Hàng ngày, những nhân viên đường sắt vẫn cần mẫn làm việc trên những chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đi Trung Quốc, dù thông tin về dịch bệnh Covid-19 dồn dập và chưa khi nào hết nóng, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt
Để động viên những công nhân không quản ngại gian khó, nguy hiểm trong mùa dịch, Tổng công ty Đường sắt VN đã có chế độ hỗ trợ kịp thời cho những chức danh trực tiếp làm nhiệm vụ đi tàu liên vận quốc tế giữa ga Lào Cai và ga Sơn Yêu trong những ngày làm việc phải cách ly và cả những ngày ngừng làm việc phải cách ly. Theo đó, hỗ trợ tiền ăn 135.000 đồng/người/ngày; bồi dưỡng thêm với mức chi bằng 1 ngày lương cấp bậc/người/ngày.
7h45 ngày 4/3, PV Báo Giao thông đặt chân đến ga đường sắt Lào Cai cũng là lúc 7 thành viên tổ tàu hàng liên vận quốc tế trong trang phục phòng hộ y tế đang chuẩn bị thủ tục để chạy chuyến tàu hàng đầu tiên trong ngày sang ga Sơn Yêu (Trung Quốc).
“Hơn 8h tàu mới khởi hành, nhưng do phải làm thủ tục kiểm dịch, thông quan nên ngay từ sớm, chúng tôi đã di chuyển từ khu cách ly đến Phòng kiểm dịch y tế để mặc đồ phòng hộ, kiểm tra thân nhiệt trước khi được cấp phép xuất cảnh, đi tàu sang Trung Quốc”, lái tàu Nguyễn Văn An vừa đi trên đường ray lổn nhổn đá vừa chia sẻ.
8h20, được lệnh xuất phát của Trưởng tàu Cao Tiến Hiệp, đoàn tàu hàng mang mác hiệu 1209 chở theo khoảng 1.200 tấn quặng và lưu huỳnh bắt đầu chuyển bánh và dự kiến sẽ quay trở lại ga Lào Cai vào lúc 10h50 cùng ngày.
Tuy nhiên, phải đến khoảng 11h50, chậm 1 tiếng so với kế hoạch, đoàn tàu mới trở về đến ga Lào Cai. 7 nhân viên tổ tàu vẫn trong bộ phòng hộ, lặng lẽ vào phòng cách ly kiểm dịch y tế để thực hiện các thủ tục đã thành thường quy: Đưa giấy tờ giao vận đơn cho nhân viên y tế ga để sấy, phòng virus và chờ nhân viên kiểm dịch đo thân nhiệt, kiểm tra y tế, vào sổ theo dõi.
Tranh thủ thời gian chờ kiểm dịch, làm thủ tục cho chuyến tàu kế tiếp dự kiến chạy lúc 13h, Trưởng tàu Cao Tiến Hiệp chia sẻ: Do đầu máy bị trục trặc, tổ lái máy phải sửa nên chuyến tàu trở về từ ga Sơn Yêu chậm.
“Sang đến nơi, sau khi làm các thủ tục kiểm dịch, chỉ khoảng hơn 12h30 là anh em được ăn trưa. Bên bạn đã chuẩn bị sẵn suất ăn cho từng người, bát của ai đã ghi tên người ấy, lần sau ăn vẫn sử dụng bát đó, tránh dùng chung. Nhưng giờ chuyến thứ hai muộn thế này, chắc phải 14h mới được ăn trưa”, anh Hiệp nói và cho biết thêm: Hàng hóa, toa xe xuất sang Trung Quốc nhiều nên rất mất thời gian kiểm tra, giao nhận toa xe. Vì thế, chắc chắn các chuyến đi và về tiếp theo bị muộn, phải đến 21h, 22h tối.
Được biết, mỗi chuyến tàu, tổ tàu đều phải trải qua 3 lần kiểm dịch. Lần thứ nhất là trước khi đi tàu, đạt điều kiện thì bộ đội biên phòng mới làm các thủ tục xuất cảnh. Sang đến Trung Quốc, toàn bộ đoàn tàu được phun khử trùng trước khi vào ga Sơn Yêu. Đến ga, tổ tàu sẽ tiếp tục được kiểm tra y tế. Khi tàu về đến ga Lào Cai, các nhân viên tổ tàu lại thực hiện các thủ tục kiểm dịch lần nữa, trước khi trở về khu cách ly. Toàn bộ đoàn tàu, gồm đầu máy, toa xe cũng được phun khử trùng.
“Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại cho mỗi chuyến tàu dù cũng vẫn những nhân viên tổ tàu đó qua lại biên giới trong ngày”, anh Hiệp thông tin.
Không sợ dịch, chỉ sợ bị kỳ thị
Cũng theo anh Hiệp, thời điểm trước khi dịch bùng phát, mỗi chuyến tàu sang ga đường sắt Trung Quốc sẽ có 5 nhân viên.
Hiện tại, tàu bị cắt chuyến từ 3 đôi tàu chạy mỗi ngày xuống chỉ còn 2 đôi/ngày. Vì vậy, khi nhu cầu vận chuyển liên vận tăng đột biến, hàng nhiều, có những chuyến tàu phải tăng toa xe, đoàn tàu phải lắp thêm đầu máy đẩy. Số lái tàu, phụ lái tàu tăng từ 2 lên 4 người, trưởng tàu và giao tiếp toa xe mỗi vị trí vẫn một người. Có ngày, tăng thêm một vị trí trưởng tàu thực tập.
Mạch tâm sự của vị trưởng tàu bất chợt dừng lại, đôi mắt trùng xuống khi nhớ đến gia đình. “Từ khi tuyến liên vận hoạt động trở lại, các tổ tàu phải đi tàu 14 ngày liên tục, xuống ban sẽ ở khu cách ly. Hết 14 ngày này, sẽ không phải đi tàu nữa nhưng vẫn tiếp tục tự cách ly 14 ngày tại khu vực khác gần ga. Nhưng đó không phải điều gì khiến chúng tôi e ngại. Điều trăn trở lớn nhất lại là việc trở về nhà sau 14 ngày cách ly, rất dễ bị làng xóm kỳ thị, xa lánh, rồi người thân, cha mẹ, vợ con cũng bị ảnh hưởng lây”, anh Hiệp chia sẻ.
Cùng chung “chiến hào”, lái tàu Bùi Anh Tuấn cho biết: Xung phong đi tàu giữa tâm dịch, ban đầu, anh cũng không tránh khỏi một chút lo lắng. Nhưng đi rồi mới thấy không quá đáng sợ như tưởng tượng.
“Kiểm dịch bên mình và cả bên bạn đều rất nghiêm ngặt. Chúng tôi lại được trang bị các vật dụng phòng hộ và cả kiến thức để bảo vệ bản thân nên rất yên tâm. Có khi đi tàu còn đỡ rủi ro hơn ở nhà, vì hạn chế tiếp xúc đến mức thấp nhất, đến tiền cũng không dùng đến”, anh Tuấn nói và bật cười.
Có chuyến tàu như “lạc vào chốn không người”
Chuyến tàu hàng thứ 2 khởi hành khuất dần, ở khu vực cách ly gần ga Lào Cai, một người đàn ông dáng cao gầy vẫn đứng hướng ánh nhìn theo các đồng nghiệp. Đó là trưởng tàu Đỗ Quang Trung - “người hùng” đối với nhiều đồng nghiệp khi mạnh dạn xung phong trong top đầu đi tàu trở lại sau 4 ngày dừng tàu vì dịch.
Anh Trung nhớ lại: Sáng 7/2, một cuộc họp khẩn đã diễn ra tại ga Lào Cai sau khi tàu liên vận được phép chạy trở lại. Lãnh đạo Chi nhánh Khai thác đường sắt Lào Cai thông báo: Tàu liên vận đã được phép chạy, nhưng những ai đi tàu sẽ phải đi liên tục trong 14 ngày. 14 ngày này, khi xuống ban sẽ phải ở khu cách ly trong ga. Hết 14 ngày đi tàu sẽ tiếp tục đi cách ly 14 ngày nữa, rồi mới được về nhà.
“Điều kiện ấy khiến nhiều người không khỏi phân vân. Tuy nhiên, tôi xung phong đi trước. Tiếp đến, anh Nguyễn Văn Hải, giao tiếp kỹ thuật toa xe, lái chính Lê Hùng Cường và lái phụ Khổng Minh cũng xin gia nhập kíp đầu tiên”, anh Trung nói và thổ lộ: “Tổ tàu được “chốt”, tôi mới dám gọi điện về thông báo với vợ trong tình thế “chuyện đã rồi”.
Theo trưởng tàu Đỗ Quang Trung, chuyến đi đầu tiên sau thời gian gián đoạn diễn ra trong không khí vô cùng nặng nề. Bốn người chẳng ai nói với ai. Khi ấy, quần áo bảo hộ cũng chưa có, anh em lên tàu ngoài đồng phục chỉ có khẩu trang, đôi găng tay và chiếc kính mắt.
Qua biên giới sang địa phận Trung Quốc, nhà dân cửa đóng then cài, các tuyến đường gần như không bóng người qua lại. Tàu trả hàng sau 3 lần kiểm dịch gắt gao phía Trung Quốc. Rồi cũng anh em tổ tàu lại kéo theo đoàn toa xe hàng đã lập sẵn tại ga Sơn Yêu trở về ga Lào Cai.
“Căng thẳng là vậy nhưng khi trở về, chúng tôi đều ý thức được, chuyến đi của mình đã phần nào giúp anh em cởi bỏ được sự nặng nề của những ngày trước đó và yên tâm thực hiện những đợt đi sau”, anh Trung giãi bày.
Nhớ lại thời điểm “cân não”, ông Hoàng Đình Tứ, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Lào Cai, kiêm Trưởng ga Lào Cai không quên ngày ga nhận thông báo dừng tạm thời các tuyến tàu hàng liên vận từ phía biên phòng.
“Sáng ngày 3/2, hai chuyến tàu xuyên biên giới vẫn hoạt động, đến chiều nhận được thông báo cắt tàu, mọi người không khỏi lo lắng. Càng “sốc” hơn khi nhóm nhân viên đường sắt Trung Quốc theo tàu đến ga lúc sáng, đáng lẽ theo tàu trở về trên chuyến tàu xuất cảnh kế tiếp, nhưng cũng được cơ quan chức năng làm thủ tục bàn giao về nước ngay bằng đường bộ”, ông Tứ kể.
Theo ông Tứ, mỗi ngày dừng tàu, hàng ách tắc ngày càng lớn, chỉ trong 3 - 4 ngày, số toa hàng tồn lại lên đến 130 toa xe, chưa kể lượng hàng nằm tại bãi chưa xếp lên toa. Từ thực tế đó, lãnh đạo đường sắt đã liên tục làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai để xây dựng các phương án đưa tàu liên vận hoạt động trở lại nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đến ngày 7/2, ga nhận được thông báo tàu có thể hoạt động vào ngày 8/2, nhưng phải lập được khu kiểm dịch, làm thủ tục thông quan cách biệt và khu cách ly.
Ngay trong chiều mùng 7, mọi thứ được tiến hành thần tốc. Trong vỏn vẹn nửa ngày, khoảng sân để xe hàng ngày rộng khoảng 30m2 nhanh chóng thành phòng kiểm dịch dã chiến bằng tôn với đầy đủ vật dụng...
Trước đó, dãy nhà làm việc tại hóa trường ga gồm 3 phòng cũng được trưng dụng, gấp rút trang bị các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của tổ tàu, từ chiếc bàn chải đánh răng, chăn chiếu… đến nồi cơm, bếp. Tất cả như chạy đua cùng thời gian để hàng hóa được khơi thông trong thời gian sớm nhất...
Chúng tôi rời ga Lào Cai cũng là lúc xế chiều, vẫn còn chuyến tàu liên vận nữa trong ngày chưa chạy, hàng nghìn tấn hàng vẫn được lên kế hoạch vận chuyển cho ngày hôm sau...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận