Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 10 (áo trắng) kiểm tra, đánh giá hạng mục kỹ thuật khu vực hầm máy
Đâu phải đi nước ngoài là... sướng
Với nhiều người, được đi nước ngoài là cơ hội hiếm có để du lịch, thăm thú và trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, với những đăng kiêm viên (ĐKV) tàu biển, ra nước ngoài chỉ đơn giản là tàu ở đâu phải theo đến đó để làm nhiệm vụ.
Ông Trần Hiếu Nhân, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn, Cục Đăng kiểm VN chia sẻ: “Nói là đi nước ngoài cho oai chứ thực ra chỉ đến nơi tàu neo đậu, làm xong việc rồi về. Tàu chủ yếu ở nơi xa xôi, hẻo lánh, cách xa thành phố nên làm gì có cảnh đẹp, phồn hoa đô hội. Thời gian ở nước ngoài hầu hết chỉ ở khách sạn và trên tàu, có khi lênh đênh cả chục ngày theo tàu nữa”.
Nhớ lại chuyến công tác Nhật Bản kiểm tra tàu dài 300m mới đây, ông Nhân kể, tàu có hành trình về nước nên cũng lênh đênh theo tàu 5 ngày liền để làm việc. Ngày nào cũng 5h sáng thức dậy chui vào các ngóc ngách, hầm tàu. Người lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi, mùi dầu mỡ, mà phải làm đến đêm muộn mới dám nghỉ.
“Anh em đi biển vô cùng vất vả, nhưng nghề đăng kiểm tàu biển cũng nhọc nhằn không kém”, ông Nhân nói và cho biết, dù tàu đang ở đâu trên thế giới, khi chủ tàu đề nghị kiểm định thì ĐKV cũng phải “xách ba lô” lên đường.
Với các ĐKV, khi được cử đi nước ngoài hầu hết chỉ đi một mình, không biết nơi sắp đến thế nào. ĐKV bậc cao Trần Hữu Thắng chia sẻ: “Chuyến sang Srilanka tôi phải đi 300km từ sân bay mới đến được nơi tàu neo đậu. Toàn tuyến đường xấu, đi qua nhiều vùng đồi núi hiểm trở, cảnh vật hoang tàn và nhiều nhà cửa bị tàn phá”.
“Dọc đường, mỗi khi gặp các tốp lính đeo đầy súng đạn, xe nào cũng bị chĩa súng. Họ còn cầm sắt nhọn đi quanh xe kiểm tra, có khi chọc thẳng vào xe. Người tài xế bảo đất nước đang có nội chiến, mấy hôm trước quân chính phủ và quân nổi dậy đấu súng. Nghe mà run hết cả người”, anh Thắng nhớ lại.
ĐKV Vũ Tùng Linh nhớ nhất lần đi Bangladesh 4 ngày cuối năm 2019. “Họ không cho ở trên tàu nên ngày nào cũng bay chặng dài. Kết thúc ngày làm việc lại rời tàu, ra sân bay trở về khách sạn, nhiều hôm gần 9h tối mới về tới nơi.
Giáp Tết năm trước, có người được cử đi kiểm tra tàu ở Indonesia về kể lại là hàng ngày phải đi bằng cano hơn 100km từ bờ mới ra được chỗ tàu neo đậu. Lúc về bị trục trặc thủ tục xuất cảnh nên lùi lại 3 ngày, suýt mất đón Tết ở nhà”, anh Linh kể.
Không chỉ chuyện đi lại, theo các ĐKV, chuyện ăn uống cũng là vấn đề trong các chuyến công tác dài ngày. Có người không hợp với đồ ăn nơi đến nên bị ngộ độc.
“Có vùng ở Trung Quốc chỉ có món xào, nấu mà không có món luộc như ở nhà nên gần hai tháng trời ăn uống vô cùng khó chịu”, một ĐKV kể và cho biết, ĐKV tàu biển được phân chia theo mảng công việc, trong đó có thẩm định thiết kế, kiểm tra kỹ thuật và đánh giá hệ thống an ninh, an toàn, lao động hàng hải. ĐKV kiểm tra và đánh giá là những người phải “chạy” theo tàu để kiểm tra, đánh giá tàu.
Áp lực người cầm dấu
Đăng kiểm viên tàu biển khi ra nước ngoài hoạt động độc lập, toàn quyền tự quyết và chịu trách nhiệm
Chia sẻ về nghề ĐKV tàu biển, ông Bùi Đức Dũng, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 10 cho biết, những người được lựa chọn để cử đi kiểm tra tàu ở nước ngoài đều phải có trình độ cao, tác phong chuẩn mực và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.
“Khi làm việc ở nước ngoài, công việc như ở trong nước, song khác ở chỗ ĐKV độc lập giao tiếp với chủ tàu nước ngoài, người của cơ quan chức năng nước ngoài và toàn quyền quyết định, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, đánh giá của mình. Chính vì thế, đi nước ngoài dù vất vả nhưng là vinh dự lớn của nghề đăng kiểm tàu biển”, ông Dũng nói.
Phó giám đốc Trần Thế Anh, người đã đi hầu hết các nước châu Á và Trung Đông kể, quá trình làm việc ở nước ngoài, ĐKV dễ va chạm với người của nhà máy sửa chữa tàu nên có khi cũng phải dè dặt, xem chừng nhau để cư xử cho phù hợp. Khi đụng chạm, ý kiến khác nhau về chuyên môn mình phải quyết tâm bảo vệ quan điểm.
“Có trường hợp tàu bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ, chủ tàu sửa chữa, khắc phục xong nhưng vẫn bị yêu cầu thêm hạng mục mà không có căn cứ. Chủ tàu chuyên môn không sâu nên mình cũng “chiến đấu” để khẳng định quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, cũng như có tiếng nói để bảo vệ đội tàu nước mình, để không bị nước ngoài lưu giữ vô lý”, ông Thế Anh kể.
Công việc khi ở nước ngoài cũng là chui tàu, “soi” các hạng mục kỹ thuật của tàu biển như ở trong nước, song áp lực hơn là được ủy quyền mang theo con dấu, giấy chứng nhận đăng kiểm để cấp tại chỗ.
“Nói vui là ở trong nước nếu xảy ra sai sót có thể đổ do “lỗi đánh máy”, còn khi ở nước ngoài không thể đổ cho ai. ĐKV khi làm việc ở nước ngoài phải khách quan, tuân thủ đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật”, ông Thế Anh nói.
Đánh giá online, hỗ trợ tàu biển trong đại dịch Covid-19
Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, đội ngũ đăng kiểm tàu biển toàn quốc hiện có 192 ĐKV, trong đó có 42 ĐKV bậc cao. Trung bình mỗi năm có 30 - 40 lượt ĐKV được Cục Đăng kiểm VN cử đi nước ngoài kiểm tra, đánh giá tàu biển VN chạy tuyến quốc tế.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhằm tháo gỡ khó khăn cho tàu hết hạn đăng kiểm và đang ở nước ngoài, Cục Đăng kiểm VN đánh giá tình trạng tàu thông qua dữ liệu kiểm định, hình ảnh các hạng mục kỹ thuật được chủ tàu gửi về để gia hạn đăng kiểm, hỗ trợ tàu di chuyển về cảng gần nhất có đăng kiểm quốc tế có thể xuống tàu kiểm tra.
Tàu chạy tuyến quốc tế đến hạn đăng kiểm mà đang ở nước ngoài, chủ tàu có thể đề nghị Cục Đăng kiểm VN hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài (trường hợp có hợp tác ủy quyền lẫn nhau) kiểm định. Nhận được đề nghị của chủ tàu, Cục Đăng kiểm VN sẽ cử ĐKV của Cục hoặc Chi cục Đăng kiểm trực thuộc đi nước ngoài kiểm định.
Tương tự, khi đến hạn cấp lại chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh và lao động hàng hải theo công ước quốc tế, ĐKV cũng được cử đến nơi tàu neo đậu ở nước ngoài để đánh giá giữa hồ sơ và thực tế để cấp chứng nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận