Cô gái chiến thắng căn bệnh ung thư máu ấy luôn thấu hiểu và sẻ chia, bằng nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa.
Gom góp yêu thương
Cô “Mèo” Diệu Thuần bên các bạn nhỏ mắc ung thư tại Viện “Máu”
Tranh thủ những ngày cuối của năm 2022, Hoàng Thị Diệu Thuần ngược xuôi Hà Nội – Nghệ An để kịp mang những phần học bổng cho các em học sinh học giỏi, hoàn cảnh khó khăn có cha mẹ mắc ung thư.
Phần học bổng này tuy chỉ 5 triệu đồng cho mỗi bạn trẻ nhưng đó là sự sẻ chia, đồng cảm lớn lao.
“Có gặp gỡ với những bệnh nhân ung thư mới hiểu rằng ở thời khắc ốm đau đó, ngoài lo lắng về bệnh tật, về tài chính thì nỗi lo về con cái là điều khiến họ day dứt nhất. Vì lẽ đó, Mạng lưới vì trẻ ung thư quyết định dành những phần học bổng dành cho con các bệnh nhân với mong muốn giúp họ phần nào yên tâm điều trị bệnh”, Thuần chia sẻ.
Thu xếp vội công việc tại cửa hàng quần áo nhỏ của mình, chị Nguyễn Thị Vân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có mặt tại trường THPT Trần Hưng Đạo, nơi con trai chị đang học tập, để cùng con nhận món quà nhỏ là phần học bổng đến từ Mạng lưới vì bệnh nhân nhi ung thư.
Đôi mắt rưng rưng xúc động, chị Vân nhắc lại chặng đường ngắn ngủi 15 tháng mà chồng chị chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.
Vay mượn để quyết định tìm cơ hội cuối tại Singapore nhưng đáng tiếc, việc điều trị không thành công, chồng chị mất sau đó ít lâu, để lại 3 mẹ con chị cùng khoản vay mượn hơn 1 tỷ đồng. “Với gia đình, suất học bổng đó là món quà có nhiều ý nghĩa”, chị Vân chia sẻ.
Trước hoạt động trao tặng học bổng, nhiều bà mẹ chăm con điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em (H6), Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã tham gia dự án “Đôi bàn tay mẹ”.
Chập chững từ những nét thêu vụng về đầu tiên, các mẹ đã cho ra nhiều sản phẩm vỏ vải bọc sách, sổ vải; khăn thêu; túi vải thêu... và có thêm thu nhập trong quá trình chăm sóc con nằm viện.
Chia sẻ về dự án này, Hoàng Diệu Thuần cho biết: “Sau nhiều năm điều trị và hoạt động tình nguyện ở đây, tôi nhận ra có nhiều phụ huynh phải nghỉ việc để ở lại bệnh viện chăm sóc con. Nhiều người trong số họ mất nguồn thu nhập. Và những đứa trẻ ung thư trông thấy bố mẹ thoải mái, cũng được truyền thêm năng lượng tích cực giúp ích cho quá trình điều trị”.
Từ tháng 4/2021, dự án tạo sinh kế nghề thêu cho phụ huynh bệnh nhi ung thư mang tên “Đôi bàn tay Mẹ” ra đời”. Tất cả các sản phẩm thêu do các bà mẹ chăm con tại H6 thực hiện, sau khi hoàn thiện đều được Thuần chủ động “bao tiêu” với chi phí 35 nghìn đồng/sản phẩm kể cả khi chưa biết “đầu ra” ở đâu.
Những tháng ngày gắn mình với các hoạt động thiện nguyện tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, làm bạn với biết bao bạn nhỏ thiếu may mắn khi mắc các bệnh lý về máu, cô “Mèo” Hoàng Thị Diệu Thuần được lắng nghe nhiều chia sẻ từ các con.
Trong đó, có những ước mơ “được học”, “được đến lớp”, “có lại được mái tóc dày, dài như trước khi truyền hóa chất”... Cũng từ đó, Thuần ấp ủ về một “Trạm tóc ước mơ” với nhiều bộ tóc giả dành đến các em nhỏ ung thư máu.
“Với sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm, chắc chắn sẽ thêm nhiều hơn nữa các bệnh nhân nhi ung thư được nhận cho mình mái tóc mới”, Thuần chia sẻ.
Hành trình sẻ chia
Hoàng Thị Diệu Thuần đã hoàn toàn khỏe mạnh
18 tuổi khi vừa đặt chân vào cánh cổng đại học, vô tình phát hiện mắc căn bệnh ung thư máu, khi đó Thuần gần như trải qua tất cả phương pháp điều trị để tìm cơ hội sống. Mọi hoạt động phải nhờ y, bác sĩ và bố mẹ giúp đỡ, cơ thể suy kiệt nặng, người chỉ còn 34kg.
Năm 2012, sau 7 năm điều trị, bác sĩ tư vấn ghép tế bào gốc - phương án cứu cánh cuối cùng với tỷ lệ 50/50 với chi phí 500 triệu đồng, một số tiền rất quá sức với gia đình Thuần.
Nhưng với nỗ lực làm chủ kỹ thuật mới của đội ngũ y, bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cùng sự quyết tâm của gia đình, của Thuần và sự đồng hành từ nhiều tấm lòng hảo tâm, ca ghép thành công.
“Khi ấy, có người gọi điện, có người đến tận bệnh viện hay phòng trọ gửi tặng những món quà. Tôi không bao giờ quên được một bác xe ôm đưa cho mình 100.000 - 200.000 đồng, dặn «cố gắng lên, vì bác cũng có một đứa con đang học đại học. Bác vất vả kiếm tiền, trích một khoản tặng cháu có thêm sức mạnh. Cháu cũng như con của bác”. Ngoài việc được hỗ trợ tiền bạc, tôi còn được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Những người vốn xa lạ đã giúp đỡ tôi đều trở nên thân thiết cho đến tận bây giờ”, Thuần nhớ lại.
Khi sức khỏe đã ổn định, Thuần trở lại bệnh viện với vai trò tình nguyện viên tại Khoa Bệnh máu trẻ em, mong muốn được làm bạn với các em trong những buổi đọc sách, vẽ tranh, ca hát. Các hoạt động này bắt đầu từ 2016 đến nay, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.
Hiện ở tuổi 35, “cô Mèo” thân thương của những đứa trẻ mắc ung thư ở Viện “Máu” đã hoàn toàn khỏe mạnh và ấp ủ mở rộng thêm các hoạt động thiện nguyện trong năm Quý Mão 2023.
Đó là sẽ “lấn sân” hỗ trợ thêm trẻ ung thư tại BV Nhi Trung ương, hỗ trợ dạy nghề “làm tóc giả” cho các bệnh nhân tan máu bẩm sinh tại viện “Máu”, cùng việc đảm bảo bao tiêu đầu ra, thu nhập ổn định... và tiếp tục duy trì các dự án đã thực hiện trong thời gian qua.
Bật mí về khoản “ngân sách” để duy trì hoạt động các dự án, Thuần cho biết: “Toàn bộ tiền bán 3 cuốn sách, các buổi workshop về vẽ, thêu… sau khi trừ chi phí, tôi đưa vào quỹ của Mạng lưới.
Bên cạnh đó, các dự án thiện nguyện cũng thu hút được sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân. Mọi chi tiêu đều rất minh bạch”.
Hoàng Thị Diệu Thuần (SN 1987, quê quán Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Cô tốt nghiệp Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang sinh sống và làm việc tại Vinh và Hà Nội. Ngoài tham gia dự án xã hội “Mạng lưới vì trẻ em ung thư”, Thuần cũng là tác giả của 3 cuốn sách về bệnh nhân ung thư: Như hoa Hướng Dương, Muôn ánh mặt trời và Em ước mong sao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận