Kinh tế

Hậu trường truyền thông “dậy sóng” của Dự luật Thuế tài sản

21/06/2018, 07:18

Ngay khi tung ra, dự án Luật Thuế tài sản đã gây “dậy sóng” dư luận.

68

Hậu trường truyền thông “dậy sóng” của Dự luật Thuế tài sản

Bên cạnh nội dung đề xuất được cho là “sưu cao thuế nặng”, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một bài học về “cách thức thông tin, cách truyền thông điệp ra bên ngoài” của cơ quan soạn thảo.

“Trên mạng ném đá, quần chúng hoang mang”

Tại phiên thảo luận tổ về Luật Quy hoạch cuối tháng 5 vừa qua, một Đại biểu Quốc hội vẫn chưa hết bức xúc về câu chuyện dự án Luật Thuế tài sản đang hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội: “Chỉ vì ý kiến cá nhân mà công sức của Chính phủ, cả một hệ thống chính trị đã làm bao điều tốt đẹp đổ xuống sông, xuống biển. Trên mạng thì ném đá, nhân dân quần chúng hoang mang, hoảng sợ lo lắng. Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng”. Vị này thậm chí kết luận: “Đây là hành động vô trách nhiệm. Nếu kiểm điểm đánh giá, chúng ta phải kiểm điểm nặng cán bộ tung ra. Ai cho phép mà tung ra. Chuyện này gây phản cảm và tác hại ghê gớm”.

Hứng chịu sự bức xúc của dư luận, xã hội, việc “tung ra” dự án luật sai ở đâu?

Ngay cả phóng viên ở một tờ báo lớn với kinh nghiệm hơn 10 năm theo dõi lĩnh vực thuế cũng cho biết, để hoàn thành bài viết khoảng 1.000 chữ một cách chính xác, phóng viên đã phải gọi điện cho lãnh đạo Vụ Chính sách thuế từ tối đến 22h đêm. Tuy nhiên, khi xuất hiện trên mặt báo, nhiều thông tin vẫn chưa chuẩn xác do một số phóng viên vẫn bị nhầm lẫn giữa giá trị tính thuế của ngôi nhà (phần xây dựng trên đất) với giá trị toàn bộ nhà đất, hay nhầm lẫn cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, tỷ lệ nhà cũ, nhà mới, nhà chung cư cao tầng,… dẫn tới hiểu lầm về số tiền thuế phải nộp cao bất thường. 

Về quy trình thông tin, Bộ Tài chính tiến hành họp báo chuyên đề như thường lệ, do Văn phòng Bộ tổ chức và gửi công văn mời phóng viên các báo tới đưa tin. Ngay khi có thông tin về dự luật, không khí đã bắt đầu “nóng” lên khi một số phóng viên tìm cách tiếp cận tài liệu nhưng không thành. Thậm chí, cả buổi sáng trước khi cuộc họp báo được tiến hành (vào buổi chiều), phóng viên vẫn tìm cách “săn” trước dự thảo nhưng thất bại. Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cả buổi sáng hôm đó vẫn phải họp về nội dung dự luật. Lãnh đạo vụ hôm đó không kịp ăn trưa để chỉnh sửa tài liệu. Khi tài liệu tới tay phóng viên, giấy in vẫn nóng ran.

Rút kinh nghiệm từ đợt đưa ra dự thảo luật sửa đổi 5 luật của Bộ Tài chính hồi tháng 8/2017 khi Bộ Tài chính không công khai báo cáo đánh giá tác động khiến dư luận chỉ trích nặng nề bởi những sửa đổi liên quan tới thuế VAT, thuế TNCN là tác động trực tiếp vào túi tiền của người dân, tác động toàn diện đến tất cả các mặt hàng tiêu dùng từ cân gạo, mớ rau, quyển vở tới thuốc chữa bệnh. Lần này, Bộ Tài chính đã công bố báo cáo đánh giá tác động theo đúng yêu cầu về xây dựng văn bản pháp luật. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động của Bộ đã vấp ngay từ “vòng” phóng viên khi hàng loạt câu hỏi yêu cầu làm rõ tác động cụ thể tới từng nhóm đối tượng chịu tác động của dự luật, chứ không chỉ đánh giá ở khía cạnh ngân sách thu được bao nhiêu.

Điểm quan trọng nữa, một lượng thông tin dày đặc, nặng trịch được đưa ra trong 1-2 tiếng đồng hồ khiến nhiều phóng viên bị “ngộ” và không hiểu chính xác mấu chốt vấn đề. Cho tới khi lên máy bay đi công tác ngay sau khi kết thúc họp báo, điện thoại của lãnh đạo Vụ Chính sách thuế nóng ran do liên tục nhận được điện thoại của phóng viên đề nghị giải thích rõ nhiều nội dung.

Rất nhiều ý kiến, rất nhiều bình luận được đưa ra và được chia sẻ trên mạng xã hội. Và dù vào ngày cuối tuần, song đề xuất đánh thuế tài sản vẫn tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ chưa từng có đối với một dự thảo luật và kéo dài suốt những ngày sau đó cho tới khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội phải lên tiếng.

Giọt nước tràn ly?

Xét về cơ chế thông tin hiện nay, Bộ Tài chính được đánh giá là đơn vị cởi mở với báo chí bởi sự phân cấp phát ngôn trực tiếp xuống đến cấp vụ. Ngoài các cuộc họp báo hàng quý, Bộ này còn tổ chức các cuộc họp chuyên đề như chuyên đề xe ô tô công, đất công, thu chi ngân sách, các luật thuế… mà hiếm bộ, ngành nào làm được. Nhưng riêng về dự án Luật Tài sản, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: “Vấn đề ở đây là cách thức thông tin, cách truyền thông điệp ra bên ngoài có gì đó không ổn”.

Một chuyên gia tài chính chia sẻ với PV Báo Giao thông rằng, không chỉ khởi điểm đề xuất đánh thuế căn nhà từ 700 triệu đồng “có vấn đề” mà đây cũng như một giọt nước tràn ly đối với tâm lý người dân. Bởi trước đó, nằm trong đề án cải cách hệ thống thuế, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đã sửa đổi một lúc 5 luật thuế (Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập cá nhân, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Tài nguyên) mà nhiều vấn đề cho tới nay vẫn chưa lắng xuống như tăng thuế đối với các mặt hàng xăng dầu. Người dân bức xúc bởi các chính sách thuế sửa đổi và đề xuất thời điểm áp dụng một cách dồn dập và chỉ nhấn mạnh vào mục tiêu thu ngân sách trong khi cơ sở và lập luận đưa ra thiếu thuyết phục khi vin vào “thông lệ quốc tế”. Thêm vào đó, vị chuyên gia này còn cho rằng, chạm đến ngôi nhà là chạm vào một trong ba đại sự của con người theo quan niệm phương Đông “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. “Cho nên, chỉ cần chạm vào thôi là người ta đã giẫy lên rồi”, vị này chia sẻ.

Một dự án luật tranh cãi gần 20 năm

Khi dự án Luật thuế tài sản được đưa ra, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ đã bày tỏ sự hoan nghênh. Ông cho rằng, các nước cũng dùng thuế thu từ đất và tài sản gắn với đất để nâng cấp và phát triển đồ thị, hạ tầng đô thị. Còn Việt Nam cứ loay hoay dùng ODA và nguồn khác, sau đó lại kêu thiếu vốn trong khi về nguyên tắc, ông Võ khẳng định, nguồn thu ngân sách phải dựa vào đất công và thuế đối với đất: “Lúc này đưa ra đã là chậm vì câu chuyện này đã được xem xét từ năm 2000. Tôi cho rằng, chúng ta đã nước quá đầu gối mới nhảy, đến khi không còn thu được thuế từ xuất nhập khẩu, nguồn thu cạn kiệt mới đưa ra thuế này. Trong khi đáng nhẽ phải tính đến từ 10-20 năm rồi. Tuy hơi muộn nhưng cũng coi kịp thời để tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể và ổn định”.

Trước làn sóng phản đối gay gắt đối với dự án Luật Thuế tài sản, là người cải tiến và có thâm niên trong ngành Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cũng bày tỏ: “Tôi cũng lấy làm tiếc trong mười mấy năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản”.

Xét về “lịch sử”, dự luật này được manh nha đưa ra từ năm 2000 với chủ trương đánh thuế bất động sản trên đất, sau đó là chủ trương đánh thuế căn nhà thứ hai khi bong bóng bất động sản vỡ bung ra hàng loạt biệt thự bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí. Cho tới thời điểm hiện nay, quan điểm đánh thuế vẫn nghiêng về việc điều tiết để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, tránh đầu cơ, lãng phí… và một điều quan trọng nữa là công khai thông tin về sử dụng đất, ai sở hữu nhiều đất, ai sở hữu nhiều nhà, ai sở hữu đất vàng ở trung tâm đô thị, ai đóng thuế bao nhiêu… sẽ công khai ra dư luận. Đáng tiếc, sau khi dự thảo được đưa ra lại một lần nữa bị đẩy lại. Như vậy, sau gần 20 năm được đề cập tới, đến nay một nguồn thu chủ yếu của thu nội địa, là trụ cột của thu ngân sách vẫn bị coi nhẹ.

Sau khi bị gác lại, hiện nay dự luật ra sao? Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, dự luật phải quay lại xuất phát điểm là giải quyết trước tiên vấn đề quan điểm thu thuế để làm gì, tăng thu ngân sách hay quản lý đất đai. Sau đó mới tới vấn đề kỹ thuật là đánh thuế vào diện tích hay đánh vào căn nhà thứ hai hay đánh toàn bộ đất, nhà hay chỉ đánh thuế đất, thuế suất, mức khởi điểm…

“Chúng ta cũng yêu cầu cơ quan quản lý phải công khai số liệu để minh bạch. Do đó chúng ta phải kêu gọi Bộ TN&MT hãy chia sẻ thông tin trong chức năng quản lý của mình. Trên cơ sở đó, ba Bộ Tài chính, Công an, TN&MT phối hợp với nhau thì quản lý sẽ tốt hơn”, ông Phụng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.