logistics đang rất gần khi doanh nghiệp đã và đang có tốc độ tăng trưởng 30 - 50%, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19…
Tiến gần mức doanh thu tỷ đô
Bee Logistics vận chuyển thành công lô hàng cẩu xích từ cảng Hải Phòng đi Laem Chabang bằng tàu RO-RO
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), hiện 80% thương hiệu lớn của ngành logistics trong nước nằm trong tay nước ngoài.
Các doanh nghiệp (DN) logistics Việt đủ khả năng cung cấp bất cứ dịch vụ nào thuộc chuỗi dịch vụ logistics cho tất cả các DN, song lại hạn chế về một số lĩnh vực như vận tải hàng không, vận tải đường biển...
Ngành logistics Việt Nam cũng chưa làm tốt việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tự động hóa trong vận hành, đặc biệt là thiếu sự kết nối giữa các dịch vụ, giữa các doanh nghiệp với nhau.
Một trong những thế mạnh của Bee Logistics là có khả năng tìm ra các điểm ở trên thế giới và biết cách kết nối giữa các điểm đó, kết nối giữa các loại hình vận tải để tạo ra giải pháp phù hợp cho khách hàng. Tức là, thay vì khách hàng mua dịch vụ trực tiếp từ hãng bay hay hãng tàu thì họ mua dịch vụ của Bee Logistics để có được giá cả hợp lý hơn, đủ đáp ứng nhu cầu của họ về thời gian hay khối lượng hàng.
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội
Trong 20% thị phần còn lại ít ỏi đó, nổi lên một thương hiệu Việt có thể cung cấp toàn bộ các giải pháp logistics, từ đường biển, đường bộ, hàng không cho đến dịch vụ hải quan, các dịch vụ vận chuyển đa phương thức, đó là Bee Logistics.
Doanh nghiệp “thuần Việt” này lọt Top 10 Công ty logistics uy tín Việt Nam nhiều năm liền, đồng thời cũng nằm trong Top 500 DN lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Nói đến Bee Logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội bày tỏ thán phục về sự nhanh nhạy của người “thuyền trưởng” Bee Logistics - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Đinh Hữu Thạnh.
Theo ông Nghĩa, ông biết CEO Đinh Hữu Thạnh khoảng 20 năm nay, trước khi thương hiệu Bee Logistics ra đời. Nếu xét về quy mô doanh thu năm 2021 và 2022 của doanh nghiệp này, ông Nghĩa bày tỏ, Bee Logistics “to bằng một nửa Tân Cảng”.
Với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 30 - 50% mỗi năm, ông Nghĩa nhìn nhận, đây là doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi đạt tốc độ tăng trưởng “khủng khiếp” khi có bề dày hoạt động mới 19 năm.
Cụ thể, nếu như năm 2020, Bee Logistics đạt doanh thu khoảng 4.322 tỷ đồng (tăng 156% so với năm 2019), đến năm 2022 con số này là 11.000 tỷ đồng (485 triệu USD).
DN này cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025, doanh thu đạt tối thiểu 700 triệu USD, khoảng 17.000 tỷ đồng và đến năm 2027, có thể là 20.000 tỷ đồng.
Ông Nghĩa dùng từ “the firt mover” khi kể về vị thuyền trưởng của Bee Logistics: “Thời điểm Covid-19 bùng nổ trên thế giới, đường biển tắc, đường không cấm mọi nơi, hoạt động giao nhận hàng hóa gần như đứng im. Thế nhưng, ông Thạnh là người đầu tiên phát hiện ra nhu cầu “thuê bao chuyến charter” - tức, máy bay chỉ đến giao - nhận hàng. Thời điểm đó, Bee Logistics tiên phong. Bee Logistics cũng có “background” là khách hàng quốc tế nên việc thu hút khách dễ dàng”.
Theo ông Nghĩa, đây chỉ là một ví dụ điển hình, trong rất nhiều cách mà CEO của Bee Logistics đã thành công để lựa chọn hướng đi hoàn toàn đúng với những gì DN này đang có.
“Giải pháp phù hợp, tôi cho rằng đó là cái quan trọng nhất”, vị thuyền trưởng Bee Logistics nối lời và lấy ví dụ: Vào giai đoạn mà thế giới có hãng tàu phá sản, ông xác định ngay là khách nào cần hàng, hàng nào có giá trị thì phải ưu tiên giải phóng trước. Bee Logistics đã chủ động đưa ra giải pháp ngay lập tức: Cắt luôn hàng từ bên Singapore chuyển sang Malaysia, xong nối tàu từ Malaysia đi. Chi phí thậm chí rẻ hơn vì lúc bấy giờ cảng Singapore đang tắc nghẽn…
Quyết chí bước qua lời chê bai
Nói thì đơn giản thế, nhưng cái gọi là “giải pháp phù hợp” như chia sẻ của CEO Bee Logistics là kết quả của cả một quá trình thành lập, phát triển và hoàn thiện không ngừng trên tinh thần bền bỉ “cung cấp dịch vụ tốt hơn, tốt hơn mỗi ngày”.
