Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng thông xe cầu Cửa Hội, nối đôi bờ sông Lam
Hai bên bờ hạ lưu sông Lam, nhất là vùng Cửa Lò, Nghệ An và Nghi Xuân, Hà Tĩnh không xa về địa lý nhưng lại gặp cách trở. Bao đời nay, nhân dân hai bên bờ mơ ước có cây cầu. Và đến hôm qua (14/3), giấc mơ ấy đã thành hiện thực khi cầu Cửa Hội chính thức được đưa vào sử dụng sau gần 24 tháng thi công.
Vượt khó để về đích đúng tiến độ
Đi chậm rãi trên cây cầu vừa xây, kỹ sư Trần Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Thuận An tự hào nhớ lại, công trình được khởi công ngày 15/2/2019 nhưng vì địa phương chưa GPMB để thi công 3km đường dẫn, nên mãi đến 30/6/2019 đơn vị mới tiếp cận được công trình.
“Để có đường vào công trình thi công, Thuận An đã phải bỏ tiền túi hơn 6 tỷ đồng ký quỹ cam kết hoàn trả để mượn 2km đường ngang và 5km đê của người dân và chính quyền địa phương. Cũng vì thiếu mặt bằng mà chúng tôi phải bỏ thêm 150 triệu đồng để thuê một hồ nước của người dân ở ngoài đê làm nhà điều hành và bãi tập kết vật liệu, rồi chi thêm hơn 5 tỷ đồng để đắp cát làm bãi đúc, bãi thi công”, ông Tú nhớ lại.
Cũng theo ông Tú, do đường mượn đi qua các khu dân cư và đầm nuôi tôm của người dân nên rất khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, thiết bị. Một khó khăn rất lớn nữa là cầu Cửa Hội nằm ngay cửa biển, sóng gió phức tạp, thủy triều lên xuống nên yêu cầu kỹ thuật cao hơn, tốn hơn 30 - 35% chi phí và thời gian di chuyển.
Nhìn lại thành quả gần 2 năm gắn bó với công trình, kỹ sư Nguyễn Xuân Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty CP 473, kiêm Phó ban điều hành công trường cho biết: “Đây là thành quả chung của tất cả các kỹ sư, công nhân 5 đơn vị tham gia làm cầu. Đối với thợ cầu 473 chúng tôi, cây cầu này là minh chứng cho sự nỗ lực cố gắng vượt lên khó khăn tiếp tục ghi dấu ấn trên quê hương Bác Hồ”.
Kỹ sư Nguyên cũng không thể quên thời điểm tháng 7 - 8/2019, để vượt cao trình đỉnh lũ trước mùa mưa, các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực thiết bị: “Làm ngày làm đêm, nhanh tới mức 4 ngày thi công xong 1 cọc khoan nhồi đường kính 2m sâu 75m. Hay như khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh em kỹ sư công nhân vẫn kiên quyết bám trụ làm việc không quản ngày đêm để đảm bảo tiến độ đề ra. Rồi thời điểm cuối năm 2019, công ty gặp khó khăn về tài chính, vốn địa phương bố trí cho công trình bị chậm, anh em không có lương 3 tháng liền, vậy mà bằng nhiệt huyết và lòng yêu nghề, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc, hoàn thành các hạng mục đúng tiến độ”.
Trong quá trình triển khai dự án, các nhà thầu đã cùng nhau đoàn kết sáng tạo. Điển hình như Công ty Trung Chính, khi mà bờ Nam chưa có mặt bằng để lập lán, chưa có đường công vụ, nhà thầu đã đầu tư lắp hẳn một trạm trộn bê tông trên hệ nổi, rồi dùng thuyền tiếp vật liệu từ bờ Bắc sang.
Mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế
Cầu Cửa Hội kết nối trục giao thông đường ven biển với QL8, QL1, khơi dậy sự phát triển cho vùng Nam Nghệ - Bắc Hà
Công trình cầu Cửa Hội được lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Gần như trong tất cả các chuyến công tác qua khu vực miền Trung, lãnh đạo Bộ đều dành thời gian đến công trường vừa để đôn đốc Ban, nhà thầu, vừa tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Đặc biệt là có những chỉ đạo kịp thời để các nhà thầu thi công đạt chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ từng yêu cầu: “Làm phải tốt như làm cho nhà mình”.
Dự án xây dựng cầu cầu Cửa Hội được triển khai trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn chế, nên 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã thống nhất dùng vốn ngân sách mỗi tỉnh 250 tỷ đồng để góp thêm với Chính phủ xây cầu.
Quá trình xây dựng, rơi đúng vào thời điểm cả 2 tỉnh phải đối mặt với hình thái thời tiết dị đoan, liên tiếp là các trận nắng nóng, hạn hán, lũ lụt lịch sử, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế địa phương. Nguồn vốn bố trí cho dự án có lúc không đủ, không được giải ngân đúng hẹn.
Trước tình thế cấp bách, 2 tỉnh đã quyết định đưa vấn đề nguồn vốn xây dựng cầu Cửa Hội vào một trong những nội dung bàn thảo trong kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh, thống nhất ưu tiên ứng vốn trung hạn, quyết không để dự án bị nghẽn vốn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông giữa 2 bờ sông Lam, giảm tải số lượng phương tiện lưu thông trên tuyến QL1, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực Bắc Trung bộ; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu đầu tư thêm một số cầu nối đôi bờ sông Lam
Sáng 14/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thông xe cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Dự án chính thức được khởi công ngày 15/2/2019, có tổng vốn đầu tư 950 tỷ đồng (trong đó vốn Trái phiếu Chính phủ là 450 tỷ đồng, phần còn lại là 2 tỉnh đóng góp). Hiện tại, chỉ còn 1,1km đoạn đường dân phía Hà Tĩnh đang phải tiếp tục thực hiện công tác gia tải chờ lún, dự kiến sẽ thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 5/2021.
Cùng với cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2, cầu Cửa Hội là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Lam nối liền hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Cầu gồm 3 nhịp với 2 tháp dây văng hình búp sen. Chiều rộng phần cầu chính là 18,5 m và phần cầu dẫn là 16m.
Đánh giá rất cao những đóng góp của địa phương và các đơn vị thi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Cầu Cửa Hội là cây cầu đặc biệt, được thi công bằng công nghệ EXTRADOSED - kết hợp giữa đúc hẫng cân bằng và dây văng, với nhịp 153m, dài nhất Việt Nam hiện nay. Đến nay sau gần 24 tháng thi công, công trình đã cơ bản hoàn thành đủ điều kiện thông xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân”.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm một số cây cầu nối đôi bờ Sông Lam để tạo điều kiện phát triển đột phá cho vực này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận