Theo CNN, tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu với công các mẫu máy bay chiến đấu tàng hình, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cùng các thiết bị không người lái được đánh giá có thể cạnh tranh với Mỹ về mức độ hiện đại và phức tạp. Dưới đây là một số mẫu phương tiện điển hình:
Chiến đấu cơ tàng hình J35-A
Sau hơn một thập kỷ phát triển, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới J-35A đã chính thức ra mắt. Đây là mẫu chiến đấu cơ tàng hình được đánh giá là có năng lực tương đương với các mẫu tương tự của Mỹ.
Được biết, J-35A là mẫu chiến đấu cơ tàng hình thứ 2 sau chiếc J-20 được đưa vào biên chế quân đội Trung Quốc từ năm 2017. Sự ra đời của J-35A đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 2 sau Mỹ sở hữu cùng lúc 2 dòng máy bay chiến đấu tàng hình.
Giới quan sát nhận định có nhiều điểm tương đồng giữa J-35A và F-35 của Mỹ. Song, trong khi F-35 chỉ được trang bị một động cơ phản lực, J-35A lại có tới 2 động cơ. Ngoài ra, J-35A còn có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 30 tấn.
Ông Song Xinzhi, chuyên gia quân sự Trung Quốc, ca ngợi J-35A là bước đột phá trong dòng máy bay chiến đấu tàng hình cỡ trung thế hệ mới của Trung Quốc.
Theo ông Xinzhi, J-35A là biến thể dành cho lực lượng Không quân của Trung Quốc bên cạnh 2 biến thể dành cho Hải quân sẽ sớm được công bố.
Trong khi đó, ông Wei Dongxu, nhà bình luận quân sự Trung Quốc đánh giá, một trong những tính năng nổi bật của J-35A là khả năng cơ động mạnh mẽ.
“J-35A không chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trên không mà còn có khả năng tấn công chính xác vào mục tiêu trên bộ, trên biển nhờ khả năng mang theo nhiều loại vũ khí dẫn đường hiện đại, bao gồm tên lửa hành trình”, ông Dongxu giải thích.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo HQ-19
Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không thế hệ mới HQ-19 thường được giới chuyên gia quân sự so sánh với Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
HQ-19 được trang bị 6 tên lửa đánh chặn có thể gắn trên bệ phóng di động sử dụng cơ chế "phóng nguội" - kỹ thuật dùng khí nén đẩy tên lửa đến một độ cao nhất định, sau đó động cơ chính của tên lửa mới hoạt động.
Nhờ đó, tên lửa từ HQ-19 có thể phóng đi nhanh hơn giúp đánh chặn mục tiêu hiệu quả hơn.
Dù Trung Quốc không công bố thông số kỹ thuật của HQ-19, nhưng trong báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về Trung Quốc năm 2020, HQ-19 đã được thử nghiệm đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo với tầm hoạt động 3.000km.
Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho hay, HQ-19 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài không gian, qua đó mở rộng đáng kể phạm vi đánh chặn của các hệ thống trước đây như HQ-9.
Một tính năng đặc biệt khác của HQ-19 chính là khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh có quỹ đạo bay cực kỳ phức tạp.
Theo Đại tá Du Wenlong, hiện đang công tác tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, những loại vũ khí siêu thanh thường rất khó bắn hạ hoặc đánh chặn vì có quỹ đạo bay không xác định.
“Dù vậy, hệ thống radar của chúng tôi có thể theo dõi những quỹ đạo bay phức tạp đó và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu. Nhiều quốc gia tìm cách tấn công vào đầu đạn của vũ khí siêu thanh bằng cách phóng loạt tên lửa với hy vọng một trong số vũ khí đó có thể bay trúng mục tiêu. Song nhờ sự kết hợp của HQ-19 và hệ thống radar, chúng tôi có thể giải quyết vấn đề này chỉ với một quả tên lửa duy nhất”, Đại tá Wenlong nói thêm.
Máy bay không người lái siêu lớn Jetank
Jetank là mẫu máy bay không người lái có kích cỡ siêu lớn của Trung Quốc có khả năng vận chuyển 6 tấn vũ khí, trang thiết bị quân sự.
Loại máy bay không người lái này có sải cánh lên đến 25m đồng thời có trọng lượng cất cánh tối đa lên đến 16 tấn. Đây cũng là vũ khí lớn nhất trong các dòng máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc.
Được biết, Jetank có thể đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát và tấn công mục tiêu, được trang bị giá treo bên ngoài có thể gắn được 8 loại tên lửa hoặc bom. Ngoài ra, Jetank còn có thể sử dụng để phóng đi nhiều máy bay không người lái cỡ nhỏ.
“Jetank hiện thực hóa ý tưởng về một tàu sân bay trên bầu trời cho phép cùng lúc phóng đi loạt máy bay không người lái từ trên không”, chuyên gia quân sự Trung Quốc Du Wenlong cho biết.
Tàu tấn công không người lái tàng hình “Cá voi sát thủ”
“Cá voi sát thủ” JARI-USV-A là mẫu tàu tấn công không người lái tàng hình tốc độ cao có trọng lượng 500 tấn có khả năng kháng radar đối phương. Tàu có cấu trúc 3 thân song song giúp hoạt động ổn định ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Với kích thước dài 58m, rộng 23m và sâu 4m, JARI-USV-A có thể đạt tới vận tốc tối đa 40 hải lý/h trong tầm hoạt động 4.000 hải lý cho phép tàu có thể tham gia vào nhiều hoạt động quân sự kéo dài mà không cần tiếp nhiên liệu.
“JARI-USV-A được coi là pháo đài di động trên biển có thể đảm đương nhiệm vụ phòng không, phòng thủ tên lửa, tìm kiếm và tấn công tàu ngầm, tuần tra, canh gác cứ điểm, cảng biển, đảo và tuyến đường thủy mang tính chiến lược”, tờ China Military Online thông tin.
“Cá voi sát thủ” JARI-USV-A được trang bị 4 radar mảng pha chủ động, một hệ thống phóng thẳng đứng có thể sử dụng cho các loại rocket, tên lửa diệt hạm, tên lửa phòng không và vũ khí điều khiển từ xa.
Ngoài ra, JARI-USV-A cũng có bãi đáp và hạ cánh dành cho trực thăng không người lái và một trạm nối ngầm cho phép phóng thiết bị và cảm biến ngầm để phát hiện tàu ngầm của đối phương.
Tên lửa không đối không tầm xa PL-15E
Tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, mẫu tên lửa không đối không tầm xa PL-15E được giới thiệu bên cạnh mẫu máy bay chiến đấu tàng hình J35-A.
PL-15E được đánh giá là loại tên lửa không đối không tầm xa tốt nhất của Trung Quốc với tầm hoạt động khoảng 200km cùng vận tốc Mach 5 (tương đương hơn 6.000km/h), theo thông số do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cung cấp.
Mẫu tên lửa này của Trung Quốc thường được so sánh với mẫu Tên lửa Không đối không Tầm trung Tiên tiến AIM-120 của Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận