Ngày 4/10 vừa qua, bộ phim “Ròm” của Công ty CP Sản xuất Phim Hoan Khuê đã được công chiếu tại LHP Busan. Bộ phim có thể tiếp tục công chiếu trong hai ngày 9 và 10/10.
Đáng nói, cuối tháng 9 vừa qua, nhà sản xuất xin rút phim khỏi Liên hoan do đăng ký dự thi sai luật. Theo đó, nhà sản xuất đã gửi tác phẩm đến sự kiện từ trước khi có giấy phép phổ biến trong nước.
Điều này trái với Luật điện ảnh sửa đổi năm 2009 (tác phẩm tham dự liên hoan phim phải có giấy phép phổ biến (tức đã qua kiểm duyệt) của cơ quan quản lý nhà nước hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình).
Ngoài ra, Cục Điện ảnh cũng có “trát” cho biết phim chưa được cấp phép phổ biến, đang trong giai đoạn phải sửa chữa để gửi lại Hội đồng thẩm định phim trung ương duyệt, không thể đưa đi dự các liên hoan phim quốc tế cũng như công chiếu.
Theo Thông cáo báo chí của Cục điện ảnh ngày 25/9, bộ phim “Ròm” của Công ty CP Sản xuất Phim Hoan Khuê đã cam kết không gửi bộ phim “Ròm” tham dự LHP Quốc tế Busan 2019 dưới mọi hình thức vì chưa có Giấy phép phổ biến phim.
Ngoài ra, trong Công văn số 637/ĐA-PBP về việc phim “Ròm” dự LHP Quốc tế Busan 2019 vào ngày 23/09, Cục Điện ảnh còn nêu rõ, phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn.
Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam.
Bởi thế, việc bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy vẫn được công chiếu tại một LHP lớn như LHP Busan đã gây xôn xao. Phim vẫn tham gia dự thi ở nhánh chính New Currents dành cho các tác phẩm đầu tay hoặc thứ hai của đạo diễn châu Á.
Theo thông tin báo chí, đại diện Ban tổ chức LHP Busan – ông Park Sungho cho biết đã nhận đơn xin rút phim của nhà sản xuất, nhưng BTC vẫn giữ lại bộ phim vì “Chúng tôi không muốn hủy buổi chiếu do nhiều khán giả quan tâm đến tác phẩm, đặt vé từ trước. Liên hoan phim phải duy trì sự kết nối và giao ước với khán giả”.
Để một bộ phim có nhiều thông tin tiêu cực, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam lại được công chiếu ở một LHP có sức lan tỏa, chắc chắn đây là trách nhiệm của nhà sản xuất. Thế nhưng, Cục Điện ảnh và Bộ VH,TT&DL, hai cơ quan quản lý thì trách nhiệm sẽ đến đâu?
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý 3 – 2019 vào ngày 8/10, ông Nguyễn Thái Bình, chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã khẳng định, Bộ sẽ xử lý nghiêm việc phim “Ròm” dù chưa được cấp phép phổ biến đã đem đi dự LHP Busan. Bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, NSX phim “Ròm” sẽ bị xử lý theo Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và quảng cáo. Ông Bình cho biết, việc xử lý này nhằm “đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật” và ngay cả trường hợp bộ phim đoạt giải tại LHP này thì vẫn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ cũng đã họp bàn để đưa ra hướng xử lý đối với nhà sản xuất bộ phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận