Lần đầu tiên, bảng xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam được công bố năm 2023.
Hậu trường xây dựng bộ chỉ số này được hé mở trong cuộc trò chuyện giữa Báo Giao thông và ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Thôi thúc từ nỗi lo của nhà quản lý
Điều gì thôi thúc cơ quan quản lý có ý tưởng xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam, thưa ông?
Tất cả xuất phát từ khó khăn của báo chí. Sau dịch Covid-19, báo chí mất nguồn thu quảng cáo. Doanh nghiệp sụt giảm doanh thu nên cắt giảm ngân sách truyền thông.
Trong khi đó, thương mại xuyên biên giới cạnh tranh khốc liệt, thuật toán quảng cáo trên các nền tảng đã điều hướng theo cá thể hóa.
Các doanh nghiệp dù cắt chi phí quảng cáo trên báo chí nhưng vẫn dành ngân sách cho mạng xã hội. Trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội chiếm thị phần lớn, nhiệm vụ truyền thông chính sách qua báo chí không còn hiệu quả. Lý do người dân muốn đọc trên mạng nhiều hơn.
Mấu chốt ở đây ở chỗ báo chí chưa chuyển đổi số kịp, không thích ứng kịp. Đó chính là nỗi lo của người quản lý.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những cơ chế chính sách, xây dựng rào cản kỹ thuật để điều hướng quảng cáo chạy về trong nước, hoàn thiện thể chế về kinh tế để báo chí có nguồn thu hơn. Nhưng bài toán quan trọng là chuyển đổi số.
Nhìn ra thế giới, các tờ báo lớn cũng phải loay hoay với chuyển đổi số, có những tờ báo lịch sử 100 năm nhưng về sau phải ngậm ngùi đóng cửa. Nhưng cũng có không ít tờ báo chuyển biến nhanh và phát triển tốt như tờ ABC của Tây Ban Nha hay một số tờ báo của Mỹ, châu Âu.
Riêng tờ ABC, một trong những tờ ở tốp đầu về chuyển đổi số, đã có các chỉ số đo lường trong nội bộ và tham khảo đánh giá của chuyên gia để thấy mình đang ở giai đoạn nào trong công cuộc chuyển đổi.
Từ đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng: Tại sao không xây dựng một bộ chỉ số của mình để cả cơ quan quản lý và báo chí sẽ nhìn được bức tranh tổng thể về thực trạng chuyển đổi số.
Giúp cơ quan báo chí biết mình đang ở đâu
Bộ chỉ số này giúp ích gì cho các cơ quan báo chí, thưa ông?
Các cơ quan báo chí sẽ biết được họ đang chuyển đổi số ở mức nào, làm tốt cái gì, chưa làm tốt điều gì, vướng mắc ở đâu để tự soi lại mình. Đơn vị nào tốt thì nhân rộng để mọi người học tập.
Mục tiêu là nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số báo chí nhanh hơn, đi đúng hướng hơn, thu hút quan tâm của cơ quan chủ quản có kế hoạch chiến lược đầu tư cho chuyển đổi số báo chí.
Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của chính người đứng đầu cơ quan báo chí. Họ phải thay đổi tư duy, thích ứng và dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số.
Tại sao Bộ Thông tin và Truyền thông lại chọn thời điểm 2023 để đưa ra bộ chỉ số?
Thời điểm ban hành bộ chỉ số cũng là thời điểm chín muồi. Đã có nhiều tờ báo tự thân vận động để chuyển đổi số, thích ứng song vẫn có những khó khăn, vướng mắc. Một số cơ quan báo chí có tư duy mới nhưng vẫn còn nhiều cơ quan lúng túng.
Thị trường phần mềm, công nghệ của Việt Nam chưa rõ nét để cơ quan báo chí biết được nên dùng phần mềm nào cho nhiệm vụ gì, chuyển đổi số trong một cơ quan báo chí là phải làm gì, quy trình ra sao…
Dung hòa những ý kiến trái chiều
Lần đầu tiên xây dựng bộ chỉ số này, chắc hẳn khó khăn không ít?
Chúng tôi phải khảo sát rất nhiều cơ quan từ các đơn vị đi đầu về chuyển đổi số có lượng tương tác rất lớn, ứng dụng công nghệ lâu năm để xem họ đã làm như thế nào, ứng dụng công nghệ, đo lường tương tác ra sao, cho đến những tờ báo nhỏ để thấy họ đang vướng gì.
Cục Báo chí đang lấy ý kiến đóng góp cập nhật, bổ sung bộ tiêu chí chuyển đổi số. Năm nay, sự quan tâm của các cơ quan báo chí, các chuyên gia nhiều hơn năm trước. Có ý kiến đề nghị chia nhóm các tờ báo, tạp chí để xếp hạng. Cũng có ý kiến từ các chuyên gia cho rằng cần hướng tới sự tự động hóa, chỉ cần nhập đủ số liệu sẽ ra kết quả xếp hạng. Nhờ vậy các tòa soạn sẽ chủ động biết được mình đang ở vị trí nào trong quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện bộ tiêu chí sát hơn nữa với thực tế tại Việt Nam.
Phó cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo
Bên cạnh rất nhiều cơ quan báo chí tự đổi mới, có không ít đơn vị quan niệm chuyển đổi số chỉ là mua máy móc hiện đại, làm trường quay rồi đưa lên nền tảng mạng xã hội.
Cái khó đầu tiên là xác định các tiêu chí chuyển đổi số. Công nghệ để rà quét thông tin, để nhìn thấy xu hướng thì có, dễ thấy. Nhưng để có bộ tiêu chí đánh giá một tờ báo lại khác, nó khó như đánh giá một con người.
Chúng tôi cũng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến nhiều cơ quan báo chí lớn, các chuyên gia về công nghệ, phối hợp với các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông như: Cổng chuyển đổi số, Cục An toàn thông tin, Cục phát thanh và truyền hình...
Nguồn lực của mỗi tờ báo khác nhau, không phải ai cũng có điều kiện để đầu tư mạnh về công nghệ nên có lẽ cũng có không ít ý kiến trái chiều?
Đúng vậy, vì mỗi tờ báo có điều kiện khác nhau. Báo ở địa phương khác so với báo ở Trung ương, báo được đầu tư ít khác báo được đầu tư nhiều. Chưa kể, có những quan điểm như "chẳng cần chuyển đổi số, tôi vẫn đang làm tốt".
Vì vậy, chúng tôi suy nghĩ làm sao để đưa ra bộ tiêu chí chung nhất, cơ bản nhất. Nếu muốn chuyển đổi số, một tờ báo phải đảm bảo các tiêu chí đó.
Chẳng hạn như nhận thức của lãnh đạo thể hiện qua chiến lược, kế hoạch chuyển đổi. Kế hoạch này không phải dự án để xin kinh phí mà là hoạch định, vạch ra con đường để đi trong những năm tiếp theo, xác định mình đang yếu, vướng gì để sửa đổi.
Khi đảm bảo những phần cơ bản, nếu cơ quan báo chí nào có điều kiện thì đầu tư mạnh hơn, sâu hơn.
Sau khi tổng hợp ý kiến, giải thích, đưa ra những cái chung nhất, chúng tôi đã xây dựng nên 5 trụ cột của chuyển đổi số với 42 tiêu chí. Đó là những yếu tố sát sườn nhất, những cái chung mà cơ quan nào cũng phải thực hiện.
Khái niệm "chuyển đổi số" ngày càng gần gũi
Khi đưa ra bộ tiêu chí này, làm sao để đo đạc, đánh giá chính xác, thưa ông?
Với nguồn lực của cơ quan Nhà nước thì không đủ kinh phí để xây dựng một hệ thống phần mềm đo trực tuyến. Nếu đợi ngân sách sẽ rất lâu nên giải pháp đưa ra là xã hội hóa.
Chúng tôi cũng phải gặp, làm việc và thuyết phục một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nếu doanh nghiệp và báo chí cùng phối hợp sẽ rất tốt. Báo chí phát triển thì doanh nghiệp công nghệ cũng hưởng lợi.
Dù chi phí trả cho họ không nhiều, chỉ đủ duy trì hoạt động, nhưng điều họ thấy được là từ đây có thể nâng cao nhận thức cho báo chí về chuyển đổi số. Một số đơn vị sẵn sàng giúp thực hiện cổng Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí và các biểu đồ. Sau này, các cơ quan báo chí có thể lên cổng để nhập dữ liệu về bộ chỉ số cũng như dữ liệu, bằng chứng để chứng minh, phục vụ khâu thẩm định.
Nhưng không phải cơ quan nào cũng trung thực trong khai thông tin, lúc đó theo ông, việc xử lý như thế nào?
Đó là vấn đề mà chúng tôi phải vắt óc suy nghĩ. Để đưa ra đánh giá toàn diện, chúng tôi không chỉ dựa vào thông tin các báo cung cấp và bằng chứng mà còn phải đánh giá bằng chỉ số phụ do hội đồng chuyên gia bên ngoài thực hiện.
Nếu tờ báo chuyển đổi số tốt, phải có lượng tương tác rất lớn, trải nghiệm nội dung trên đó hay, nguồn thu tốt.
Một số đơn vị khai thông tin rất tốt, chiến lược công phu nhưng mức độ tương tác ở top cuối thì không được. Còn những bên làm tốt, nhiều ý tưởng hay nhưng chưa có chiến lược ban đầu sẽ có thêm cách đánh giá bổ sung - chính là các chuyên gia.
Mặt khác, có những tờ báo không coi trọng việc khai thông tin hoặc khai sai thì kết quả không thể cao.
Thực tế đã có tờ báo phải giật mình khi nhìn kết quả mình ở mức thấp. Đây không chỉ là con số xem để biết, mà nó còn ảnh hưởng tới uy tín của toà soạn, tác động tới mức đầu tư cho tờ báo.
Với khối lượng lớn công việc, toàn những đầu việc mới như vậy, việc hậu trường đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Rất nhiều việc phải làm. Cục Báo chí đã thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Đây là trung tâm mềm, các đơn vị sẽ cử một người tham gia, giúp thúc đẩy, kết nối các nguồn lực, tổ chức sự kiện tập huấn, kết nối để tư vấn.
Chúng tôi đã đề ra cụ thể từng đầu mục công việc, mỗi quý lại đánh giá đã hoàn thành hay chưa.
Kể từ khi lên ý tưởng cho đến khi ra bộ tiêu chí đầu tiên chỉ có khoảng 6 tháng, anh em rất vất vả. Sau khi có bộ chỉ số rồi, phải tập huấn vì không phải ai cũng biết cách khai thế nào.
Ngay cả kinh phí để tổ chức tập huấn cũng phải có sự hỗ trợ từ xã hội hóa mới có thể thực hiện nhanh. Qua quá trình tập huấn, báo chí cũng hiểu hơn và cụm từ "chuyển đổi số" không còn là xa vời.
Sẽ công bố bộ cẩm nang chuyển đổi số báo chí
Sau một năm công bố bộ chỉ số, cái "được" lớn nhất là gì, thưa ông?
Cái được lớn nhất là nhận thức của lãnh đạo cơ quan báo chí, chủ quản cơ quan báo chí và xã hội.
Trong Hội báo toàn quốc vừa qua, lãnh đạo cơ quan chủ quản của một tờ báo đã hỏi tôi tờ báo của họ xếp ở đâu, nhìn ra mới thấy xếp ở top yếu. Nhận thấy điều đó, cơ quan chủ quản sẽ sát sao hơn, đốc thúc tờ báo xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để giao nhiệm vụ và cấp kinh phí cho họ chuyển đổi số.
Đến thời điểm này, chưa có cơ quan nào phản ứng, khiếu nại vì kết quả không chính xác.
Sau bộ chỉ số, ông còn ấp ủ ý tưởng gì với chuyển đổi số báo chí?
Vì bộ chỉ số năm 2023 vừa qua là lần đầu thực hiện nên có thể vẫn chưa bao quát hết, vẫn còn một số cơ quan chưa tham gia đầy đủ.
Chúng tôi cần bổ sung, điều chỉnh thêm, phân nhóm các cơ quan tương đồng. Chúng tôi đang lấy ý kiến các cơ quan báo chí để điều chỉnh cho sát hơn.
Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ công bố bộ cẩm nang chuyển đổi số cho báo chí, trong đó có đầy đủ các danh mục công nghệ, phần mềm chung nhất để hỗ trợ báo chí như phần mềm quản lý hành chính, phần mềm chỉnh sửa hình ảnh..., quy trình và mô hình của một tòa soạn chuyển đổi số.
Xa hơn, tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều khóa tập huấn báo chí, kết nối để báo chí học hỏi các tòa soạn ở nước ngoài, tìm hiểu thị trường công nghệ, phần mềm trên thế giới và đưa về nước, chỉnh sửa cho phù hợp với nhu cầu của chính chúng ta.
Cảm ơn ông!
Theo Bộ chỉ số, tổng điểm đánh giá đạt tối đa là 100 điểm, trong đó thang điểm tối đa của các trụ cột là: (1) Chiến lược: 18 điểm; (2) Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; (3) Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; (4) Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm và (5) Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm.
Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức: Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình và Yếu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận