Đầu tháng 1/2016, Cục Hàng không VN đã tổ chức Lễ truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT cho ông Nguyễn Đức Việt (Trong ảnh: Lãnh đạo Cục Hàng không VN chụp ảnh lưu niệm cùng bà Nguyễn Việt Hoa (áo trắng) con gái ông Nguyễn Đức Việt) |
Phi công Verner Schultze là một hàng binh người Đức, người sau này đã có những cống hiến to lớn cho ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Ông cùng 5 lính Pháp khác trốn theo Việt Minh đã được Bác Hồ đặt tên lần lượt là: Việt, Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hòa.
Hàng binh người Đức và tình yêu lớn với Việt Nam
“Khoảng 5h chiều ngày 14/5/1949, người dân sống hai bên bờ sông Gâm, thôn Soi Đúng, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vô cùng hoảng sợ khi nghe tiếng động cơ máy bay và trông thấy một chiếc máy bay cánh bằng, bay rất thấp. Tưởng máy bay của Pháp, mọi người chạy tán loạn. Trẻ con khóc thét tìm chỗ lẩn tránh. Máy bay dường như định hạ cánh xuống một bãi ngô ven bờ sông, nhưng lại chao đảo sà sát mép nước và rơi ầm xuống sông Gâm. Viên phi công lóp ngóp từ trong khoang lái chui ra và hỗ trợ để thợ máy bị thương nhẹ có thể thoát ra được. Lái chiếc máy bay đó là Nguyễn Đức Việt - người được Ban Nghiên cứu Không quân giao thực hiện bay thử chiếc máy bay Tiger Morth”, ông Hà Đổng, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Không quân, Tổ chức tiền thân của ngành Hàng không dân dụng VN, nhớ lại.
Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (15/1/1956 - 15/1/2016), Bộ trưởng Bộ GTVT đã truy tặng cựu phi công Nguyễn Đức Việt Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam. |
Chắc hẳn ít người biết, viên phi công tên Nguyễn Đức Việt ấy lại là một hàng binh người Đức, tên thật là Verner Schultze.
Thời thanh niên, Verner Schultze học nghề trung cấp dệt, rồi học lái máy bay liên lạc cho Quân đội Đức. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Verner Schultze bị Mỹ bắt làm tù binh và Mỹ giao lại cho Pháp. Verner Schultze phải chọn một trong hai con đường: Hoặc là bị cầm tù, hoặc là vào lính Lê dương của Pháp. Không cách nào khác, Schultze đã phải đồng ý tham gia lính Lê dương. Giữa năm 1946, anh được điều động sang Việt Nam đóng quân trong một đơn vị đồn trú ở Nam Trung bộ. Vốn là người có học thức, phân định rõ chính nghĩa, phi nghĩa nên Verner Schultze luôn có cảm tình với phe Đồng Minh.
Trong đồn, vốn sẵn tư tưởng buồn chán, thấu hiểu được thực chất những gì người Pháp đã làm đối với Việt Nam, lại thường xuyên lấy được truyền đơn của Việt Minh, Schultze nuôi trong lòng ý định phản chiến. Sau khi móc nối được với người của Việt Minh, Schultze vận động được 5 lính Pháp trong đồn ra hàng. Một đêm, cả 6 người tìm cách chuốc rượu cho bọn lính trong đồn say mềm, bỏ cát vào các nòng súng của chúng, rồi trốn theo Việt Minh. 6 hàng binh được Bác Hồ đặt tên lần lượt là: Việt, Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hòa; trong đó Verner Schultze tên là Việt. Sau này anh chọn họ Nguyễn và đổi tên thành Nguyễn Đức Việt - cái tên ngụ ý anh tuy là người Đức nhưng gắn bó với Việt Nam và xem Việt Nam là nơi sinh thứ hai của mình.
Phi công Verner Schultze |
Người thày dạy lái máy bay nghiêm khắc
Nguyễn Đức Việt là người tài hoa. Lúc đầu anh được bố trí làm việc ở bộ phận địch vận thuộc Quân khu 2. Vốn có kiến thức khá sâu về cơ khí, anh được chuyển về Cục Quân giới. Tại đây, anh đã cùng nghiên cứu, phục hồi và chế tạo súng AT có thể bắn được xe tăng.
Ngoài cơ giới, Nguyễn Đức Việt còn là phi công và hiểu khá kỹ về nhiều loại máy bay. Năm 1949, khi Ban Nghiên cứu Không quân được thành lập, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị tổ chức hai lớp huấn luyện phi công. Giáo viên dạy về lái máy bay không ai khác là Nguyễn Đức Việt.
Nguyễn Đức Việt có kiến thức rất sâu rộng về máy bay, đặc biệt ông là người rất nghiêm khắc. Học viên trong lớp sau này vẫn kể lại một “kỷ niệm nhớ đời”: Một hôm khi thầy Đức Việt đang giảng dạy rất say sưa, bỗng phía dưới lớp có tiếng xì xào, tiếng cười khúc khích. Thày ngừng giảng, hỏi lý do tại sao. Học viên Nguyễn Tâm Trinh vội đứng lên thưa bằng tiếng Pháp lẫn tiếng bồi: Monsieur, les singes “khẹc khẹc” (thưa thày mấy con khỉ kêu khẹc khẹc). Hóa ra có mấy con khỉ, thấy vắng người đã leo vào hai chiếc máy bay để trong rừng chơi thỏa thích làm mọi người nhìn thấy mất tập trung nghe giảng.
Thầy Đức Việt nghiêm nét mặt và nói một câu duy nhất: Hãy nhớ, mỗi học viên ngồi đây là đại diện cho hàng triệu người Việt Nam. Cả lớp xấu hổ, nín lặng.
Được biết, những năm sau đó, ông Nguyễn Đức Việt đã dạy thêm nhiều môn học khác liên quan đến hàng không như: Kỹ thuật, vật lý hàng không, lý thuyết phi hành, tổ chức phi trường…
Duyên đẹp với người vợ Tày
Bà Hoàng Thị Thành - một phụ nữ người dân tộc Tày xinh đẹp ở Hà Giang đã kết hôn cùng chàng trai Nguyễn Đức Việt và sinh được hai người con là Nguyễn Việt Hoa và Nguyễn Đức Hồng. Năm 1954, Nguyễn Đức Việt về tham gia trong Đoàn tiếp quản sân bay Gia Lâm. Gia đình ông bà ở nhiều ngày tại ngôi nhà 8 mái nổi tiếng của sân bay Gia Lâm.
Trong ký ức của bà Hoa, người con của cựu phi công Đức Việt luôn ấm tình về người cha. “Cha tôi rất chiều con. Hàng ngày sau giờ làm việc, ông thường cõng tôi trên vai đi bộ từ nhà 8 mái ra phố chơi. Ông nói tiếng Việt rất sõi và cũng “ngấm” thói quen hút thuốc lào của người Việt. Tôi còn nhớ, chiếc điếu ông hút làm bằng ống luồng, to như bắp chân”, bà Hoa nhớ lại.
Được biết, năm 1956, cựu phi công Nguyễn Đức Việt trở về Đức nhưng chưa có điều kiện đem theo vợ và con đi cùng. Một thời gian sau khi về nước, Nguyễn Đức Việt được đề bạt lên chức Giám đốc sân bay Dresden. Tuy có địa vị và cuộc sống đầy đủ, nhưng lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng về người vợ, các con đang ở quê hương thứ hai của mình và tìm cách thu xếp để được đoàn tụ.
Ngày 31/6/1968, ông Nguyễn Đức Việt đã đột ngột qua đời trong chuyến công tác tại Bỉ khi đang giữ chức Thanh tra đường bay quân sự của CHDC Đức. Nguyện vọng tha thiết của ông Nguyễn Đức Việt trở lại Việt Nam dự kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1968 và đón các con sang Đức đã không được hoàn thành.
Nói về con người đặc biệt này, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh khẳng định, ông Nguyễn Đức Việt đã có những cống hiến, hy sinh quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam và Hàng không dân dụng Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận