“Ăn ngủ” với hồ sơ khảo sát, thiết kế
Sau khoảng 5 tháng ròng rã “ăn ngủ” với hồ sơ khảo sát, thiết kế phục vụ công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định (Ban QLDA Thăng Long) thở phào nhẹ nhõm khi mới đây (14/7), tất cả 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc đã được Bộ GTVT phê duyệt.
Trong đó, có hai dự án thành phần Ban QLDA Thăng Long phụ trách là Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Để đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ GTVT luôn có mặt kịp thời, hỗ trợ các Ban QLDA làm việc, thống nhất hướng tuyến với địa phương. Trong ảnh: Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiểm tra hướng tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 qua địa phận Quảng Ngãi
Ông Sơn cho biết, ngay khi Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai, Ban QLDA Thăng Long và hầu hết các Ban QLDA khác thực hiện tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã thần tốc lập văn phòng điều hành dự án tại hiện trường ngay từ khâu khảo sát thay vì lập ở bước GPMB như dự án giai đoạn 1.
Theo quyết định được Bộ GTVT phê duyệt, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được đầu tư với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính.
Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ - Cà Mau (110,9 km).
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.
Mục đích của việc thành lập sớm là để phối hợp giám sát, đồng thời cùng tư vấn đến làm việc với chính quyền của xã, huyện giới thiệu người dân cho phép đơn vị khảo sát đi vào phạm vi đất đai sở hữu thực hiện nghiệp vụ chuyên môn.
Theo ông Sơn, thách thức đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là phải được khởi công ngay trong năm 2022. 12 dự án thành phần phải được trình phê duyệt trước ngày 30/6/2022.
Tức là từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 ngày 11/01/2022 đến thời điểm phê duyệt dự án chỉ có 5 tháng khảo sát, lập dự án so với 11 - 12 tháng, thậm chí dài hơn như các dự án trước đó.
“Ý thức được sự gấp gáp ấy, công tác khảo sát, xây dựng báo cáo được thực hiện ngày, đêm. Nếu ban ngày, các kỹ sư, tư vấn thường trực tại hiện trường để khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn thì tại “hội sở” Hà Nội, các cán bộ, chuyên viên Ban QLDA luôn lên dây cót làm việc đến 20 - 21h tối, đảm bảo thông tin khảo sát gửi về được xử lý kịp thời”, ông Sơn kể và cho biết, sự vào cuộc của địa phương từ khâu khảo sát cũng là yếu tố quan trọng.
“Điển hình với hai dự án thành phần Ban QLDA Thăng Long được giao làm chủ đầu tư, ngay khi dự án được thông qua chủ trương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập ngay Ban chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các huyện vào cuộc thỏa thuận hướng tuyến, cung cấp thông tin quy hoạch, thống nhất công trình kết nối, tuyên truyền cho người dân biết và ủng hộ dự án. Khi làm việc thỏa thuận hướng tuyến với huyện, xã, Sở GTVT Hà Tĩnh cũng cử cán bộ đi cùng, có vướng mắc gì sẽ tiếp nhận, giải quyết ngay”, ông Sơn chia sẻ.
Cán bộ Ban QLDA 6 đồng hành cùng các đơn vị chức năng địa phương khảo sát thực địa, lập hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đảm bảo điều kiện phê duyệt dự án cao tốc Bắc - Nam
Một lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT) cũng khẳng định, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có thể đáp ứng thời gian phê duyệt theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan Quốc hội.
Đơn cử, trong vấn đề khảo sát mỏ vật liệu, nếu trước đây, tư vấn phải độc lập khảo sát hoặc đề nghị địa phương cung cấp thông tin về quy hoạch các mỏ trên địa bàn thì tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn làm việc ngay với địa phương, đề nghị địa phương cung cấp thông tin chi tiết các mỏ như: mỏ nào nằm trong quy hoạch/chưa nằm trong quy hoạch, có hay chưa giấy phép khai thác để lường trước và triển khai dần các thủ tục.
“Sự phối hợp của địa phương cùng với việc các đơn vị tổ chức song song các mũi khảo sát giúp công tác khảo sát dự án cơ bản rút ngắn ½ thời gian so với dự án có quy mô tương tự (thường mất khoảng 3 tháng)”, vị này nói và cho biết, kết quả dự án cao tốc Bắc - Nam có được còn nhờ sự vào cuộc quyết liệt với không dưới 20 chuyến đi làm việc trực tiếp để gỡ khó, thống nhất với địa phương về hướng tuyến của lãnh đạo Bộ GTVT.
Một trong những yếu tố quyết định đến tiến độ phê đuyệt dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 chính là thủ thục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ. Đây là thủ tục có khối lượng rất lớn.
Ông Nguyễn Huy Thành, Trưởng phòng điều hành dự án 4, Ban QLDA 6 cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ Bộ GTVT giao, ngay từ tháng 2/2022, Ban QLDA 6 đã tức tốc sang Bộ Tài nguyên - Môi trường “tiền trạm”, nhờ hướng dẫn các thủ tục cần triển khai để hướng dẫn các Ban QLDA khác.
“Để có được tờ trình cấp có thẩm quyền địa phương, các Ban QLDA phải vào địa phương tiếp cận làm việc, báo cáo Sở NN&PTNT, TN&MT, Chi cục Kiểm lâm phối hợp điều tra thu thập số liệu, xây dựng báo cáo thuyết minh, bản vẽ.
Để kịp thời có hồ sơ báo cáo địa phương xem xét, trình các Bộ chuyên ngành thẩm định, ròng rã trong 7 - 15 ngày, cứ 6h30 sáng, kỹ sư, tư vấn phải có mặt tại Chi cục Kiểm lâm để đi hiện trường. Có những khi 9 - 10h tối về đến phòng chỉ kịp tranh thủ sinh hoạt cá nhân rồi lại lao vào làm việc, đối soát số liệu, hoàn thiện cho kịp hồ sơ khảo sát và thống nhất với các đơn vị liên quan”, ông Thành kể.
Theo đại diện Cục QLXD&CLCTGT, với sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương, việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, từ khảo sát đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB, giám sát đầu tư cộng đồng, thời gian từ khi bắt đầu triển khai đến khi trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chỉ khoảng 5 tháng.
Trong khi đó, ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, thời gian mất khoảng 11 - 12 tháng.
Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trình lên cùng là thời gian trụ sở Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) sáng đèn đến đêm muộn để kịp thẩm định, trình phê duyệt
Nhiều đêm trắng thẩm định
Áp lực không kém với những kỹ sư khảo sát hiện trường chính là những cán bộ, chuyên viên tham gia vào quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các ban trình lên.
“Khoảng gần 1 tháng liên tiếp kể từ tháng 5, cao điểm từ đầu tháng 6/2022, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần bắt đầu được trình lên, thời gian rời trụ sở của hơn 100 cán bộ, chuyên viên Cục QLXD&CLTGT cùng cán bộ các Ban QLDA, lực lượng tư vấn rất ít khi sớm hơn 21h”, một cán bộ Phòng Dự án đầu tư 2 (Cục QLXD&CTGT) nhớ lại.
Chia sẻ cụ thể hơn về những ngày “căng não” với những tập hồ sơ dự án chất thành từng chồng, lãnh đạo Phòng Dự án đầu tư 2 cho biết, để tối ưu thời gian trình phê duyệt hồ sơ, quá trình thẩm định các dự án thành phần tại các phòng chuyên môn Cục QLXD&CLCTGT còn có sự hiện diện của cán bộ các Ban QLDA, lực lượng tư vấn.
Đây là sự khác biệt và đặc thù của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Với các dự án trước, Ban QLDA sẽ trình một bộ hồ sơ đầy đủ, Cục sẽ xem và xin ý kiến các đơn vị liên quan.
Nếu có vấn đề cần chỉnh sửa lại chuyển về đơn vị phụ trách hoàn thiện và tiếp tục gửi lại. Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, quá trình thẩm định được tổ chức làm tập trung, có vấn đề phát sinh, đại diện tư vấn, Ban QLDA sẽ liên hệ bộ phận chuyên môn ở đơn vị rà soát, điều chỉnh ngay.
“Điều khác biệt với các dự án trước là dự án cao tốc Bắc - Nam lần này, cán bộ Cục QLXD&CLCTGT đã song hành với tư vấn, Ban QLDA ngay từ bước khảo sát. các yếu tố hình học, mặt bằng, trắc dọc, trắc ngang đã được các bên thống nhất, cho ý kiến ngay từ khâu thiết kế cơ bản.
Việc thẩm định chủ yếu tập trung rà soát, đảm bảo tính tổng thể, không bị vênh giải pháp kỹ thuật giữa các dự án thành phần”, vị lãnh đạo này nói và cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt, thời gian thẩm định 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chỉ còn khoảng 1 tháng so với 45 ngày theo quy định hiện hành.
Dưới góc độ tư vấn, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn GTVT nhận định, tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đã thay đổi phương thức cách làm vô cùng hiệu quả.
“Một điều cũng chưa từng có ở các dự án giao thông trước là không dự án nào làm hướng dẫn thiết kế chung. Song, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sau khi ban hành hướng dẫn tổng thể, Bộ GTVT đã yêu cầu tư vấn xây dựng hướng dẫn hồ sơ, dự toán mẫu chi tiết,….
Đây là một trong những giải pháp đảm bảo được tính chính xác, thống nhất giữa các tư vấn, khâu thẩm tra, thẩm định, tránh phát sinh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu và phát sinh thời gian điều chỉnh”, ông Sơn chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận