Nhiều tháng đàm phán bí mật
Theo nguồn tin từ một người tham gia quá trình đàm phán, việc đạt được thỏa thuận (được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay của một hãng hàng không) là kết quả của thời gian dài thương thảo, trong đó phần lớn là bí mật.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, các cuộc trao đổi quan trọng bắt đầu từ Hè năm ngoái và kéo dài tới trước Giáng sinh năm 2022 khi các bên cơ bản đồng ý với các điểm trong thỏa thuận.
Máy bay của hãng hàng không Ấn Độ Air India. Ảnh: Reuters
Các cuộc đàm phán diễn ra tại khách sạn sang trọng St James’ Court thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Tata gần Điện Buckingham, Thủ đô London, Anh.
Suốt nhiều ngày liên tục, quá trình đàm phán diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, gay cấn. Các nhà đàm phán của hãng hàng không Ấn Độ, các hãng sản xuất máy bay, động cơ ở luôn tại khách sạn để tiện làm việc.
Khi đàm phán thành công, Boeing sẽ có cơ hội khôi phục vị thế trong thị trường máy bay thân hẹp tại Ấn Độ, thu hẹp thị phần của đối thủ Airbus.
Trong khi đó, Airbus muốn giành được một phần từ thị trường máy bay thân rộng mà Boeing chiếm ưu thế.
Còn Air India muốn giành được 30% thị phần trong thị trường hàng không nội địa tại Ấn Độ trước cuối năm 2027 so với hiện nay (hãng chỉ chiếm 8,6% thị phần vào tháng 9/2022).
Đồng thời, hãng cũng mở rộng phi đội máy bay để phục vụ nhiều tuyến bay quốc tế hơn. Hiện nay, các hãng hàng không vùng Vịnh đang chiếm ưu thế trong phân khúc hành khách Ấn Độ ở nước ngoài.
Bản thân Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi từng nhấn mạnh, hàng không dân sự là lĩnh vực quan trọng và ước tính Ấn Độ cần thêm hơn 2.000 máy bay trong 15 năm tới.
Tuy trọng tâm chính trong các thỏa thuận mua máy bay là “cuộc đấu” giữa các hãng sản xuất máy bay, các nhà sản xuất động cơ cũng đóng vai trò quan trọng và có thể đẩy nhanh hay trì hoãn tiến trình đạt thỏa thuận.
Theo các nguồn tin, bên giành phần thắng không nhỏ trong thỏa thuận là General Electric khi doanh nghiệp liên doanh của hãng với Safran là CFM đánh bại đối thủ Pratt & Whitney của tập đoàn công nghệ Raytheon để giành được phần lớn trong thỏa thuận sản xuất động cơ cho máy bay Airbus A320neo.
Trong khi đó, Rolls-Royce cũng giành được hợp đồng sản xuất động cơ cho 40 máy bay Airbus A350.
Luôn đưa ra đề nghị tốt hơn để cạnh tranh
Dù đã có các chính trị gia vào cuộc, nhưng việc đàm phán liên quan tới lợi ích của các doanh nghiệp lớn nên quá trình không hề đơn giản.
Các cuộc đàm phán thường diễn ra tới đêm khi các hãng sản xuất máy bay, động cơ cạnh tranh lẫn nhau để đưa ra những đề nghị tốt hơn.
Đặc biệt là trong tháng 12, Airbus ở trong tình thế nước sôi lửa bỏng. Ở đầu này của Thủ đô London, Airbus đàm phán với Air India, mong chốt đơn hàng “khủng” thì chỉ cách đó khoảng 3km, Airbus lại đau đầu với số phận của hàng loạt máy bay dòng A350 trong vụ kiện với hãng hàng không Qatar Airways.
Sau những giờ căng thẳng, cuối cùng, các cuộc đàm phán kết thúc vui vẻ với bữa tối tại nhà hàng Ấn Độ mang tên Quilon, nổi tiếng với hải sản được nhập từ chính các tỉnh của Ấn Độ như Goa và Kerala.
Tầm quan trọng của thỏa thuận được thể hiện ngay trong buổi lễ công bố thỏa thuận Air India mua 250 máy bay Airbus được tổ chức tại thành phố Bangalore, Ấn Độ khicó sự tham gia trực tuyến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trước đó, Nhà Trắng cũng thông báo hãng hàng không Ấn Độ đã đặt mua 220 máy bay Boeing và Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá, thỏa thuận này chứng minh Mỹ có thể và sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chế tạo.
Khoảnh khắc lịch sử
Con số 470 máy bay của 2 thỏa thuận này đánh dấu số lượng máy bay kỷ lục mà một hãng hàng không thương mại đặt mua cùng lúc trong lịch sử hàng không thế giới, vượt qua con số 460 máy bay hãng American Airlines đặt mua vào năm 2011.
Tính theo giá niêm yết, tổng giá trị của 2 đơn hàng này khi được thực hiện là khoảng 70 - 80 tỷ USD. Nhưng thông thường, các nhà sản xuất máy bay sẽ giảm giá đối với các đơn hàng lớn nên tổng giá trị đơn hàng có thể thấp hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Air India N. Chandrasekaran cho biết: “Chúng tôi đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu rộng. Trong đó, một trong những điều quan trọng nhất là phải có phi đội máy bay hiện đại đủ năng lực vận hành trên tất cả đường bay”.
Theo thỏa thuận với Airbus, Air India mong muốn mua 210 máy bay thân hẹp A320neo và 40 máy bay phục vụ các chuyến bay đường dài A350, với một số quyền chọn để tăng số lượng máy bay đặt hàng.
Nhận định về thỏa thuận với hãng bay Ấn Độ, Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury cho biết: “Đây là thời điểm lịch sử đối với Ấn Độ, Air India và Airbus. Quy mô đơn hàng thể hiện khát khao thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp hàng không Ấn Độ”.
Hãng sản xuất máy bay có trụ sở tại Pháp đã có một trung tâm kỹ thuật tại Ấn Độ và sử dụng nguồn cung nhiều bộ phận máy bay do các nhà cung cấp của Ấn Độ.
Trong khi đó, thỏa thuận giữa Air India và Boeing bao gồm đơn đặt hàng 190 máy bay thân hẹp 737 MAX, 20 máy bay Boeing 787 và 10 máy bay Boeing 777X. Theo một quan chức Nhà Trắng, thỏa thuận cũng bao gồm quyền chọn tăng thêm 50 máy bay MAX và 20 máy bay 787.
Ông Stan Deal, người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại của Boeing cho rằng, hợp đồng cho thấy Air India tin tưởng vào sản phẩm và dịch vụ của Boeing.
Hãng hàng không Air India được Tập đoàn Tata thành lập vào năm 1932, sau đó, được Chính phủ Ấn Độ mua lại phần lớn cổ phần. Tuy nhiên, tới cuối thế kỷ trước, hãng hàng không gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các hãng bay vùng Vịnh, thiếu đầu tư và thua lỗ hàng tỷ USD.
Đến năm ngoái, Tập đoàn Tata đã giành lại quyền kiểm soát hãng bay bằng thỏa thuận trị giá 2,4 tỷ USD, đặt mục tiêu chuyển đổi sâu rộng nhằm giành thị phần lớn hơn trong thị trường hàng không nội địa và quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận