Ngày 23/12, UBND tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc với Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (hay còn gọi là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, đi qua các tỉnh thành gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 27.520 tỷ đồng, đoạn cao tốc này được chia làm hai dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Trong đó, đoạn qua tỉnh Hậu Giang có chiều dài hơn 63km với 2.067 hộ dân, 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hậu Giang, đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án đạt 99,79%, chỉ còn lại 12 hộ chưa bàn giao. Cụ thể, huyện Phụng Hiệp còn bốn hộ; Vị Thủy còn năm hộ; Long Mỹ còn ba hộ.
Đối với các đường dây điện cao thế bị ảnh hưởng, Sở TN&MT cho biết có ba huyện đã bồi thường và bàn giao xong mặt bằng, các đơn vị đang triển khai thi công di dời. Đó là huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và Vị Thủy. Riêng huyện Long Mỹ vẫn còn vướng và UBND xã đang vận động.
Còn theo Ban QLDA Mỹ Thuận, hiện tại tỉnh Hậu Giang còn vướng sáu đường điện cao thế và một đường dây cao thế chưa được nâng cao.
Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tiến độ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang bị chậm sáu tháng. Các nhà thầu đang tranh thủ từng ngày để bù đắp tiến độ. Đến nay, ngoài vấn đề vật liệu thi công, nguyên nhân chậm tiến độ còn do vướng mặt bằng.
Điển hình như tại cầu Giồng Giấm (huyện Long Mỹ) còn vướng ba hộ dân nên các công nhân, thiết bị phải nằm chờ, không thể thi công cầu tạm. Việc này đã làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển thiết bị, vật liệu phục vụ cho việc thi công các công trình, hạng mục khác…
"Chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành địa phương có cam kết trước UBND tỉnh về thời hạn xử lý cụ thể từng vướng mắc, đảm bảo hoàn thành dứt điểm 100% mặt bằng sạch cho dự án trong tháng 1/2024.
Về phía chúng tôi, trong quá trình thi công nếu ảnh hưởng đến tài sản của người dân, chúng tôi sẽ có trách nhiệm xử lý cho bà con.
Cụ thể, chúng tôi mời các đơn vị liên quan đến làm việc, lập biên bản, xác định rõ mức độ thiệt hại, nguyên nhân xảy ra. Trên cơ sở đó, đơn vị thẩm định sẽ xác định giá trị thiệt hại. Từ đó đền bù cho người dân", Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận nói.
Cưỡng chế nếu không bàn giao đúng hẹn
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian qua đã được các đơn vị triển khai quyết liệt. Tất cả các chính sách liên quan đến quyền lợi cho người dân cũng đã được áp dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên đến nay vẫn còn 12 trường hợp không bàn giao mặt bằng, ngành chức năng phải thực hiện đến giải pháp cuối cùng, đó là tiến hành cưỡng chế.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đánh giá, quá trình thực hiện các thủ tục bồi thường, bàn giao nền tái định cư, di dời hạ tầng... tại một số nơi vẫn còn chậm.
Từ đó, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các sở ngành, theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc đối với các trường hợp còn vướng giải phóng mặt bằng, đề xuất các phương án xử lý trình UBND tỉnh trong tháng 1/2024.
Song song đó, rà soát trình tự thủ tục, lập kế hoạch, lên phương án cuối tháng 2/2024 tiến hành cưỡng chế đối với các trường hợp không bàn giao mặt bằng.
Đối với các địa phương có dự án đi qua, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo khẩn trương bàn giao nền tái định cư cho các trường hợp còn lại để người dân được an cư.
Đồng thời, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi ở mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận