Công ty Cổ phần Phát triển tổng hợp Hưng Thịnh Phát (Hưng Thịnh Phát) vừa huy động thành công 2.888 tỷ đồng thông qua kênh phiếu trái phiếu.
Ngày phát hành lô trái phiếu HTPCH2327001 là 31/12/2023 và ngày hoàn tất là 6/3/2024. Số trái phiếu trên có kỳ hạn 4 năm, với lãi suất 12%/năm.
Tiền "đổ" về hệ sinh thái Danh Khôi
Theo tìm hiểu, Hưng Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, được thành lập vào tháng 10/2021, trụ sở tại số 119 Trương Văn Bang, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 30 tỷ đồng với 2 cổ đông: Ông Lâm Kỳ Diệu (góp 70%) và ông Nguyễn Văn Ngọc (góp 30%). Thời điểm đó, ông Diệu là Chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đến tháng 11/2022, ông Nguyễn Văn Ngọc đã sang tay 30% vốn Hưng Thịnh Phát cho bà Nguyễn Thị Lệ Thủy.
Tháng 12/2023, doanh nghiệp tăng vốn lên 940 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Lâm Kỳ Diệu (góp 2,23%), bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (góp 0,96%), ông Nguyễn Đình Ngọc (góp 45,74%), ông Lê Khởi (góp 4,26%) và bà Nguyễn Thị Anh Thư (góp 46,81%).
Tại thay đổi gần nhất vào tháng 1/2024, Hưng Thịnh Phát tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Cổ đông Nguyễn Đình Ngọc là người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc công ty.
Đáng chú ý, cả hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Đình Ngọc (góp 45,74%) và bà Nguyễn Thị Anh Thư (góp 46,81%) đều liên quan đến Tập đoàn Danh Khôi.
Bên cạnh Hưng Thịnh Phát, ông Ngọc hiện đứng tên và là cổ đông sáng lập góp 96,9% vốn tại Bất động sản ADK. Pháp nhân này cũng được Danh Khôi Holdings góp 3% vốn với sự hiện diện của ông Nguyễn Huy Cường (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi) trong HĐQT.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Anh Thư - cổ đông góp 46,81% vốn Hưng Thịnh Phát đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật tại Bất động sản GDK.
Doanh nghiệp này thành lập vào cuối năm 2020 với vốn điều lệ ban đầu 310 tỷ đồng, trong đó Danh Khôi Holdings góp 3% và bà Nguyễn Thị Anh Thư góp 97%. Sau đó 5 ngày, GDK tăng vốn lên 340 tỷ đồng, cơ cấu cổ động vẫn giữ nguyên.
Tại báo cáo tài chính mới nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (NRC) nêu rõ việc Bất động sản GDK và Bất động sản ADK đều là hai doanh nghiệp có cùng thành viên quản lý chủ chốt với tập đoàn này.
Kinh doanh gặp khó
Trong giai đoạn 2021-2022, nhóm Danh Khôi cũng từng huy động 360 tỷ đồng thông qua NRC và 600 tỷ đồng qua Công ty Cổ phần Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (Cotec Asia).
Tính đến cuối 2023, dư nợ trái phiếu của NRC còn hơn 265 tỷ đồng. Đối với Cotec Asia, vào năm ngoái, doanh nghiệp đã chuyển ngày đáo hạn lô trái phiếu 600 tỷ động từ 31/3/2023 sang ngày 31/3/2024. Đồng thời, lãi suất cố định thay đổi từ 11%/năm sang 12,6%/năm.
Được biết, Cotec Asia phải thanh toán 600 tỷ đồng tiền gốc, nhưng do chưa thu xếp được đủ nguồn thanh toán nên công ty mới trả được 133,4 tỷ đồng. Số tiền chưa trả được là gần 467 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh năm 2023, Tập đoàn Danh Khôi chỉ ghi nhận doanh thu thuần 4,63 tỷ đồng, giảm 97%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính khiêm tốn hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính ở mức 55,21 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Dù vậy, nhờ khoản tiền 83 tỷ đồng thu nhập từ bồi thường hợp đồng và tiết giảm các chi phí khác, Danh Khôi có thêm lợi nhuận khác lên tới 79 tỷ đồng, qua đó báo lãi trước thuế 39,7 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế, lợi nhuận cả năm 2023 chỉ ở mức hơn 12,25 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Danh Khôi đạt 2.083 tỷ đồng giảm 8,5% so với đầu năm, vốn chủ sở hữu là 1.294 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận