Tài chính

Trị dứt điểm bệnh chậm giải ngân đầu tư công

19/10/2022, 05:53

Ngoài gắn trách nhiệm người đứng đầu, giao chỉ tiêu từng tháng, cần tháo gỡ các vướng mắc là nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm.

Nhiều nguyên nhân khiến giải ngân chậm

Theo Bộ Tài chính, hiện bộ đã nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng. Đơn cử, Bộ Công thương “xin trả’ hơn 400 tỷ đồng vốn đầu tư công của đơn vị này năm 2022.

Bộ này được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch giải ngân vốn đầu công là hơn 800 tỷ đồng cho năm 2022.

Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt gần 20%, đạt tỷ lệ thấp so với bình quân chung của các bộ, ngành, địa phương.

img

Dự án đầu tư công chậm tiến độ, không đi vào hoạt động như kế hoạch sẽ gây lãng phí (Trong ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam vẫn chưa đi vào hoạt động)

Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xin giảm xuống còn hơn 400 tỷ đồng, trong đó trả lại toàn bộ vốn ODA là gần 240 tỷ đồng và vốn trong nước hơn 167 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 8 năm nay, giải ngân vốn vay nước ngoài mới đạt hơn 15% kế hoạch; Có đến 6 bộ, 8 địa phương chưa giải ngân được một đồng nào theo kế hoạch, bao gồm: Công thương, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh. Có tới 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.


Bộ Công thương cho biết, nguồn vốn ODA không thể triển khai được do không lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị và còn nhiều thủ tục cần triển khai...

Theo thống kê chung, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm đạt 46,7% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%) và cách xa con số giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 (trên 65% kế hoạch).

Dù cho rằng có những điểm sáng về trị số vốn giải ngân được, song Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng thừa nhận kết quả chung chưa đạt kỳ vọng.

Không chỉ chậm giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân (theo hình thức ghi thu ghi chi) kế hoạch đầu tư công vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng đầu năm 2022 trung bình cả nước mới chỉ đạt 15,48% kế hoạch vốn được giao.

Trong đó, có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn. Có tới 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.

Nguyên nhân do vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu.

Nói thêm, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, có một số nguyên nhân chủ quan làm giải ngân chậm như: Vướng mắc trong công tác đền bù GPMB, tái định cư, đơn giá đền bù; chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế; quy định về nguồn vốn ODA còn phải phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ, gây chậm tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn này.

Năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác đầu tư tại các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn hạn chế...

Cũng theo bà Nga, 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, cũng là năm các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới, do vậy mất nhiều thời gian chuẩn bị, tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm...

Gắn với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ

Thực tế, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng so với năm 2021 (chưa tính khoản 38.000 tỷ đồng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc chậm giải ngân mà làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương. Đó cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh trong năm nay.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, nếu giải ngân tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%. Việc chậm giải ngân sẽ làm giảm động lực phát triển kinh tế.

“Mấy năm nay, việc chậm vẫn diễn ra, tuy nhiên năm nay có bối cảnh khác, là giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 48,87% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng”, ông Lâm nói và cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cần giải quyết những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được nhận diện; điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng hoàn thành.

Liên quan đến việc thúc đẩy giải ngân vốn vay nước ngoài, đại diện Bộ Tài chính cho biết, bộ đã đề nghị các đơn vị tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc để có khối lượng hoàn thành, gửi Kho bạc Nhà nước để được xác nhận kiểm soát chi, đủ điều kiện thanh toán.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các dự án 9 tháng đầu năm 2022 và ước cả năm; nêu rõ các khó khăn vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022, bộ đã kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng đến từng chủ đầu tư; coi chỉ tiêu giải ngân là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm và xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của các đơn vị.

Đặc biệt, bộ đã yêu cầu các bộ, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện nay không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022.

Đoàn giám sát Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2022”. Đáng chú ý, Đoàn giám sát cảnh báo việc hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm.

Tổng hợp báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 - 2021, số dự án chậm tiến độ gồm: Năm 2016 là 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.