Kể về quá trình khởi nghiệp, ông Thạnh nhớ lại, thời đó, đang làm trong doanh nghiệp nước ngoài, ông thường xuyên phải nghe những lời chê bai “đủ thứ” của họ về dịch vụ logistics của DN Việt.
“Tôi thì luôn thấy người Việt rất giỏi, tỉ mỉ, đặc biệt là những ý tưởng cải tiến, phát triển quy trình mới để phục vụ khách hàng tốt hơn. Do vậy, tôi quyết chí tìm cơ hội thể hiện và phát huy năng lực này của người Việt”, ông Thạnh nói.
Quyết là làm, năm 2004 - 2005, ông Thạnh cùng một số người bạn hùn được khoảng 1 tỷ đồng vốn lập công ty. Dịch vụ của Bee Logistics khi ấy cũng chỉ là gom hàng lẻ đường biển.
Thời điểm đó, thị trường, giá cả dịch vụ logistics đang rất nhiễu loạn. Thói quen của các doanh nghiệp là mua giá CIF, bán giá FOB (hàng hóa chỉ được giao và nhận tại cảng Việt Nam, các khâu còn lại bên ngoài Việt Nam do phía nước ngoài đảm nhiệm). Đơn vị mua cứ trả giá như thế này, nhưng sang nước ngoài họ lại thu kiểu khác và mỗi khâu lại thu thêm một ít… khiến các DN xuất, nhập khẩu rất hoang mang.
“Nắm bắt được tâm lý đó, Bee Logistics cam kết với khách hàng: “Ông trả tổng cước cho tôi, phần chi phí phía nước ngoài tôi chịu trách nhiệm. Nếu phía nước ngoài có thu vượt lên, chúng tôi sẽ bỏ tiền ra trả đủ cho họ chứ không thu thêm từ ông”, ông Thạnh kể.
Chuyến đầu tiên Bee Logistics làm là từ TP.HCM đi Nhật Bản, từ Hải Phòng đi Mỹ, Hải Phòng - Hong Kong, Hải Phòng - Singapore. Nhờ làm rõ ràng, chuẩn từng công đoạn, giá cả đúng với cam kết, nên khách hàng tìm đến đông. Trong vòng 2 - 3 năm, uy tín Bee Logistics nổi như cồn.
“Chúng tôi chỉ có một quyết tâm làm sao phải đưa ra được những dịch vụ thật tốt”, ông Thạnh nói và cho biết, thuận lợi của Bee Logistics là thị trường khi ấy vẫn chưa phát triển chuyên nghiệp. Đơn vị nào xây dựng được dịch vụ tốt và giữ uy tín sẽ có cơ hội thể hiện ngay.
Dù là công ty nhỏ nhưng ngay từ đầu, Bee Logistics đã xác định phải ứng dụng công nghệ thông tin. Chưa có tiền, công ty mua phần mềm nội địa - khi mà các doanh nghiệp công nghệ tư nhân nhỏ của Việt Nam cũng mới manh nha phát triển các phần mềm cho lĩnh vực logistics.
Chưa cạnh tranh được với các công ty lớn khi chưa có đủ nguồn lực, Bee Logistics sử dụng cơ sở hạ tầng kho bãi, cảng của DN lớn và là người kết nối, đưa ra các giải pháp, tạo ra các giá trị mới để đưa vào trong chuỗi giá trị của các công ty lớn…
19 năm phát triển, ông Thạnh cho biết, việc kinh doanh khá thuận lợi, chỉ duy nhất năm 2017 ông đã muốn “buông súng” do bị hiểu lầm như “những kẻ buôn lậu”.
Cho rằng đồn đoán này xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh, ông Thạnh nhớ lại: “Tôi cũng nản, nhưng thiết nghĩ đến chân lý “nếu mình không sai thì mình không ngại, không sợ”.
Quả vậy, sau đó nhiều tháng, chiếu theo luật, chúng tôi không gặp vấn đề gì cả nhưng có bị thiệt hại về uy tín, tiền bạc. Mãi sau này, khi đi đấu thầu các hợp đồng ở Mỹ, Bee Logistics vẫn còn phải giải trình”.
Đến nay, trên toàn hệ thống, Bee Logistics có 27 văn phòng tại Việt Nam và 15 văn phòng nước ngoài ở 10 nước như Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia… với hơn 900 nhân sự. Mỗi năm, doanh thu của Bee Logistics tăng trưởng khoảng 30 - 50%, những năm 2021, 2022, doanh thu tăng trưởng hơn 100%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận