Xã hội

Hè này, “lò” luyện thi... ế

05/06/2015, 07:58

Phương thức thi thay đổi, các thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm nay không còn nườm nượp kéo đến các lớp ôn luyện...

91

Các lò luyện thi vắng vẻ dù đã vào cao điểm

“Lò” luyện thi vắng như chùa bà đanh

Chiều 2/5, khảo sát hàng loạt khu vực vốn được coi là “điểm nóng” về luyện thi đại học từ nhiều năm nay, PV Báo Giao thông nhận thấy sự vắng vẻ khác thường. Tại con ngõ nhỏ cạnh Trường ĐH Sư phạm (đường Xuân Thủy, Hà Nội) vốn được coi là “ngõ luyện thi” những năm trước, năm nay chỉ còn hai trung tâm mở cửa trong tình trạng yên ắng.

“Hiện chỉ có những học sinh đã tốt nghiệp THPT năm ngoái nhưng chưa đỗ đại học ôn luyện, còn thí sinh năm nay thi tốt nghiệp THPT còn đang tập trung cho kỳ thi chung quốc gia sắp tới. Năm nay thi theo cụm nên chắc lượng thí sinh ngoại tỉnh đổ về ôn thi cấp tốc không nhiều”, nhân viên của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Đức Phú cho hay.

"Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ có nét mới trong công tác tổ chức chứ không mới trong yêu cầu đối với thí sinh. Do đó, các em không nên quá lo lắng. Nên bám chắc SGK với sự hướng dẫn của giáo viên để ôn tập kỹ sẽ hiệu quả. Học tốt thì thi sẽ tốt. Tự tin thì cũng sẽ có kết quả thi tốt”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Vinh Hiển

Tại ngõ 366 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là điểm luyện thi lớn những năm trước, năm nay chỉ còn “Nhà luyện thi số 01” mở cửa. Chủ lò luyện thi này cho biết, vắng học sinh thế này, cũng khó trụ nổi.

Khu vực đầu phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội), gần Trường ĐH Bách khoa cũng không còn cảnh các “cò” luyện thi ra sức mời chào, xếp vé, lập danh sách lớp học như mọi năm. Vài trung tâm luyện thi vẫn mở cửa chiêu sinh, nhưng vắng bóng học sinh vào, ra.

Tại TP HCM, lượng học sinh đăng ký luyện thi ĐH tại các trung tâm chỉ bằng 1/4 mọi năm. Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) chiêu sinh khóa luyện thi cấp tốc từ tháng 5, nhưng số học sinh ghi danh chưa đầy một lớp.

Tại Đà Nẵng, trung tâm luyện thi Lê Quý Đôn trên đường Nguyễn Chí Thanh, một điểm luyện thi có tiếng tại Đà Nẵng, các phòng học dành riêng cho luyện thi cấp tốc cũng trong tình trạng đóng cửa im ỉm. Bà Phan Lan Hương, cán bộ chiêu sinh tại Trung tâm cho biết, số học viên đăng ký phần lớn là các em ôn thi lại từ năm trước, số học sinh tuyển mới năm nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ôn tại trường, tại nhà

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế kỳ thi hai chung và ban hành mẫu cấu trúc đề thi của 8 môn thi, các trường THPT đều tăng tốc ôn luyện cho học sinh từ học kỳ II, tập trung cao độ vào tháng 4, tháng 5. Sang tháng 6, nhiều trường THPT vẫn tiếp tục có kế hoạch ôn luyện nhưng học sinh đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc.

Phương Thảo, học sinh Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, năm lớp 11, em có tham gia một số lớp ôn thi ở trung tâm, nhưng sau khi Bộ GD&ĐT công bố kỳ thi chung, trường cũng tổ chức ôn thi nên em chỉ tập trung ôn luyện theo chương trình của trường. “Ôn ở trường cùng thày cô quen, bạn bè quen, các thày cô đã nắm bắt được trình độ của từng bạn, nên em cảm thấy yên tâm và hiệu quả hơn”, Thảo cho hay.

Vân Anh, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, ngoài ba môn thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, các thày, cô giáo tăng cường ôn các môn đăng ký xét đại học theo từng lớp đã đăng ký. “Nhà trường đã tổ chức thi thử mỗi tháng một lần, chương trình ôn tập tại trường cũng bám sát chương trình, em nghĩ mình không cần đến “lò” luyện thi”.

Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Nam Từ Liêm) cho biết, lượng học sinh đăng ký ôn thi tại trường lên tới gần 90%.

Ông Đặng Quang Hùng, Giám đốc Trung tâm Hocmai.vn Online cho biết, với việc giảm tải trong đề thi và gộp hai kỳ thi thành một, học sinh có xu hướng chuyển sang ôn thi tại trường hoặc sử dụng hình thức học trực tuyến.  

Em Tuấn Anh, học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, các chương trình ôn thi online rất dễ tiếp cận, giá rẻ, lại có thể linh động tận dụng mọi khoảng thời gian trong ngày. “Các đề thi trên mạng khá đa dạng, có thể lựa chọn mức độ khó, dễ để làm, so đáp án ngay sau khi làm xong. Em có thể tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, kể cả 12h đêm, tại nhà hay trên xe ôtô, không gò bó giờ giấc như học ở “lò” luyện”, Tuấn Anh nói.

Học “tủ” đã lỗi thời

Nguyên nhân chính của tình trạng học “tủ” là do các em lười học, xao nhãng việc học hành, không chú trọng ôn luyện, để đến khi chuẩn bị thi thì vội vàng nhồi nhét kiến thức. Bên cạnh đó, một số giáo viên chưa xác định cho học sinh cách học hiệu quả mà cũng đoán “tủ”, từ đó khoanh vùng, giới hạn đề thi. Thêm vào đó, việc ra đề thi theo lối mòn cũng góp phần hình thành thói quen học “tủ” của học sinh.

Học “tủ” chứng tỏ học sinh chưa nắm vững kiến thức, chưa tự tin vào kiến thức của mình, nên mới xảy ra chuyện nếu trúng “tủ” thì vui mừng; trượt “tủ” thì luống cuống, run rẩy và mất tập trung, làm ảnh hưởng cả quá trình làm bài sau đó, dẫn đến kết quả thi không tốt.

Những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã có những chuyển biến tích cực trong phương pháp dạy và học. Những đề thi cần có sự tư duy, liên hệ thực tế, tổng quát kiến thức ngày càng nhiều. Gần đây nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy năm 2015. Đề thi kiến thức chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa lớp 12, nhưng phải có khả năng tổng hợp, bao quát, hiểu biết chứ không chỉ học thuộc lòng là một minh chứng cho kiểu học “tủ”, học “vẹt” đã lỗi thời.

TS. Nguyễn Văn Toản
nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.