Bắc Kinh sắp công bố danh sách những kẻ bị truy nã đào tẩu, liên quan tới chiến dịch truy quét tham nhũng. (Ảnh: SCMP) |
Thông tin được đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng 22/4.
Theo Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chiến dịch “Lưới trời” có sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa và Bộ Công an nước này, nhằm tập trung điều tra các khoản giao dịch tài chính bất hợp pháp ra nước ngoài, thông qua các công ty hải ngoại và các ngân hàng ngầm.
Chiến dịch “Lưới trời 2016” là phần tiếp nối của chiến dịch “Lưới trời” được bắt đầu từ tháng 3/2015, trong đó, Chính phủ Trung Quốc đã dẫn độ 26/100 người bị truy nã về nước. Chưa kể sắp tới, Bắc Kinh tuyên bố sẽ công bố một “danh sách đen” các nhân vật bị truy nã đào tẩu.
Chiến dịch “Lưới trời 2016” nhằm truy quét tham nhũng của chính quyền Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh hồi đầu tháng 4 vừa qua, hơn 11.000 trang tài liệu Panama đã được công bố - trong đó hé lộ nhiều người giàu và không ít những nhân vật “máu mặt” của Trung Quốc có tài sản ở nước ngoài. Song song với chiến dịch này, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc cũng tiến hành một đợt truy quét những kẻ đào tẩu ra nước ngoài có liên quan tới tội hình sự.
Trước đó, hôm 18/4 vừa qua, vẫn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nguồn tin cho hay, giới lãnh đạo Trung Quốc đang đẩy mạnh chống tham nhũng trong giới quan chức cấp cao bằng cách, cấm người thân quan chức (vợ, chồng, con…) kinh doanh. Chương trình đang được thực thi thí điểm tại Thượng Hải từ giữa năm 2015, dự định mở rộng ra 4 tỉnh, khu tự trị khác gồm: Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Đông và Tân Cương. Biện pháp cũng được xem là một “hệ quả” của “Tài liệu Panama”.
Trước đó, các bê bối tham nhũng của quan chức cấp cao Trung Quốc cho thấy, người thân trong gia đình quan chức cấp cao thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn của quan chức này để làm giàu bất chính. Theo đó, chính quyền Thượng Hải đã áp dụng: cấm vợ/chồng quan chức cấp cao đảm nhiệm các chức vụ hàng đầu trong các công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Những “con hổ lớn" của Trung Quốc từng “sa lưới” là minh chứng rõ ràng nhất cho lý do Trung Quốc triển khai các biện pháp chống tham nhũng này: Bạc Hy Lai – nguyên Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Theo Bloomberg, gia tài của anh em họ Bạc lên tới 136 triệu USD, trong khi tài sản của bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc cùng 4 chị em gái gồm ít nhất 126 triệu USD.
Đã có báo cáo cho rằng, tổng tài sản nhà ông Chu Vĩnh Khang – cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc lên tới 90 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 14,5 tỷ USD).
Từ Tài Hậu – nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc là vị quan chức cao nhất trong quân đội nước này bị bắt vì tham nhũng. Truyền thông Trung Quốc cho hay, phải mất 12 chiếc xe tải mới có thể chở hết tiền, vàng bạc, châu báu từ biệt thự sang trọng của gia đình họ Từ. Vợ Từ Tài Hậu sở hữu khoảng 20 đơn vị bất động sản, trong khi con gái đứng tên 15 đơn vị bất động sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận