Mái taluy dương tại Km104+150 - Km104+250 bị sạt lở |
Nhà thầu đang khắc phục hư hỏng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (doanh nghiệp dự án) cho biết, phía mái taluy âm bên trái đoạn tuyến Km103+200-Km103+270 xuất hiện tình trạng võng, lún lề đường và hộ lan tôn lượn sóng, mặt đường bị nứt theo hình vòng cung. Vết nứt chỗ rộng nhất khoảng 8cm cách tim đường chỗ gần nhất khoảng 3m và đang có chiều hướng tiếp tục phát triển.
“Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ chúng tôi nhận thấy khả năng do nước xuất hiện sau tường chắn làm cho đất đắp nền đường bị suy giảm cường độ, tác dụng lên tường chắn chân taluy đắp nền đường, khiến tường chắn bị chuyển vị, hỏng mối nối ống cống tại vị trí cống chui qua tường chắn. Vật liệu dạng hạt đắp sau lưng tường chắn và đất đắp nền đường chảy xuống lòng cống qua mối nối bị hư hỏng, nền đắp bị thất thoát vật liệu gây nên lún sụt, mặt đường bê tông nhựa bị nứt dạng hình vòng cung”, ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, nhà thầu đã bố trí biển báo, đèn cảnh báo đoạn đường bị hư hỏng, thiết bị dẫn hướng cho các phương tiện qua đoạn tuyến trên và cử người thường trực tại hiện trường để điều tiết, đảm bảo ATGT, tránh ách tắc giao thông trên tuyến.
“Đối với vết nứt trên mặt đường tại phạm vi cống, chúng tôi đã chỉ đạo nhà thầu xử lý bịt các khe nứt bằng vật liệu vữa xi măng và đá dăm cấp phối sau khi vữa xi măng đảm bảo cường độ. Đồng thời, tiến hành thi công lại bê tông nhựa mặt đường phạm vi đã bị sụt lún, cắm biển đoạn đường đang theo dõi lún và tiếp tục theo dõi sát diễn biến của nền mặt đường”, ông Đức nói và cho biết thêm, với mối nối cống bị hỏng, nhà thầu sẽ làm lại để không làm thoát vật liệu đắp nền ra ngoài.
Đề cập đến phương án xử lý lâu dài, ông Đức cho biết, do điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn khu vực phức tạp, cần phải đánh giá đúng nguyên nhân mới có giải pháp xử lý phù hợp. Nhà đầu tư đang yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương lập đề cương nhiệm vụ khảo sát xác định nguyên nhân gây hư hỏng và đưa ra phương án xử lý.
Hiện trên tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới còn xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy. Cụ thể, mái taluy dương tại Km104+150-Km104+250 (phải tuyến) xuất hiện vết nứt dọc theo rãnh đỉnh từ mái 3 lên đến đỉnh mái taluy đang phát triển, bề rộng vết nứt có chỗ rộng 40cm, bong bật tấm bê tông xi măng và sạt lở xuống chân taluy.
“Đánh giá sơ bộ, hiện tượng sụt trượt mái dốc khả năng là do nước ngầm, ảnh hưởng của các trận mưa bão lớn nhiều ngày làm ngấm nước vào mái taluy dương và tầng địa chất không ổn định gây ra nứt dọc”, ông Đức chia sẻ.
Trước mắt, doanh nghiệp dự án yêu cầu nhà thầu sử dụng bạt che mưa trải toàn bộ bề mặt hệ thống rãnh và phủ toàn bộ bề mặt nền đất tự nhiên từ rãnh đỉnh đến đỉnh mái taluy dương, các vị trí vết nứt dọc để cắt toàn bộ nước mặt hạn chế tối đa nước mặt ngấm xuống nền đất; sửa chữa lại toàn bộ tấm bê tông xi măng, khung bê tông, rãnh hộ đạo bị bong bật, hư hỏng; cắm biển cảnh báo vị trí có khả năng sạt lở, đá rơi; cử người thường trực tại hiện trường để điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông, trách ách tắc giao thông trên tuyến…
Rà soát miễn giảm cho dân gần trạm trước khi thu giá
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 có nhiều tồn tại, khiếm khuyết, trong đó, quyết định duyệt ghép việc cải tạo QL3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới để đặt trạm thu phí ở hai nơi là không hợp lý, theo thông tin của PV Báo Giao thông nắm được, trước khi Bộ GTVT phê duyệt quyết định dự án đầu tư, ngày 7/7/2014, Bộ Tài chính có Văn bản 9086 gửi Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 theo hình thức BOT.
Trong văn bản do Thứ trưởng Trần Văn Hiếu ký nêu rõ: “Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT theo quy định tại Nghị định 108/2009 ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT. Do vậy, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT”.
Dự án vẫn đang thử nghiệm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (phát vé, không thu tiền) |
Trước đó, ngày 27/5/2014, trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, để đảm bảo sớm triển khai dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất với chủ trương của Bộ GTVT về đầu tư xây dựng QL3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) theo hình thức BOT”.
Về trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: “UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đặt một trạm thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm trên QL3 cũ”.
Thống nhất đầu tư dự án bằng hình thức BOT, trong Văn bản 1696 ngày 2/6/2014, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng khẳng định: “Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn nhất trí chủ trương bố trí hai trạm thu phí, một trên tuyến QL3 mới và một trạm trên tuyến QL3 cũ (đoạn Tân Long - Bờ Đậu) để thu phí hoàn vốn cho dự án”.
Trên cơ sở thống nhất của chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan và ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/8/2014, Bộ GTVT ban hành Quyết định 3002 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 2.746 tỷ đồng. Dự án sử dụng hai trạm thu phí (trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và trên QL3 đoạn Km75 - Km82) để thu phí hoàn vốn.
Tiếp đó, ngày 26/10/2015, Bộ Tài chính có Văn bản 15300 do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải ký gửi Bộ GTVT về việc đặt trạm thu phí dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, cải tạo QL3.
Trong văn bản, Bộ Tài chính nêu rõ: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, để đảm bảo phương án tài chính, việc sử dụng 2 trạm thu phí, một trạm trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm trên QL3 để hoàn vốn cho dự án là phù hợp”. Đến ngày 28/10/2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ký ban hành Thông tư 175 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km72+930 trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm thu phí tại Km 78+080 QL3.
Đi QL 3 Thái Nguyên - Chợ Mới chưa phải trả tiền
Chia sẻ thêm với Báo Giao thông, ông Đức cho biết, theo phương án tài chính, dự án sẽ tiến hành thu phí chính thức từ đầu năm 2017, nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn đang thu phí thử nghiệm (phát vé, không thu tiền).
“Hiện tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng xung quanh trạm thu giá thuộc diện miễn, giảm. Sau khi có quyết định của Bộ GTVT, dự án mới chính thức được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, ông Đức nói và cho biết, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng nhà đầu tư phải bỏ ra 16 tỷ đồng để chi trả lãi vay ngân hàng cho dự án. Đây là rủi ro không thể lường trước của các dự án BOT và chúng tôi đang phải chịu nhiều thiệt hại.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, cải tạo QL3 đoạn Km75 - Km100 thực hiện bằng hình thức BOT do liên danh CIENCO4 - Công ty CPĐT Xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CPĐT Xây dựng và thương mại Trường Lộc Việt Nam làm nhà đầu tư. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận