Rút kinh nghiệm từ cuộc xung đột Nga - Ukraine
Hãng tin Reuters dẫn lời một CEO ngành sản xuất tên lửa của Mỹ cho biết, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến Mỹ hướng đến một triết lý mới là sản xuất và sở hữu một số lượng lớn vũ khí sẵn có với giá thành phải chăng.
"Đây là cách đối phó tự nhiên trước những gì Trung Quốc đang làm", ông Euan Graham, nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia nhận định trong khi đề cập đến số lượng lớn tàu chiến và tên lửa đạn đạo truyền thống của Trung Quốc được thiết kế để tấn công các tàu đối phương.
Hiện Mỹ đang đẩy nhanh quá trình thử nghiệm QUICKSINK, một loại bom rẻ tiền, có thể sản xuất với số lượng lớn và được trang bị bộ dẫn đường bằng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) cùng thiết bị tìm kiếm và theo dõi mục tiêu chuyển động.
Tháng trước, Không quân Mỹ đã triển khai máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 để thử nghiệm QUICKSINK tấn công một tàu mục tiêu ở Vịnh Mexico.
Các chuyên gia nhận định, hiện tại Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn so với Mỹ về số lượng tên lửa diệt hạm và có thể triển khai trên khắp lãnh thổ. Song, bằng việc tăng cường sản xuất QUICKSINK, quân đội Mỹ có thể lấp dần khoảng cách chênh lệch, đặt 370 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc vào tầm ngắm.
Nhờ đó, Mỹ có thể giảm thiểu nguy cơ thất thế trong các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai so với trước khi Trung Quốc hướng tới quá trình hiện đại hóa quân đội kể từ những năm 90 của thế kỷ trước.
QUICKSINK hiện đang trong quá trình phát triển được Boeing chế tạo và được trang bị hệ thống săn tìm mục tiêu của tập đoàn BAE Systems. Đây là loại vũ khí có thể sử dụng với hàng trăm nghìn hệ thống phụ kiện gắn kèm theo Bom Tấn công Trực diện Phối hợp (JDAM) có thể thả từ các máy bay chiến đấu của Mỹ và đồng minh qua đó biến những quả bom truyền thống nặng 900kg thành bom dẫn đường.
Theo một quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương muốn sở hữu hàng nghìn quả bom QUICKSINK và trong nhiều năm qua đã đạt được mục tiêu này.
Với số lượng lớn bom QUICKSINK dội về phía đối phương, hệ thống phòng thủ trên các tàu chiến Trung Quốc sẽ dễ dàng bị choáng ngợp và khó có thể chống đỡ. Một kịch bản dễ hình dung là quân đội Mỹ có thể phóng tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) phá hoại hệ thống radar trên tàu chiến Trung Quốc sau đó tiến hành dội bom chiếc tàu chiến đó bằng những loại vũ khí rẻ tiền như QUICKSINK.
Chủng loại vũ khí diệt hạm đa dạng
Cho đến nay, Mỹ đã điều số lượng lớn các loại vũ khí diệt hạm khác nhau tại châu Á. Hồi tháng 4, Lục quân Mỹ đã triển khai hệ thống phóng tên lửa di động tầm trung Typhon mới nhất, được phát triển với giá rẻ từ các bộ phận có sẵn đồng thời có thể phóng cả tên lửa LRASM và Tomahawk vào các mục tiêu trên biển.
Ưu điểm của loại vũ khí này là dễ dàng chế tạo, tích trữ và lấy từ trong kho với số lượng lớn. Thiết kế không thay đổi trong khoảng 10 năm và đặc biệt có thể giúp Mỹ và đồng minh bắt kịp cuộc chạy đua tên lửa ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nơi Trung Quốc đang dẫn trước khá xa.
Dù quân đội Mỹ từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhưng theo tài liệu của Chính phủ Mỹ liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị quân sự, có khoảng hơn 800 quả tên lửa LRASM sẽ được mua trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, Mỹ đã tích trữ sẵn trong kho vũ khí vài nghìn quả tên lửa Tomahawk và hàng trăm nghìn bom JDAM.
"Chiến lược của Trung Quốc là nhằm hạn chế sự di chuyển của lực lượng Hải quân Mỹ tại Tây Thái Bình Dương và Chuỗi đảo đầu tiên - vốn là những nơi gây khó khăn cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN)", ông Graham nhận định. Chuỗi đảo đầu tiên mà vị chuyên gia này đề cập ám chỉ những quần đảo lớn nằm gần nhất với Trung Quốc tại khu vực Đông Á.
Việc đặt những loại vũ khí diệt hạm của Mỹ ở những địa điểm như Philippines sẽ khiến tầm hoạt động của chúng phủ rộng trên khắp khu vực Biển Đông nơi Trung Quốc ngang nhiên ra yêu sách chủ quyền với 90% lãnh hải bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.
"Đó chính là cách để cân bằng cuộc chơi", ông Collin Koh, học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore nhận định.
Ông Koh viện dẫn việc lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã sử dụng các loại vũ khí diệt hạm công nghệ cũ để tiêu diệt các tàu hàng đi qua biển Hồng Hải buộc Mỹ và các nước khác phải triển khai vũ khí đắt tiền hơn để bảo vệ.
"Nếu nhìn vào khu vực biển Hồng Hải, rõ ràng là cán cân chi phí đang không nghiêng về bên phải phòng thủ. Ngay cả khi bạn chỉ có một kho vũ khí gồm các loại tên lửa tấn công, bạn vẫn có thể tạo ra sự răn đe nhất định", ông Koh giải thích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận