Quản lý

Hậu Giang phát triển logistics và vận tải đến năm 2030 như thế nào?

29/10/2024, 15:18

Hậu Giang đặt mục tiêu phát triển ngành logistics và vận tải đến năm 2030 với tốc độ tăng trưởng hàng năm sản lượng vận tải hàng hóa tăng từ 7 - 8%, vận tải hành khách tăng từ 7 - 9%.

Với quan điểm phát triển khu vực dịch vụ nhanh, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản để phát triển kinh tế, Chương trình hành động Phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Hậu Giang phát triển logistics và vận tải đến năm 2030 như thế nào?- Ảnh 1.

Kênh Xà No qua trung tâm thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Trong đó, ngành logistics và vận tải được Hậu Giang đặt mục tiêu có tốc độ tăng trưởng hàng năm với sản lượng vận tải hàng hóa từ 7 - 8%, vận tải hành khách tăng từ 7 - 9%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Hậu Giang đề ra giải pháp phải đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, logistics hiện đại để tỉnh trở thành trung tâm kết nối các hành lang kinh tế động lực và trung chuyển hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện, hỗ trợ mở rộng thị trường, thu hút các doanh nghiệp logistics đầu tư vào tỉnh.

Từng bước hình thành trung tâm logistics nông sản, đóng vai trò tích hợp của chợ đầu mối, trung tâm cung cấp các dịch vụ kho bãi, bảo quản lạnh, xuất nhập khẩu và các dịch vụ giá trị gia tăng cho nông sản. Phạm vi của trung tâm không chỉ phục vụ lưu thông, phân phối hàng hóa nội tỉnh mà cho cả khu vực Nam Sông Hậu và toàn vùng.

Ngoài hai lĩnh vực trên, tỉnh Hậu Giang cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực khác. Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 1,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, trong đó khoảng 60.000 lượt khách quốc tế.

Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 900 tỷ đồng; tạo việc làm cho người dân địa phương từ 8.000 lao động trở lên. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 70%/lao động trực tiếp.

Song song đó, cần xây dựng kế hoạch thực hiện việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống như: đờn ca tài tử, hát dân ca…, những di sản văn hóa liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer và di sản phi vật thể; phối hợp thực hiện xếp hạng các di tích, các công trình văn hóa, kiến trúc trên địa bàn.

Hậu Giang phát triển logistics và vận tải đến năm 2030 như thế nào?- Ảnh 2.

Khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Tập trung củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ của các câu lạc bộ đờn ca tài tử gắn với phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch, xây dựng mới câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ các nhà hàng, câu lạc bộ nghệ thuật Khmer, câu lạc bộ nghệ thuật của dân tộc Hoa… đưa vào các tour du lịch để phục vụ du khách.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn kết với phát triển du lịch. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, các khu du lịch sinh thái quy mô lớn, phức hợp nhiều dịch vụ (Khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu, Khu du lịch nghỉ dưỡng Mê Kông) và các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tạo điều kiện, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các dự án đưa vào khai thác: Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư Hồ Tam Giác, Hồ Nước Ngọt, Hồ Sen hình thành chuỗi du lịch, nghỉ dưỡng mới và tập trung đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn các dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... sớm đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt từ 8,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu GRDP của tỉnh khoảng 38%, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ trên 40% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh.

Trong thời kỳ 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 35% GRDP. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.