Với ePass, Viettel ghi dấu ấn đặt bước chân đầu tiên vào lĩnh vực giao thông thông minh
Làm việc không kể ngày hay đêm
Ngày cận Tết Nguyên đán, khi đồng hồ đã chuyển sang 19h, văn phòng Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vẫn sáng rực đèn.
Không kể bộ phận trực giám sát kỹ thuật trạm thu phí chăm chăm vào màn hình 24/24h, các phòng ban xung quanh cũng chưa có nhân viên nào ngừng việc.
Là một trong những người gắn bó từ đầu với dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2, anh Bùi Quý Chiến, chuyên viên xúc tiến phòng kinh doanh VDTC cho hay, từ ngày thành lập công ty (tháng 7/2020) anh cùng các nhân viên đều chưa biết ngày thứ bảy, chủ nhật.
“Làm việc tới 20-21h là chuyện thường, càng vào nước rút chạy dự án, những buổi overnight (xuyên đêm) trở thành chuyện nhỏ”, anh Chiến cười cho hay.
Sau ngày ký hợp đồng BOO (hình thức Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) với Tổng cục Đường bộ VN, VDTC lao vào xúc tiến đàm phán với 23 nhà đầu tư BOT đang vận hành 33 trạm thu phí, khi trước mặt mốc thời gian 31/12/2020 phải đấu nối vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC) còn chưa đầy 6 tháng.
“Đi vào đàm phán mới lộ ra nhiều khoản phát sinh trong khi Nhà nước lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Sức ép đẩy lên cao, lãnh đạo công ty và tập đoàn cùng vào cuộc gỡ khó, tới cuối tháng 9, đầu tháng 10/2020, các hợp đồng mới được ký. Ngoài ra đầu tháng 11, chúng tôi còn ký thêm được 10 trạm thu phí bên ngoài danh mục dự án. Mỗi khi gặp khó khăn trong đàm phán, chúng tôi lại nghĩ về tâm huyết từ những ngày đầu, thêm áp lực từ mốc 31/12/2020, và cuối cùng là tinh thần của người Viettel, khi đã nhận nhiệm vụ phải làm và cương quyết làm bằng được”, anh Chiến kể.
Thế nhưng chuyện chưa dừng ở đó, từ thời điểm chuẩn bị vận hành hệ thống ETC, hàng loạt vấn đề phát sinh, nhiều nhà đầu tư BOT tới phút cuối vẫn không đồng ý cho cắt chuyển. Vậy là những chuyến đi xuyên đêm từ trạm này qua trạm khác nối tiếp nhau không ngừng nghỉ.
Anh Chiến nhớ lại: “Đêm Giao thừa chúng tôi đón năm mới trên đường. Hứa với gia đình hết dự án rồi tính tiếp nhưng sau khi triển khai còn nhiều việc phải hoàn thiện, tới giờ cũng không phân biệt ngày hay đêm, lịch nghỉ Tết Nguyên đán cũng chưa ấn định”.
“Nhiều người không nghĩ Viettel sẽ làm được”
Ông Bùi Trình, Giám đốc VDTC cho biết, dù khó khăn nhưng tới nay cũng có thể nói mọi việc tương đối tròn
Song song với hướng đàm phát ký kết hợp đồng, một mũi khác của VDTC bắt tay vào khâu hoàn thiện công nghệ ETC. Anh Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ VDTC, kiến trúc sư trưởng của dự án cho hay, khoảng tháng 6/2020 mới bắt đầu phát triển hệ thống hệ thống tính cước và quản lý dữ liệu (backend), đặt nền móng kỹ thuật đầu tiên.
“Đây là dự án mang tầm cỡ quốc gia, tiến độ quá gấp, nhiều người không nghĩ Viettel sẽ làm được, thậm chí cơ quan quản lý đã chuẩn bị tình huống xử phạt khi nghĩ chúng tôi khó có thể vận hành đúng tiến độ (sau mốc 31/12/2020, Chính phủ sẽ buộc dừng thu phí - PV)”, anh Hà nói.
Giai đoạn căng thẳng nhất với vị kỹ sư trưởng lại chính là lúc sau khi bấm nút khai trương hệ thống ePass tại 25 trạm BOT ngày 29/12. “Đây mới chính là thời điểm mệt mỏi nhất, dù trước đó đã chuẩn bị các kịch bản phương án ứng phó. Ngay sau khi vận hành, các vấn đề phát sinh rào rào đẩy lên, ảnh hưởng trực tiếp tới khách hàng buộc phải xử lý ngay và luôn”, anh Hà nói và dẫn giải.
Tương tự, chị Phạm Thu Hường, Trưởng phòng Kinh doanh VDTC cho hay, nếu như lĩnh vực y tế hay giáo dục, Viettel đã tham gia 10 năm trước, thì tới nay giao thông đối với “nhà lính” như là bài toán đầu tiên.
Thừa nhận tới nay hệ thống kỹ thuật ePass vẫn chưa thật chỉn chu hoàn hoàn, song vị nữ trưởng phòng khẳng định, để đảm bảo gần 1 triệu lượt xe qua làn ETC sau hơn 1 tháng vận hành là cả một sự nỗ lực thay đổi từ những chi tiết nhỏ.
“Từ hôm khai trương tới nay có rất nhiều phản ánh từ khách hàng, tốt cũng có mà trái chiều cũng nhiều, tuy nhiên lãnh đạo VTCD yêu cầu tất cả anh em phải lấy khách hàng làm trọng tâm, nhận tất cả những góp ý để làm sở cứu xây dựng sản phẩm hoàn hảo hơn”, chị Hường chia sẻ.
Nỗ lực tới lúc kiệt sức
Trong bộ quân phục giản dị, nhấp ngụm nước trà, ông Bùi Trình, Giám đốc VDTC tâm sự về câu chuyện 1 tháng vừa vận hành ePass, vừa lo giải quyết phát sinh, vượt ngoài kế hoạch.
“Tới thời điểm này không thể nói là không mệt. Nhiều hợp đồng khó khăn trong đàm phán đến tận giờ chót. Dù đã có kinh nghiệm từ nhiều dự án trước song khi viết phần mềm, bộ phận chuyên môn vẫn không làm rõ được bài toán nghiệp vụ, chưa sát được mong muốn của nhà đầu tư BOT, mỗi trạm lại có yêu cầu, đặc trưng khác nhau. Phức tạp nhất mỗi trạm có loại vé khác nhau, mức độ miễn giảm khác nhau. VDTC phải vận hành cả làn không dừng và làn dừng với những yêu cầu đặc thù…Để thỏa mãn tất cả trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư rất lớn. Tuy nhiên tới nay cũng có thể nói mọi việc tương đối tròn…”, vị Giám đốc nở nụ cười chia sẻ.
“Anh Trình là dân kỹ thuật không nói giỏi như các giám đốc khác, nhưng cách anh truyền lửa cho nhân viên chính là hành động, lăn xả vào công việc. Những ngày hệ thống gặp trục trặc, cũng chính anh lao về các trạm, trắng đêm cùng đối tác chỉnh sửa”, một nhân viên cho hay.
Quá trình gắn bó với VDTC, “người lính” dạn dày ấy cũng có lúc kiệt sức, tuyệt vọng.
“Thời gian rất ngắn, khối lượng công việc khổng lồ, việc mới, địa bàn trải rộng, nhân viên lại quá ít, các thủ tục hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền chậm ban hành…. Gạt tất cả, chúng tôi chỉ hướng tới 1 mục tiêu là đích 31/12, tìm mọi cách tháo gỡ. Thế rồi cũng tới lúc gắng gượng tới kiệt sức, đó là ngày 27/12, trước 2 ngày khai trương hệ thống, vẫn có những trạm BOT không hợp tác để kết nối chuyển giao. Cảm giác tuyệt vọng, tôi đã gửi thư cho lãnh đạo tập đoàn xin trả lại dự án. Đúng lúc này, cả ban lãnh đạo tập đoàn lao vào giải quyết, vậy là mình lại được vực dậy. Sau này, tối mới biết nhìn thấy VDTC đối mặt nhiều khó khăn, ban lãnh đạo sống lại thời kỳ đầu của Viettel nên ai cũng thương mình thực sự”.
Sau hơn 1 tháng vận hành ePass, lãnh đạo VDTC vẫn chưa một ngày được thả lỏng bởi trước mắt là khối công việc nghiệm thu, chuyển giao tổ chức bộ máy vận hành. “Sát Tết, lưu lượng xe tăng, chỉ cần việc chuyển giao gặp trục trặc ở 1 khâu nào đó là sẽ rất đau đầu”, ông Trình lý giải.
Khi được hỏi, hiện còn điểm gì phải lăn tăn với ePass, gương mặt trùng xuống, vị giám đốc VDTC điểm danh: “Mật độ sử dụng chưa cao, hiện mới chỉ khoảng 30-40% chủ phương tiện dán thẻ; Một số trạm lưu thông qua làn ETC vẫn khá hỗn độn, chưa có quy định bắt buộc phải dán thẻ. Bên cạnh đó, vẫn cần thêm thủ tục hướng dẫn tạo điều kiện từ phía cơ quan quản lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong đăng ký dịch vụ, tiết kiệm thời gian cho chủ phương tiện…”.
“Tổng mức đầu tư cho dự án ước tính 1.233 tỷ đồng với thời gian kéo dài 26 năm. Trong bối cảnh tỷ lệ dán thẻ thấp đương nhiên thời gian đầu chấp nhận chịu lỗ. Do đó, trong tương lai gần, VDTC muốn tham gia vào các dự án khác để có nguồn gia tăng cho phương án tài chính, rút ngắn thời gian bị lỗ, duy trì đồng bộ hệ thống các dịch vụ”, Giám đốc VDTC bộc bạch.
Ngày 29/12/2020, tại Trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ GTVT và Công ty VDTC ra mắt hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng ePass, triển khai đồng loạt tại 35 trạm thu phí trên cả nước.
Theo ước tính, sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, thời gian đi qua trạm thu phí giảm tới khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công. Cùng với những công nghệ hiện đại nhất, VDTC còn áp dụng hệ thống tính cước thời gian thực (OCS), giúp thanh toán ngay lập tức (real-time). Trong quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, đặc biệt là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với Ngân hàng số ViettelPay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận