Quảng Ninh, Hải Phòng mất điện diện rộng, liên lạc khó khăn
Sáng 8/9, tại Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn mất điện trên diện rộng, mạng viễn thông bị gián đoạn, việc liên lạc gặp nhiều khó khăn.
Khắp các tuyến đường ở hai địa phương nơi tâm bão số 3 (bão Yagi) đi qua đều thấy cây đổ, mái tôn, đồ đạc bay nằm ngổn ngang. Rất nhiều ngôi nhà bị bay nóc mái tôn, vỡ cửa kính.
Theo thống kê sơ bộ, bão số 3 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Ngoài 3 người chết, 58 người bị thương, Quảng Ninh có 6 người và 1 tàu mất tích, 14 thuyền bị đắm.
Hầu hết các nhà mái tôn, mái ngói trên địa bàn các địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn đều hư hỏng, nhiều nhà cao tầng bị vỡ kính, 60% cây đô thị bị gió quật đổ.
Tại Hải Phòng, trong thời điểm bão số 3 đổ bộ, đã có 1 người chết tại huyện Tiên Lãng do bị tường bếp đổ, đây là trường hợp nhà ở kiên cố không thuộc diện di dời. Cùng với đó có 13 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, mái tôn.
Nhiều tuyến đường, tuyến phố ở Hải Phòng bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn.
Hà Nội giao thông gặp khó khăn vì cây đổ
Hà Nội cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Sáng 8/9, nhiều tuyến phố của Hà Nội vẫn ngổn ngang rất nhiều cây xanh gãy, bật gốc, cột đèn, biển quảng cáo đổ ngổn ngang. Việc tham gia giao thông rất khó khăn.
Ảnh hưởng của bão số 3 khiến 3 người tử vong và 8 người bị thương ở Hà Nội. Theo thống kê chưa đầy đủ, bão số 3 làm toàn thành phố có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy.
Cây đổ kết hợp mưa gió mạnh khiến 6 xe máy và 13 ô tô ở Hà Nội bị hư hỏng. Gió giật mạnh khiến 242 bức tường bao bị đổ.
Khẩn trương khắc phục sự cố
Hôm nay (8/9), các lực lượng, đơn vị, địa phương vùng tâm bão đi qua đang tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Ghi nhận của Báo Giao thông, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... hiện lực lượng chức năng và người dân đang khẩn trương thu dọn vật cản khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường...
Đồng thời, tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục...
Do đường phố ngổn ngang rất nhiều cây xanh mà lực lượng chức năng không thể kịp thời giải toả, người dân đã xuống đường, cùng nhau dùng dao, cưa cắt thành các cành nhỏ, dọn gọn vào ven đường để có thể tạm thời lưu thông.
Kiểm tra thiệt hại do bão số 3 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu các địa phương nhanh chóng thống kê số lượng thiệt hại; từ đó đề xuất có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Ông Huy yêu cầu các địa phương phải phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn tổ chức lai dắt các tàu, xà lan bị trôi dạt trên biển. Đề xuất với đơn vị điện lực, các đơn vị viễn thông vào cuộc ngay để sửa chữa các cột điện gãy đổ, khôi phục lại các mạng viễn thông để đảm bảo sớm cấp điện lại.
Chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở ngành tập trung xử lý thông đường giao thông sau bão, khôi phục cấp điện, phục vụ tiêu nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận