Chinh phục thị trường Mỹ
Cuối năm 2022, thị trường công nghệ Việt Nam bất ngờ trước tin Công ty TNHH Realtime Robotics Inc (RtR) của CEO Lương Quốc Việt xuất khẩu thiết bị bay không người lái (drone) mang tên Hera vào thị trường Mỹ. Hợp đồng đó ghi dấu lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu dòng sản phẩm này.
Đối tác đặt mua Hera là RMUS, nhà phân phối drone chuyên nghiệp của Mỹ, có lịch sử hoạt động hơn 10 năm và phân phối drone khắp thế giới.
Điểm nổi bật giúp Hera chinh phục được RMUS là khả năng của các thiết bị mà nó có thể mang theo. Hera bỏ vừa ba lô người đeo nhưng có khả năng mang thiết bị nặng tới 15kg khi bay, tức là gấp 7 lần so với các sản phẩm cùng loại.
Về không gian, các mẫu drone trên thế giới thường chỉ đủ chỗ để gắn một tải hoặc một camera, nhưng Hera có thể mang được 4 tải cùng lúc, mỗi tải có tầm quan sát 360 độ. Do đó, khả năng thực hiện nhiệm vụ của Hera vượt trội so với các drone hiện có.
Hera sau khi xuất khẩu sang Mỹ được RMUS chuyển cho Công ty Valmont Industries - doanh nghiệp sở hữu một phần lưới điện ở Mỹ. Thiết bị này được dùng kiểm tra đường điện cao thế theo định kỳ để đảm bảo an toàn theo quy định bắt buộc. Trước khi có drone, họ phải đi bộ và dùng ống nhòm.
"Hera chỉ cần bay một lần thu thập được 4 loại dữ liệu, trong khi drone khác phải bay 4 lần. Hera có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong ngành điện. Đó cũng là lý do công ty điện lực cho biết họ cần tới 1.700 chiếc", theo RMUS.
Để có được sự vượt trội, ông Phí Duy Quang, kỹ sư trưởng phụ trách cơ khí của RtR cho biết, phần lớn các chi tiết cơ khí đều được các kỹ sư trẻ của công ty mày mò chế tạo, mang lại tính ưu việt.
"Để Hera có được hình hài và tính năng vượt trội là cả một chặng đường dài với bao bản vẽ bị xé bỏ, hàng tá sản phẩm mẫu bị cho ra rìa", ông Quang nói và cho biết, bộ phận nguồn điện cho drone hoàn toàn có thể mua các loại pin có sẵn trên thị trường. Nhưng với mục tiêu đạt được thời gian bay dài hơn, các kỹ sư Việt phải nỗ lực để sản xuất được bộ nguồn vừa có dung lượng tối đa, vừa có hình dáng tối ưu.
"Kỹ sư Việt Nam rất tài năng"
CEO Lương Việt Quốc khoe, Hera được bán giá 58.000 USD/chiếc (khoảng 1,4 tỷ đồng), trong khi các sản phẩm cùng loại đang có giá khoảng 30.000 USD/chiếc.
Ông Việt nói, phần chênh lệch đó đến từ chất xám R&D (nghiên cứu, phát triển) của kỹ sư Việt Nam. Chất xám đã giúp RtR đưa ra sản phẩm nổi bật và để đạt được kết quả đó, những cuộc tranh luận tay đôi giữa ông và các kỹ sư trẻ diễn ra như cơm bữa.
Năm 2014, CEO Lương Việt Quốc đã start-up về drone tại San Francisco (Mỹ). Năm 2017, ông Quốc mở thêm Công ty RealTime Robotics Inc (RtR) ở Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất drone. Nói về lý do mở công ty ở Mỹ nhưng về Việt Nam sản xuất để xuất khẩu ngược trở lại, ông nhắc lại nhiều lần "chất lượng chất xám" và phủ nhận chuyện "nhân công giá rẻ".
Sau thời gian sống, làm việc ở thung lũng Silicon, CEO RtR nhận ra tư duy của các nước phát triển là luôn hướng tới tương lai. Họ tìm hiểu những thứ tương lai cần để các công ty tìm cách giải quyết những vấn đề đang vướng mắc.
"Tôi tin tài năng của kỹ sư người Việt đủ sức nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ, nên tôi chọn nước nhà với mong muốn phát minh lớn làm thay đổi diện mạo đất nước, giống như cuộc sống nhân loại thay đổi nhờ các phát minh về internet, điện thoại thông minh, Google, gần nhất là ChatGPT... đều xuất phát từ Mỹ", ông Quốc trăn trở.
