Điện ảnh

Hậu trường “ám ảnh “ làm phim chống tham nhũng Sinh tử

11/11/2019, 09:06

“Sinh tử” là bộ phim hiếm hoi trong năm qua lấy đề tài chính luận, khai thác chủ đề chống tham nhũng và sự tha hóa quyền lực.

img
Một cảnh trong bộ phim "Sinh tử"

Bộ phim quy tụ dàn diễn viên đình đám như: NSND Hoàng Dũng, NSND Trọng Trinh, nghệ sĩ Thúy Hà, Việt Anh, Mạnh Trường, Trọng Hùng, Thanh Hương…

Làm phim tới sức cùng lực kiệt

Những cảnh quay trong phòng họp, ngôn ngữ nói ra phải mang tính đưa ra định hướng. Phim thu tiếng trực tiếp, lại có những người có lời thoại dài hơn một trang. Với ngôn ngữ như thế thì làm sao diễn được? Tôi nghĩ diễn viên phải thực sự tâm huyết mới có thể diễn được, bởi chúng tôi cũng không thể chạy theo tâm lý nhân vật như những bộ phim tình cảm, tâm lý khác.
NSND Trọng Trinh


Cùng với loạt bộ phim chính luận từng gây tiếng vang như “Chủ tịch tỉnh”, “Bí thư Tỉnh ủy”, “Đàn trời”…, “Sinh tử” tiếp tục dòng chảy khai thác đề tài về câu chuyện tha hóa quyền lực của một bộ phận lãnh đạo cấp cao.

Nội dung phim xoay quanh 2 tuyến nhân vật chính, gồm nhóm quan chức có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh và nhóm doanh nhân, người làm kinh tế. Từ đây, những câu chuyện về cách thức làm ăn sau vỏ bọc đầu tư dự án đất đai, các mối quan hệ nhạy cảm, các nhóm lợi ích thao túng bộ máy chính quyền và tác động tới chính sách của địa phương dần được lột tẩy.

Chống tham nhũng luôn được coi là đề tài khá nhạy cảm vì động chạm đến chính trị, tới các lãnh đạo cấp cao. Đó cũng là điều khiến biên kịch - nhà văn Phạm Ngọc Tiến, dù đã ấp ủ 10 năm mới cho ra đời kịch bản bộ phim này nhưng ông đã chấp nhận từ bỏ cái tôi cao ngạo của mình để sửa lại kịch bản theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Theo biên kịch Phạm Ngọc Tiến, nói là sửa lại nhưng ông gần như phải viết lại hoàn toàn, vắt kiệt sức lực để viết tới hơn 320 nghìn chữ trong vòng 3 tháng. Quá trình viết kịch bản, ông phải nhờ tới sự giúp sức của những người bạn bên Viện Kiểm sát nhân dân và nhiều đơn vị hỗ trợ.

Không chỉ kịch bản, việc chọn bối cảnh cũng gian nan không kém. Vì đề tài nhạy cảm, phim không thể đưa một tỉnh cụ thể nào của Việt Nam vào mà phải chọn một địa điểm giả tưởng là tỉnh Việt Thanh. Theo lời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), làm phim về lãnh đạo tham nhũng buộc phải có những cảnh quay ngay tại các trụ sở công quyền, đây là điều rất khó.

“Chúng tôi phải đến các trụ sở ủy ban làm việc, vừa làm công tác dân vận, vừa phải thuyết phục họ tin tưởng những điều tốt đẹp bộ phim mang đến công chúng, bởi không thể quay ở những địa điểm khác được”, anh cho biết. Đặc biệt, cũng chính đề tài “nặng đô” này đã kéo NSND Khải Hưng trở lại ghế đạo diễn. Mặc dù thời điểm thực hiện bộ phim, sức khỏe của NSND Khải Hưng không tốt. Thậm chí, ông đã hỏng một mắt sau khi hoàn thành bộ phim vì bị xuất huyết giác mạc, rồi đã không tái khám vì bận rộn.

NSND Khải Hưng tâm sự, ông thấy đi làm phim như đi dạo chơi nên không thấy vất vả, trái lại rất thoải mái và nhẹ nhõm. Tuy nhiên, điều ông không thỏa mãn nhất là khi làm bộ phim, thời lượng mỗi tập chỉ 30 phút, trong khi thời lượng chuẩn quốc tế là 45 phút. Điều đó khiến ông buộc phải san các tình tiết của phim ra để mỗi tập đều có những xung đột, nhưng vẫn chưa hài lòng. Một điều nữa mà cả ông và các diễn viên tham gia bộ phim đều “đau đầu” là phần thoại của diễn viên. Ê-kíp phải mất nửa tháng đầu tiên để mọi người quen dần.

“Chúng ta ít người được ngồi dự cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy, chưa ai thấy đồng chí Bí thư tâm sự với đồng chí Chủ tịch, hay tâm sự với nhân viên như thế nào. Đó không phải là những lời có trong thường nhật dễ thấy nên các diễn viên, dù là gạo cội cũng không nhập tâm được”, NSND Khải Hưng chia sẻ.

Nỗi ám ảnh lời thoại dài cả trang giấy

img
Poster phim "Sinh tử"

Đúng như lời của NSND Khải Hưng, không phải nỗi vất vả hay nguy hiểm, hay tâm lý phức tạp mà thoại phim mới là nỗi ám ảnh với đa số các diễn viên tham gia “Sinh tử”. Đảm nhận một vai trò chủ chốt trong phim, NSND Trọng Trinh (vai ông Nhân - Bí thư Tỉnh ủy) đã có những phân đoạn phải quay hàng chục đúp dù chỉ có vài câu thoại.

NSND Trọng Trinh thừa nhận chưa có bộ phim nào phải quay lại nhiều lần như phim này. Bởi, ngôn ngữ của phim là những lời thoại mang tính chính trị của cơ quan quản lý nên rất phức tạp. Có nhiều từ ngữ mang tính chuyên môn học thuật nên kể cả thuộc lời nhưng nhấn nhá ngữ điệu như thế nào cũng phải chuẩn chỉ, vì chỉ không đúng giọng điệu là câu nói có thể mang một nghĩa khác hay nói trượt một từ cũng sai nghĩa. Diễn viên phải nói đúng từng dấu chấm, dấu phẩy. Đây là một vấn đề rất lớn cho diễn viên khi tham gia một bộ phim thu tiếng trực tiếp như bộ phim này.

Có thể nói, đề tài chống tham nhũng vốn không mới nhưng “Sinh tử” lại mang tới góc nhìn mới về những mánh khóe làm ăn mới và theo độ thời sự diễn biến chống tham nhũng của xã hội ngày nay. Mới lên sóng 5 tập, phim đang nhận được nhiều phản hồi từ khán giả, đặc biệt trên mạng xã hội. Có những đoạn trích của phim được chia sẻ thu hút hàng triệu lượt xem và hàng trăm lượt bình luận bàn tán. Đây có thể coi là thành tích khởi đầu ấn tượng với một bộ phim chính luận vốn luôn “khó nuốt” và kén khán giả.


Là người làm phim lâu năm nhưng với anh, làm “Sinh tử” khiến anh căng thẳng và mệt nhất từ trước tới nay.

Căng thẳng không kém về thoại phim là diễn viên Mạnh Trường (vai Huy - Trưởng phòng tại Viện KSND tỉnh Việt Thanh). Đây là bộ phim đầu tiên đưa ngành Kiểm sát lên màn ảnh, nên đối với Mạnh Trường, anh mông lung từ khi nhận kịch bản.

Bản thân anh không định hình được kiểm sát viên là như thế nào, chưa kể lời thoại nhiều từ chuyên môn anh chưa bao giờ được nghe và khi mới đọc cũng không hiểu đang nói về cái gì. Có những ngày anh học tối hôm trước, hôm sau quay đọc lại đã không nhớ gì. Mạnh Trường bộc bạch, vai kiểm sát viên không nặng về tâm lý nhưng thoại lại quá gian nan, có những đoạn cả trang giấy rất khó hiểu.

Để có thể hóa thân vào nhân vật, anh phải dành thời gian đi thực tế đến văn phòng kiểm sát viên để tìm hiểu về nghề, xem cách họ làm việc.

Trong khi đó, không nặng nề lời thoại chính trị nhưng vai phóng viên điều tra Hoàng Ngân cũng ngốn của Thanh Hương không ít tâm huyết và sức khỏe. Lợi thế của Thanh Hương là hay tiếp xúc với phóng viên nên cô có cơ sở xây dựng hình tượng nhân vật, nhưng cô thừa nhận bản thân không hiểu nhiều lời thoại mang tính chuyên môn báo chí. Chưa kể, vai nhà báo điều tra phải đối mặt với nguy hiểm khi đi lấy tin, bị đối tượng theo dõi.

Nữ diễn viên kể ngay cảnh quay sập mỏ đá, nhân vật phóng viên Hoàng Ngân đến lấy tin và bị chủ doanh nghiệp giật máy ảnh ngăn cản tác nghiệp. “Tôi bị đẩy ra và không may đập đầu vào xe cứu thương, sưng vù. Trầy trật hay bị thương khi đóng phim này là điều khó tránh khỏi”, nữ diễn viên thổ lộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.