Điện ảnh

Hành trình gian nan đưa “Ròm” lên màn ảnh rộng

27/07/2020, 08:26

“Ròm” - bộ phim đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy từng gây xôn xao khi bị Bộ VH,TT&DL phạt 40 triệu đồng, sẽ công chiếu toàn quốc từ 31/7.

img
“Ròm” là bộ phim điện ảnh Việt đầu tiên khai thác về đề tài số đề

Ngoài việc từng bị phạt, phim còn gây tò mò cho nhiều người bởi từng đạt giải cao nhất New Currents tại Liên hoan phim Quốc tế Busan (Hàn Quốc) hồi tháng 10/2019.

Cuộc đua của những người trẻ “cứng đầu”

Tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019, “Ròm” đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn và khán giả nước ngoài bởi đề tài vô cùng gần gũi với đời sống Việt nhưng còn xa lạ với màn ảnh - Số đề. Phim kể về nhân vật Ròm (Trần Anh Khoa đóng) - cậu bé bụi đời chuyên làm nghề “cò đề” - tư vấn cho người dân các số may mắn.

Ròm từng giúp một người đánh đề trúng 70 triệu đồng, được cả khu phố tin tưởng. Sau đó cậu bị rượt đánh vì tư vấn thất bại. Trong cuộc mưu sinh, Ròm bị đám thanh niên nghiện cờ bạc truy đuổi, giành khách với đối thủ trong nghề - Phúc (Anh Tú Wilson đóng). Phim còn có sự tham gia của Cát Phượng, Hải Triều, Lãnh Thanh...

“Ròm” cuối cùng cũng về đích, phim đã trải qua một hành trình đi từ trải nghiệm thời tuổi trẻ đến đỉnh cao vinh danh tại nước ngoài, rồi lại trở về với quê nhà. Câu chuyện phim vẫn đang chờ được khán giả khám phá, nhưng hành trình đầy nhọc nhằn của “Ròm” cũng đã hoàn thành. Hay nói như đạo diễn Trần Thanh Huy: “Câu chuyện cổ tích của Ròm, tôi và ê-kíp đã viết xong”.


Từ một phim ngắn tốt nghiệp mang tên “16:30” (từng đoạt giải Cánh diều vàng 2012, trình chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013), đạo diễn Trần Thanh Huy đã quyết định “nuôi” nhân vật Ròm để tiếp tục thực hiện ước mơ điện ảnh của mình.

Là người trực tiếp lên kịch bản và đạo diễn bộ phim, Trần Thanh Huy cho biết, câu chuyện về số đề và những đứa trẻ như Ròm xuất phát từ một phần tuổi thơ của anh khi lớn lên cùng những đứa trẻ buôn bán ở chợ Thị Nghè, Sài Gòn.

“Cuộc đời tôi gắn liền với công việc chân tay khi mẹ phải bán đủ thứ tại nhà từ sáng sớm tới đêm: Bán cơm, bò bít tết, súp cua, ốc, rửa xe... Ba tôi làm nghề sửa xe.

Vì vậy, tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi với mình nhất. Những đứa trẻ ở đây phải tính toán bán được bao nhiêu món đồ ăn, bao nhiêu trái cây để sống qua ngày.

Có đứa mồ côi, có đứa có cha mẹ nhưng cũng phải lao động, có đứa đi ở đợ… Nhưng, họ đều có nguồn năng lượng, sự quyết tâm thoát khỏi cái nghèo mà không bao giờ bi lụy, ướt át, van xin người khác”, nam đạo diễn bộc bạch.

Để câu chuyện của mình tạo được tiếng vang trên đấu trường phim quốc tế cũng như trong nước, ê-kíp của “Ròm” đã phải trải qua một hành trình đầy gian nan và khốc liệt trong gần một thập kỷ. Ngay từ khâu kịch bản, Trần Thanh Huy đã dồn hết tâm lực, thậm chí từ chối rất nhiều cơ hội tốt sau tiếng vang của “16:30”.

Nhớ lại, nam đạo diễn cho biết, anh đã đi ở thuê trong các khu chung cư cũ ở Sài Gòn trong nhiều tháng trời. Một ngày 24 tiếng, anh ở ngoài đường 20 tiếng tìm chất liệu cho phim. “Ròm” nghiễm nhiên chiếm trọn tâm trí của anh mọi nơi, mọi lúc. Thậm chí, anh còn đã viết tới mấy nghìn trang cho “Ròm”.

Phim bắt đầu có ý tưởng từ năm 2011, đến năm 2013 bắt đầu thực hiện nghiêm túc. 7 năm đằng đẵng, hành trình của “Ròm” cũng là cuộc đua của những người trẻ “cứng đầu” khi ê-kíp phải mất rất nhiều thời gian ghi hình, miệt mài đi kêu gọi tài trợ...

Đó còn chưa kể việc phim từng bị Bộ VH, TT&DL xử phạt hành chính 40 triệu đồng vì đã gửi phim tham dự LHP Quốc tế Busan khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép phổ biến.

Tuy nhiên, đó cũng là một cuộc đua tràn đầy nhiệt huyết và đam mê. Đạo diễn Thanh Huy thừa nhận, đã có người khuyên anh “thôi bỏ đi” nhưng lúc đó anh chỉ còn hy vọng, đặt niềm tin vào bộ phim.

Không được tiết lộ kinh phí cụ thể, nhưng phim ban đầu được dự kiến hoàn thiện trong khoảng 1,5 năm, thực tế ê-kíp mất tới 7 năm để ghi hình, với 27 bản dựng, quay trong 89 ngày qua các mùa khác nhau. Một con số không tưởng về cả công sức, thời gian, tiền bạc của ê-kíp khoảng 200 người.

Trong quá trình quay, tôi cũng trải qua những lần tính toán sai về di chuyển, thời gian. Mỗi lần mọi thứ không được như mình nghĩ, tôi phải làm lại cho nó thật hơn, phải làm sao để người xem cảm thấy không có sự sắp đặt nào ở đó. Sau khi quay xong, tôi đã dựng tới hai mươi mấy bản phim.

Số lượng footage (cảnh quay chưa qua hậu kỳ) của phim có khi dựng được 3, 4 phim điện ảnh của Việt Nam. Nhưng phim của tôi chỉ dài 79 phút”, nam đạo diễn tiết lộ.

Mồ hôi, nước mắt sau những thước phim

img
Trần Anh Tú (bên phải, vai Ròm) và Anh Tú Wilson (vai Phúc) trong phim “Ròm”

Những phân cảnh rượt đuổi chóng mặt, những con hẻm tối tăm, chật chội, nhớp nháp dưới vỏ bọc hào nhoáng nơi Sài Gòn hoa lệ có lẽ đã trở thành biểu tượng của “Ròm”. Phim được ghi hình tại nhiều quận khác nhau ở TP HCM và một phần hậu kỳ thực hiện ở Pháp.

Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết, anh muốn đem những gì thật nhất, “đời” nhất vào phim, từ ánh sáng, màu sắc, thiên nhiên… đến những cảnh đánh nhau đổ máu. Tất cả những hình ảnh trong phim đều là những cảnh quay chân thực nhất, cả bộ phim chỉ có duy nhất một cảnh quay sử dụng kỹ xảo.

Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Khắc Nhật cho biết, bối cảnh là khó khăn đầu tiên của ê-kíp. Sau nhiều gián đoạn, cuối cùng ê-kíp chọn được bối cảnh chính ở chung cư ở Thanh Đa - khu chung cư cũ nát, bỏ hoang đang chờ giải toả. Ê-kíp phải dọn dẹp và tái tạo lại những căn hộ để xây dựng bối cảnh ấn tượng nhất cho bộ phim chỉ với một khoản chi phí hạn hẹp.

Trong khi đó, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Phúc Vinh thừa nhận “Ròm” được xem là tác phẩm đầu tiên quay và sử dụng khung hình nghiêng cho cả bộ phim. Đây cũng là điểm cộng lớn nhất của phim.

Theo Nguyễn Phúc Vinh, việc quay máy nghiêng như vậy phù hợp với việc miêu tả những cuộc sống bấp bênh của người dân lao động - những tầng lớp thấp bé trong xã hội. Họ luôn luôn bị xô đẩy, chưa bao giờ có cuộc sống bằng phẳng, yên ả.

“Ròm” là một bức tranh rất đời. Nét “đời” đó còn phải được thể hiện qua cách diễn thuyết phục của nhân vật. Vì vậy, đạo diễn Trần Thanh Huy thừa nhận, khó khăn nhất là casting vai Phúc.

Với tiêu chí tìm được diễn viên có khả năng biểu đạt qua ánh mắt, anh đã mất 2 năm ròng để chọn lựa và tìm ra Wilson Anh Tú để trở thành đối thủ “không đội trời chung” của Ròm.

Anh Tú Wilson cho biết bản thân mình chỉ giống Phúc khoảng 20-30%, nên để diễn ra cái chất dữ tợn và gai góc của nhân vật, cậu phải cùng Trần Anh Khoa học cách sống như những đứa trẻ bụi đời thực thụ. Thậm chí Trần Anh Khoa còn phải tập dáng đi khòm lưng, học cách nói chuyện rụt rè và cà lăm của nhân vật.

Anh Tú Wilson thừa nhận, cảnh quay Ròm đánh nhau với Phúc là một trong những cảnh khó nhằn nhất và mang lại cho đoàn phim nhiều kỷ niệm xúc động. Toàn bộ ê-kíp mất tận 2 tiếng để hoàn thành.

“Để tạo cảm giác chân thực nhất cho phân cảnh, chúng tôi đã phải tập luyện nhiều giờ liền với cascadeur. Cả hai phải cố gắng làm sao để cảnh quay thật nhất có thể, nhưng vẫn đảm bảo được sức khoẻ cho diễn viên. Sau khi quay xong, tôi và Khoa tự nhiên ôm nhau khóc. Chúng tôi khóc không phải vì đau mà vì hạnh phúc, đã hoàn thành được”, Anh Tú Wilson kể lại.

Tờ Screendaily có bài viết bình luận về bộ phim như sau: “Ròm mang chút âm hưởng của “Triệu phú khu ổ chuột” khi một cậu bé vị thành niên phải vật lộn để sinh tồn nơi đường phố đầy rẫy hiểm nguy.

Biên kịch - đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy của phim từng nói: “Ròm là toàn bộ tuổi trẻ của tôi” và quả thực, tác phẩm đầu tư tận 7 năm đầy tâm huyết này đã có màn ra mắt không phụ lòng mong mỏi của anh.
Trần Thanh Huy đã mang cả bối cảnh xã hội vào “Ròm”. Đó là thế giới con người mà phải chà đạp lên nhau để kiếm sống, những ngôi nhà ổ chuột chật chội, những con sông bị ô nhiễm nặng nề mà có những con người đánh cược mọi thứ để có tấm vé trúng số đổi đời đầy hão huyền.

Cờ bạc dường như là một chứng nghiện phổ biến trong một xã hội nghèo đói, nơi những người dưới đáy bất lực trước những kẻ cho vay nặng lãi và nhà cái tham lam.

“Ròm” có lối kể chuyện khá tốt, tuy rằng cái kết có vẻ quá đột ngột, không có cảm giác cổ tích ở đây. Trong xã hội đấy, sống tiếp một ngày nữa có thể là phần thưởng duy nhất mà Ròm nhận được”.

Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Busan nhận xét: “Bộ phim có năng lượng đáng kinh ngạc. Đó là thành quả của những màn trình diễn xuất sắc và kỹ thuật quay ngoạn mục.

Việc sử dụng các địa điểm thực, trực tiếp đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo. Phần mở đầu và kết thúc đều khiến người xem thỏa mãn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.