Tự nhắc nhở bản thân rằng chữ "made in Việt Nam" luôn bị đánh giá thấp hơn dòng chữ "made in Japan", ông Quốc cho biết, đã luôn răn dạy kỹ sư nhìn thẳng vào sự thật để bứt tốc.
Khi được hỏi điều gì giúp ông có niềm tin Hera sẽ thành công với phiên bản vượt trội so với thế giới, ông Quốc khẳng định, bản thân có kinh nghiệm "thực chiến" với nhiều drone, tích lũy lượng kiến thức dày dặn cũng như trải qua một tuổi thơ khổ cực để tin bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Từng nhặt rác ở xóm xì ke
Nhớ lại tuổi thơ, ông Quốc trầm ngâm đó là những năm tháng không thể quên. Căn nhà nằm trên nhánh rạch của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đó là xóm nghèo dưới đáy xã hội với nạn trộm cắp, xì ke, gái mại dâm. Nhiều gia đình mưu sinh bằng nghề trộm cắp.
CEO RtR kể, năm 12 - 13 tuổi, nhà ông rất nghèo, gia đình có 9 anh chị em cùng sống và sinh hoạt trên một diện tích sàn khoảng 10m2. Cơm không đủ ăn, việc nhịn đói 1 - 2 ngày là chuyện thường. Có khi đi học về, ông quẳng tập sách đó rồi đi nhặt rác, nhặt ve chai bán kiếm tiền đổi ít gạo nấu cháo. Căn nhà thực chất là cái chòi rách nát.
"Nghèo đến mức ước mơ lớn nhất của tôi là sau này đi làm chủ sẽ cho mình ăn no tùy thích, không cần lương", CEO Lương Việt Quốc nhớ lại ký ức khiến ông luôn ý thức chỉ có con đường duy nhất để thay đổi cuộc đời là học. Ở xóm nghèo đó, ông là người duy nhất không nghỉ học giữa chừng, trong khi các bạn đồng lứa đều đã bỏ ngang.
Trớ trêu thay, khi hết năm lớp 12, trượt đại học, ông chỉ học Trường trung học Tài chính ở TP.HCM, rồi học lên đại học tại chức. Tia sáng lóe lên thay đổi cả cuộc đời ông khi học thêm tiếng Anh.
Nhờ thành tích tiếng Anh xếp thứ 6 trong số 150 thí sinh dự kỳ thi TOEFL do Ủy ban Trao đổi hợp tác khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hoa Kỳ tổ chức, năm 2002, ông Lương Việt Quốc xin học bổng Fulbright để đi Mỹ. Và hành trình học tập và khởi nghiệp nơi đất khách bắt đầu từ đó.
Ông Quốc chia sẻ, điều quan trọng đối với một công ty công nghệ là phải liên tục cập nhật xu hướng mới, bởi dòng đời sản phẩm ngắn, thay đổi rất nhanh.
Kế hoạch trong năm nay, RtR sẽ nộp tiếp 4 bằng sáng chế trong trong lĩnh vực máy bay không người lái, sẽ có sản phẩm ứng dụng, hỗ trợ cho nông nghiệp.
"Tôi tin là có đến 99% các start up sẽ đứng trước thời khắc muốn bỏ cuộc. Tôi có những nhà đầu tư thiên thần, đầu tư 4 triệu USD vào công ty từ khi tôi start-up năm 2014. Nhưng tôi không nghĩ là do may mắn.
Có bột mới gột nên hồ, anh phải làm gì thì mới thuyết phục được người khác tin và bỏ ra số tiền như vậy để đầu tư. Tôi đã chứng minh mình xứng đáng và đủ khả năng phát minh ra sản phẩm vươn tầm thế giới", CEO Lương Việt Quốc chia sẻ.
Hiện tại, RtR sản xuất từ vài trăm đến 1.000 drone/năm. Khi hoàn thành việc xây dựng nhà máy tại khu công nghệ cao TP.HCM vào cuối năm nay, công ty có thể tăng từ 10 - 20 lần, lợi nhuận khoảng 10 triệu USD/năm, tăng trưởng hàng năm 50%.
Sau thị trường Mỹ, RtR đang có kế hoạch sản xuất drone để xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận