Hệ sinh thái của kỳ lân công nghệ VNG
Ngày 7/9, Công ty Cổ phần VNG đã thông báo về việc bổ nhiệm ông Kelly Wong, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG vào vị trí quyền Tổng giám đốc. Trước đó, vị trí này thuộc về nhà sáng lập Lê Hồng Minh.
Hiện tại, nhà sáng lập VNG có thể chỉ còn vai trò là thành viên HĐQT VNG do đầu năm 2023, ông đã bất ngờ chuyển giao chức Chủ tịch HĐQT sang ông Võ Sỹ Nhân.
Những biến động nhân sự tại "thượng tầng" vừa khiến các cổ đông lo lắng, vừa tiếc nuối khi sự phát triển mạnh mẽ của VNG luôn gắn liền với tên tuổi nhà sáng lập Lê Hồng Minh.
VNG được thành lập năm 2004, tên ban đầu là Công ty Cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Qua nhiều lần thay đổi, quy mô vốn của VNG đến cuối quý II đạt 358,4 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông gồm: VNG Limited là cổ đông chính, nắm 49% vốn, Công ty Cổ phần Công nghệ BIGV nắm 17,84% vốn, ông Lê Hồng Minh nắm 8,846% vốn…
VNG được biết đến là một kỳ lân công nghệ của Việt Nam cũng như một trong những nhà phát hành sản phẩm công nghệ trực tuyến hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Doanh nghiệp hiện đang làm ăn trong nhiều lĩnh vực như: trò chơi điện tử, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng lớn ở Việt Nam. Công ty còn hoạt động trong mảng công nghệ khác như lập trình máy vi tính, sản xuất phần mềm, quảng cáo thương mại...
Ngoài ra VNG còn là chủ nền tảng Zalo - ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến nhất ở Việt Nam. Cuối năm 2022, có hơn 10.000 cơ quan Nhà nước, dịch vụ công dùng Zalo kết nối với người dân.
Zalo có khoảng 75 triệu người dùng sử dụng thường xuyên, với khoảng 2 tỷ tin nhắn mỗi ngày.
Theo báo cáo The Connected Consumer quý I/2023, Zalo là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam, đạt đến 86% tỷ lệ sử dụng, vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh như Facebook (71%), Messenger (57%) và Instagram (14%).
Bên cạnh hệ sinh thái công nghệ, VNG cũng đang là cổ đông tại Tiki với khoản đầu tư (tính đến quý II/2024) là hơn 510 tỷ đồng.
Sự đồng hành của các công ty Trung Quốc tại VNG
Như đã đề cập trước đó, bên cạnh vai trò của các nhà sáng lập, sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc tại VNG có một dấu ấn vô cùng lớn và không thể không nhắc đến. Trong số đó, Tencent Holdings là một tập đoàn nổi bật nhất, được đề cập đến rộng rãi trên cả truyền thông trong nước và quốc tế.
Dù sự hiện diện chính thức của Tencent chỉ được công bố vào năm 2018, nhưng ảnh hưởng và tác động của tập đoàn này đã xuất hiện rõ nét từ nhiều năm trước, có thể nói là từ đầu thập kỷ trước.
Cụ thể, vào năm 2008, Tenacious Bulldog Holdings Limited, một thành viên của Tencent Holdings, đã tiến hành mua 40.010 cổ phần của VNG Corporation với giá 121.693 đồng/cổ phần. Đây được coi là một trong những dấu ấn đầu tiên của Tencent tại VNG.
Đồng thời, trong báo cáo thường niên năm 2008 của Tencent Holdings, tập đoàn này đã thông báo về việc sở hữu hơn 20% lợi ích của một công ty sản xuất trò chơi trực tuyến tại Châu Á. Đáng chú ý, cũng trong năm 2008, ông Johny Shen (hay còn gọi là Johny Shen Hao), cựu giám đốc M&A của Tencent, đã chuyển sang đảm nhiệm vị trí phụ trách tài chính tại VNG Corporation.
Điều này cho thấy Tencent đã có sự quan tâm và chuẩn bị cho việc đầu tư sâu vào VNG từ rất sớm, thậm chí từ trước khi tên tuổi của họ xuất hiện chính thức trên các báo cáo công khai.
Vào năm 2011, Tencent tiếp tục công bố trong báo cáo cổ đông của mình về việc nắm giữ cổ phần tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á. Tỷ lệ sở hữu của Tencent tại công ty này là 30,02% trong năm 2010 và tăng lên 31,25% vào năm 2011.
Mặc dù báo cáo này không chỉ đích danh tên công ty, nhưng có nhiều suy đoán cho rằng công ty mà Tencent nhắc đến chính là VNG Corporation. Trong cùng năm, báo cáo tài chính hợp nhất của VNG Corporation cũng xác nhận Tencent Holdings Limited là một "cổ đông lớn", nhưng lại không công khai chi tiết tỷ lệ sở hữu của họ.
VNG Limited đang sở hữu 49% tại "kỳ lân" VNG Corporation. Ngoài ra, công ty này cũng sở hữu gián tiếp 21,26% cổ phần VNG Corporation thông qua BigV - cổ đông lớn thứ hai tại VNG Corporation.
Chỉ đến khi VNG Limited (pháp nhân nắm giữ 49% vốn của VNG Corporation) chuẩn bị niêm yết trên sàn Nasdaq, tỷ lệ sở hữu thực sự của Tencent tại VNG mới được công bố đầy đủ thông qua hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Theo đó, Tencent Holdings là cổ đông nước ngoài lớn nhất của VNG Limited, nắm giữ hơn 65 triệu cổ phiếu loại A, tương đương với quyền biểu quyết 23%.
Cụ thể, số cổ phiếu mà Tencent sở hữu được chia thành 43 triệu cổ phiếu của Tenacious Bulldog Holdings Limited, 14,5 triệu cổ phiếu của Prosperous Prince Enterprises Limited, cùng hơn 7,5 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành sau khi IPO hoàn tất.
Không chỉ có Tencent, cơ cấu cổ đông của VNG Limited còn có một doanh nghiệp Trung Quốc khác là Ant Group, tập đoàn này hiện sở hữu 5,7% cổ phần của VNG Limited. Ngoài ra, VNG Limited cũng đã lên kế hoạch chào bán 5,6 triệu cổ phiếu phổ thông loại A trong đợt IPO sắp tới cho Kingsoft, một công ty công nghệ khác của Trung Quốc, với giá chào bán 1,4867 USD/cổ phần.
Đặc biệt, dù ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải – hai nhà sáng lập của VNG – vẫn nắm giữ 51% quyền biểu quyết tại VNG Limited, nhưng họ lại không có quyền kinh tế tại công ty này. Trái lại, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Tencent và các cổ đông ban đầu của VNG, dù chỉ chiếm 49% quyền biểu quyết nhưng lại sở hữu tới 84,2% quyền kinh tế.
Điều này cho thấy vai trò rất lớn của các nhà đầu tư ngoại trong việc định hướng và phát triển kinh tế của VNG Limited, trong đó Tencent đóng vai trò chủ đạo.
Tầm quan trọng của Tencent và Kingsoft với VNG Corporation thể hiện rõ qua sự đóng góp lớn của họ vào doanh thu của công ty. Cụ thể, trong ba năm liên tiếp 2020, 2021 và 2022, các trò chơi do Tencent và Kingsoft phát hành lần lượt chiếm 30,6%, 40,7%, và 29,4% tổng doanh thu của VNG Corporation.
Đồng thời, VNG đã trả cho Tencent Holdings các khoản tiền bản quyền và phí cấp phép trò chơi với tổng số tiền lần lượt là 545,4 tỷ đồng vào năm 2020, 691,4 tỷ đồng vào năm 2021, và 634,4 tỷ đồng vào năm 2022. Những con số này không chỉ thể hiện sự gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau giữa VNG và Tencent mà còn khẳng định vai trò to lớn của Tencent trong sự phát triển và duy trì thành công của VNG Corporation.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận