Bài 1: Những dự án kéo dài cả thập kỷ
Những dự án vay vốn nước ngoài phần lớn là dự án trọng điểm, được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế, xã hội cả một vùng, khu vực. Song thực tế triển khai đã và đang khiến người dân mòn mỏi chờ đợi.
Giao thông ách tắc, cản trở cơ hội kinh doanh
Khởi công từ năm 2009, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đến nay vẫn chưa thể vận hành (Trong ảnh: Hai đoàn tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử, tiến vào vào ga Nhổn). Ảnh: Tạ Hải.
Mỗi sáng, anh Phạm Hải Duyên (Cầu Diễn, Cầu Giấy, Hà Nội) mệt mỏi nhích từng bước để đến công ty trên đường Kim Mã. Suốt 5 năm nay, anh luôn mong ngóng tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội vận hành để thoát cảnh tắc đường.
"Không hiểu sao bao năm rồi vẫn không thấy đi vào hoạt động, người dân thì khổ sở di chuyển hàng ngày trên những con đường thường xuyên ùn tắc", anh Duyên thở dài.
Có lẽ, nếu anh Duyên biết rằng tuyến đường sắt đô thị này được khởi công từ năm 2009 sẽ thấy 5 năm chờ đợi của anh vẫn chưa là gì trong suốt chặng đường dài đằng đẵng của dự án vay vốn nước ngoài này.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn nước ngoài 7 tháng năm 2023 đạt 21,47% (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,9%). Hiện vẫn còn 8 địa phương và 6 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài là 0%.
Trong đó, nhiều dự án sẽ kết thúc hiệp định vay vốn của các nhà tài trợ nước ngoài vào cuối năm nay nhưng tiến độ còn rất chậm. Giải ngân vốn ODA đang được đánh giá chậm nhất so với các nguồn vốn.
Khởi công từ năm 2009, dự kiến dự án triển khai đến năm 2022 hoàn thành toàn tuyến trên cao và tuyến đi ngầm. Nhưng 14 năm nay, dự án vẫn chưa thể vận hành. Thủ tướng mới đây đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm vướng mắc, đưa đoạn trên cao vào khai thác cuối năm 2023.
Còn đoạn đi ngầm, nhanh nhất cũng phải đến 2027 mới có thể vận hành như tờ trình của UBND thành phố kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng).
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội lại không phải là tuyến duy nhất ở Hà Nội gặp cảnh chậm trễ này. Ngay cả dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vay vốn Trung Quốc dù đã đi vào vận hành vào ngày 6/11/2021 nhưng cũng chậm tiến độ 6 năm so với dự kiến ban đầu.
Dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Hà Nội vay vốn ODA với tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỷ đồng cũng đang chậm tiến độ. Dự kiến, dự án sẽ hoạt động trong quý II/2022 nhưng đến nay vẫn ngổn ngang. Người dân vẫn phải chịu khổ cực khi đi qua những lô cốt thi công của dự án này trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Lương Thế Vinh…
Còn ở TP.HCM, một số dự án thuộc diện quan trọng quốc gia quyết định đầu tư từ nhiều nhiệm kỳ trước đây chậm tiến độ, thực hiện chưa đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Đó là dự án metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, được phê duyệt năm 2008, qua 15 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành (dự kiến năm 2028 mới kết thúc dự án).
Còn dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (vốn vay ADB, KfW, EIB), được phê duyệt tháng 10/2010 song theo báo cáo của TP.HCM thì thời gian hoàn thành thi công đưa vào khai thác dự kiến phải đến năm 2030. Giờ đây, dự án này mới chuẩn bị rục rịch khởi công.
Nhắc đến các tuyến tàu điện, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bộc bạch: "Không có nước nào ở mức thu nhập trung bình như Việt Nam lại để tình trạng công trình vay vốn nước ngoài chậm tiến độ như vậy. Nếu càng để lâu, hiệu quả đầu tư càng thấp, còn gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ví dụ tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, khu vực gần khách sạn Daewoo rào kín nhiều năm nay, một loạt nhà mặt phố ở đó không thể kinh doanh được, gây ách tắc giao thông", ông Lâm dẫn chứng.
Chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan
Theo tài liệu của PV, giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư công nguồn nước ngoài được Quốc hội phê duyệt là 300 nghìn tỷ đồng, trong đó được phép phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án là 270 nghìn tỷ đồng.
Riêng tổng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2023 Quốc hội đã quyết nghị là 115.350 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 51.550 tỷ đồng, năm 2022 là 34.800 tỷ đồng, năm 2023 là 29.000 tỷ đồng).
Thế nhưng, Bộ Tài chính ghi nhận lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021 chỉ đạt 32,85%, năm 2022 đạt 45,45%. Tỷ lệ giải ngân này đều dưới 50%.
Bộ Tài chính liệt kê các dự án chậm giải ngân là dự án metro Nhổn - ga Hà Nội; Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), tiểu dự án tỉnh Hà Giang; Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh; Dự án Phát triển các đô thị loại vừa - Lào Cai, dự án ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ...
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp được Bộ Tài chính đánh giá xuất phát chủ yếu từ lý do chủ quan. Trong đó tính sẵn sàng của các dự án thấp như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, chậm xác định giá đất đền bù và chậm xác định ranh giới giữa các hạng mục; một số hộ dân không chấp hành chế độ chính sách, mặc dù đã được tuyên truyền giải thích nhiều lần…
Vướng mắc trong công tác điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay; thủ tục thiết kế, thẩm định, phê duyệt kéo dài, vướng mắc do điều chỉnh danh mục hàng hóa để đảm bảo tỷ lệ xuất xứ. Việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay là khá phổ biến, trung bình mỗi năm làm thủ tục khoảng 20-30 dự án hiệp định vay.
Bên cạnh đó có nguyên nhân từ phía nhà tài trợ và đặc thù của dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài như chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ; mô hình các dự án ở giai đoạn trước đây của một số nhà tài trợ (như WB, ADB) phát sinh phức tạp trong triển khai các hoạt động dự án và giải ngân, thanh toán.
"Có tâm lý e dè, sợ trách nhiệm"
PGS.TS Mai Văn Nam, Đại học Cần Thơ đánh giá: Trong số hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân, chúng ta mới chỉ giải ngân được hơn 35%. Rõ ràng đó là con số khá thấp. Nguyên nhân do năng lực cán bộ quản lý liên quan các chương trình dự án đầu tư công còn hạn chế. Vốn ngân sách rất chặt chẽ, nếu giải ngân, đầu tư chi phí không phù hợp thì trách nhiệm liên quan hậu kiểm sau này rất lớn, cho nên cũng có tâm lý e dè.
"Thủ tục đầu tư liên quan rất nhiều luật nên nếu không nắm rõ sẽ khiến không ít cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm", ông Nam phân tích.
Số liệu được Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV tại báo cáo tiết kiệm, chống lãng phí 2016-2021 cũng cho thấy: Các dự án giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ rất chậm, thời gian triển khai dự án kéo dài, phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành, đưa dự án vào khai thác đúng thời hạn dự kiến, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.
Tính đến năm 2021, tỷ lệ giải ngân lũy kế đạt khoảng hơn 76% tổng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã ký kết.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ đạt 46%. Tỷ lệ giải ngân đối với các khoản vay từ nhóm 6 ngân hàng phát triển đã giảm từ 23,1% trong năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm 6 ngân hàng này.
Bộ Tài chính cho biết, có 5/11 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài cao là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Đối với Bộ GTVT, năm 2023 được giao tổng số vốn hơn 94.000 tỷ đồng (cả nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài), đến nay đã giải ngân được hơn 36%; trong đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài là 30,97%.
Bộ GTVT đưa ra kế hoạch trong quý III/2023 sẽ giải ngân thêm tổng số vốn gần 21.700 tỷ đồng bao gồm hơn 20.800 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn được giao năm 2023 và hơn 855 tỷ đồng thuộc nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện, quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cả năm là 95%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận