Nói không với chất bảo quản
Nhìn những cánh đồng nha đam phủ xanh vùng đất "gió như phang, nắng như rang" Ninh Thuận, người dân nơi đây không khỏi nể phục "vua nha đam" Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food.
Gọi "vua nha đam" là vì ông Thứ không chỉ hồi sinh vùng đất cằn cỗi tưởng chừng chỉ có cây xương rồng mới sống nổi, mà còn tạo sinh kế ổn định cho người dân và đưa sản phẩm nha đam đi khắp thế giới.
Đồng hành cùng GC Food từ những ngày đầu, lãnh đạo Hợp tác xã Xuân Phát (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: "Chỉ còn vài tuần nữa là vùng nha đam nguyên liệu, với diện tích 10.000m2 của hợp tác xã sẽ cho thu hoạch.
Ước tính, với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm, giá nhà máy thu mua tại ruộng 2,5 triệu đồng/tấn, số tiền thu về cho hợp tác xã là 2,5 tỷ đồng".
Khởi đầu là một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng với 50 nhân sự, sau 12 năm, GC Food giờ có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, 1.000 lao động.
Danh mục đầu tư của GC Food cũng đã mở rộng từ trồng trọt (nha đam và các loại trái cây như dưa lưới, táo, nho, ổi…) đến chăn nuôi (cừu, bò, chim yến) và chế biến (nha đam, thạch dừa, yến sào…). Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, GC Food đã trải qua nhiều thất bại.
Ông Thứ từng làm Phó giám đốc Ngân hàng Quân đội chi nhánh Đồng Nai, mức thu nhập được nhiều người mơ ước. Rồi ông quyết định theo đuổi đam mê với nông nghiệp khi thấy nhiều tiềm năng từ lĩnh vực này.
Hành trình khởi nghiệp bắt đầu từ năm 2011, với việc xây dựng nhà máy sản xuất nha đam ở Đồng Nai. Khi nhà máy mới hoạt động được mấy tháng, lô nha đam hỏng do kỹ thuật sản xuất. Công ty mất hàng tỷ đồng, cả trăm tấn hàng phải bỏ đi, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.
"Sản phẩm hỏng do bị nhiễm vi sinh. Quá trình quản lý sản xuất chưa chú trọng vệ sinh máy móc, thiết bị, dẫn tới sự cố", ông Thứ nói và kể rằng lúc khởi nghiệp, có quá nhiều bài toán không nắm được lời giải nên diễn biến không như dự tính.
Sau thất bại ban đầu, ông đã gặp rất nhiều người để xin tư vấn. Các doanh nghiệp đi trước nói rằng cần có chất bảo quản để ức chế vi sinh phát triển mới giữ được sản phẩm. Tuy nhiên, GC Food cho rằng đó là điều tối kỵ.
Thế rồi, một vị khách Nhật Bản xuất hiện. Người này muốn nhập khẩu thạch nha đam về để đưa vào chai nước uống.
Họ lặp lại cụm từ: "Vệ sinh, vệ sinh và vệ sinh", và khẩu hiệu này sau đó thành kim chỉ nam cho GC Food, được treo ở các nhà máy sản xuất.
Theo ông Thứ, việc tổng vệ sinh lặp đi lặp lại mỗi ngày trong suốt 10 năm qua. Nhờ đó, chỉ số vi sinh tự nhiên biến mất.
"Hãy hình dung về mô hình vô trùng của một phòng phẫu thuật, bộ phận sản xuất của công ty chúng tôi cũng được hình thành với ý tưởng như vậy để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Tuyệt đối không dùng chất bảo quản", ông Thứ nói.
Thuyết phục nông dân hợp tác
Với ông Thứ, câu chuyện nhớ nhất trong hành trình khởi nghiệp là việc thuyết phục người dân trồng nha đam. Năm 2009, nông dân Ninh Thuận xua tay từ chối khi ông đặt vấn đề kết hợp, bao tiêu đầu ra.
Do vậy, ông đã phải ứng trước tiền cho nông dân xây mương, làm hệ thống nước, cung ứng giống, cam kết bao tiêu theo giá tối thiểu để nông dân sống được với cây nha đam. "Chỉ ứng tiền trước, nông dân mới chịu làm. Bởi, nếu doanh nghiệp bỏ chạy, sẽ mất luôn số tiền đó", ông Thứ nói.
Cứ 1.000m2 trồng nha đam, người dân được ứng 40-50 triệu đồng nên đợt ứng tiền đầu tiên đã lên tới 2 tỷ đồng. Số tiền rất lớn với chủ tịch GC Food lúc đó nhưng ông đã thắng ván cược này.
Sau một năm, diện tích trồng nha đam tăng dần, nhiều nông dân tự đăng ký trồng nguyên liệu và mở rộng diện tích.
Cứ như vậy, 12 năm nay, GC Food sở hữu nhà máy chế biến nha đam VietFarm (Ninh Thuận) với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm.
Nhà máy thạch dừa Vinacoco (Đồng Nai) ra đời vào năm 2016, với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm một năm, sau khi đối tác Nhật Bản tin tưởng đặt vấn đề mua sản phẩm thạch dừa, cử chuyên gia sang để tư vấn sản xuất ngay từ đầu.
Hiện, VietFarm đang triển khai mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5-7 lần so với trồng bắp, mở ra cơ hội thoát nghèo cho khu vực nông thôn, miền núi.
Theo một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, hiện nha đam là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha. Thông thường, mỗi hộ nông dân có diện tích canh tác 2.000-5.000m2, tương đương khoản lợi nhuận 60-150 triệu đồng/năm.
Đây là mức thu nhập tốt tại địa phương. Ngoài đem lại giá trị về kinh tế, việc xây dựng một vùng nha đam tập trung gắn với nhà máy chế biến đã tạo mảng xanh thiết thực cho vùng đất nắng gió.
Hành trình trở thành doanh nhân triệu đô
Có được vùng nguyên liệu dồi dào là yếu tố quyết định thành công của GC Food. Ông Thứ kể cuối năm 2011, sau khi nhà máy đi vào hoạt động, GC Food "mở hàng" với các đơn hàng nội địa.
Đầu năm 2013, doanh nghiệp có được đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, sau gần 1 năm thiết lập mối quan hệ với đối tác.
"Tôi không muốn bán sản phẩm ra chợ nhỏ mà hướng đến xuất khẩu, bán cho doanh nghiệp lớn.
Đối tác Nhật đã hướng dẫn chúng tôi theo cách tư duy của họ. Đó là không chỉ nhìn vào sản phẩm mà phải tìm hiểu quy trình sản xuất đằng sau sản phẩm đó.
Tất cả quy trình phải chuẩn hóa từ đầu vào, các công đoạn thực hiện, hạ tầng xây dựng nhà máy. Đó là lối tư duy sản xuất không thể đại khái", ông Thứ khoe.
Chủ một chuỗi 200 cửa hàng sushi tại Nhật Bản cho biết trước khi mua hàng của GC Food họ đã cho người tới đánh giá nhà máy, thử nghiệm sản phẩm.
Họ phải nhìn tận mắt cơ sở sản xuất đã có sẵn quy trình chuẩn. Không chỉ nói chuyện với ban giám đốc công ty, đại diện chuỗi sushi còn phỏng vấn quản đốc, tổ trưởng bộ phận.
Đối tác này xem nhật ký sản xuất và phỏng vấn ngẫu nhiên những người ký tên trên hồ sơ để biết thông số đó được điền thật hay chỉ làm đối phó. Mỗi năm, họ sẽ quay lại kiểm tra nhà máy 1-2 lần.
Chính nhờ sự khó tính và cẩn trọng của đối tác Nhật Bản mà sau đó, GC Food đã bán hàng được cho nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, các nước Trung Đông, châu Âu.
Mục tiêu doanh thu hơn 20 triệu USD
Đến nay, sản phẩm của GC Food đang có mặt ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có trong đồ uống ngoại như Meiji, Lottle, Pureplus... Trong nước, doanh nghiệp cũng cung ứng cho các hãng có tên tuổi như Vinamilk, Nutifood...
Năm 2022, công ty đạt tổng doanh thu 430 tỷ đồng, năm nay mục tiêu thu về khoảng 530 tỷ đồng (tương đương hơn 22 triệu USD). Cơ cấu thị trường xuất khẩu/nội địa cũng đã thay đổi từ mức 35%/65% (năm 2022) thành 45%/55% (năm 2023).
Song, ông Thứ trăn trở vẫn còn một thị trường rộng lớn là Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ gấp cả trăm lần năng lực sản xuất của Việt Nam, chưa khai thác được do nước này chủ yếu nhập thạch thô với giá rẻ về chế biến lại.
Vì thế, thời gian tới, GC Food dự tính tăng quy mô sản xuất gấp ba lần hiện nay (1.000 tấn/tháng) để hạ giá thành sản xuất nhằm xâm nhập thị trường này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận