Hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ của Tổng cục Đường bộ VN sắp được đưa vào hoạt động sẽ giám sát và chống gian lận hiệu quả tại các trạm thu phí BOT...
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát doanh thu
Ngày 29/3, có mặt tại Trung tâm Dữ liệu giao thông đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN), ấn tượng đầu tiên của PV Báo Giao thông là hệ thống máy móc hiện đại được trang bị. Hình ảnh của hàng chục trạm thu phí đang được phát trực tiếp kết nối với máy chủ ở trung tâm.
Nhìn vào màn hình kiểm soát hệ thống, PV có thể biết được tình trạng hoạt động của tất cả các trạm trên toàn quốc. Bao nhiêu trạm đang hoạt động, bao nhiêu trạm đang mất kết nối được thể hiện bằng những chấm báo xanh, đỏ trên màn hình. Bên cạnh đó, các chỉ số như: Lưu lượng xe, doanh thu thu phí của các trạm trong ngày.
Khi PV đề nghị nhân viên kỹ thuật chọn một trạm thu phí bất kỳ, hệ thống hiện lên tất cả các thông tin liên quan như: Tổng mức đầu tư, ngày bắt đầu thu, dự kiến thời gian thu và doanh thu lũy kế, doanh thu và lưu lượng xe trong ngày và 6 tháng gần nhất.
Chia sẻ về tính năng hoạt động, giải pháp công nghệ của hệ thống giám sát này, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ Trí Nam cho biết, dự án sẽ triển khai đường truyền riêng tới từng trạm thu phí, đảm bảo tính độc lập, bảo mật và an toàn dữ liệu. Dữ liệu được thu thập là dữ liệu thô, có các cơ chế và thuật toán để kiểm tra tính chính xác, toàn vẹn dữ liệu, đảm bảo dữ liệu chưa bị can thiệp tác động bởi con người hay phần mềm.
“Dữ liệu thu phí từng lượt xe qua trạm được truyền về trung tâm giám sát theo thời gian thực, khi có một xe qua trạm ngay lập tức khoảng 1-2 giây dữ liệu của xe đó sẽ được truyền về trung tâm, đồng thời doanh thu được tổng hợp và báo cáo liên tục từng giờ, từng ca, từng ngày... giúp cán bộ tại trung tâm có thể giám sát và nắm bắt tình hình thu phí một cách nhanh chóng, kịp thời và liên tục, thay vì tổng hợp hàng tháng, hàng năm như hiện tại”, ông Dân thông tin.
Cũng theo ông Dân, từ dữ liệu được truyền về từ trạm theo thời gian thực, trung tâm sẽ tổng hợp doanh thu độc lập, từ đây có thể đối chiếu dữ liệu báo cáo cuối ngày của trạm tự tổng hợp để so sánh, đối chiếu. Hệ thống giám sát sẽ cung cấp đầy đủ thông tin loại xe, loại vé, giá tiền, lưu lượng xe qua và doanh thu thu phí. Các camera tại trạm được yêu cầu cung cấp địa chỉ truy cập các camera làn, camera ca bin, camera quan sát toàn cảnh tại trạm cùng tài khoản truy cập để trung tâm giám sát có thể dễ dàng theo dõi cũng như đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu truyền về.
Một tính năng đặc biệt được ông Dân cho biết đó là hệ thống được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự động kiểm tra và phân tích dữ liệu thu phí nhằm phát hiện ra các giao dịch nghi vấn như: Quay vòng vé, bán vé sai mệnh giá, thiếu giao dịch, sai loại vé - loại xe, sai loại vé trả trước, không đúng xe ưu tiên, vé toàn quốc, dùng thẻ E-tag của xe khác và có sự thay đổi đột ngột về lưu lượng xe, sau đó cảnh báo tới cán bộ vận hành tại trung tâm cũng như tới nhà đầu tư BOT trên giao diện phần mềm và email để các bên giải trình và thống nhất. Trước đây, việc tổng hợp dữ liệu phải theo tháng và trông chờ nhà đầu tư BOT báo cáo, khi có hệ thống dữ liệu thu phí được tổng hợp theo ngày.
“Chúng ta có thể dùng điện thoại di động truy cập biết được doanh thu hàng ngày. Hệ thống có 4 lớp tài khoản, lớp thứ nhất là Tổng cục Đường bộ VN có thể xem và giám sát dữ liệu của tất cả các trạm trên toàn quốc. Nhà đầu tư BOT có thể xem được tất cả các trạm mà họ quản lý. Lớp thứ 3 là dành cho trạm, nhân viên xem được dữ liệu tại trạm để giải trình khi có giao dịch bất thường. Lớp tài khoản cuối là dành cho lãnh đạo vào hệ thống để xem tức thời”, ông Dân thông tin thêm.
Giám sát cả BOT và thu phí không dừng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, qua các đợt kiểm tra, giám sát các trạm thu phí BOT, Tổng cục Đường bộ VN nhận thấy, quy trình vận hành còn tồn tại những khả năng làm ảnh hưởng đến sự chính xác của báo cáo doanh thu như: Sai lệch lưu lượng xe, loại xe, mệnh giá vé, xoay vòng vé. Thậm chí, dữ liệu báo cáo thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ có thể bị can thiệp bởi con người và phần mềm.
“Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có cơ sở để đối chiếu xác minh báo cáo doanh thu của nhà đầu tư; hình thức xác minh đối chiếu duy nhất hiện nay là khảo sát trực tiếp và kiểm tra hệ thống ghi hình camera tại trạm”, ông Thắng nói.
“Theo quy định, thời gian lưu trữ video giám sát là 5 năm nên các cấp có thẩm quyền không đủ nhân lực để thanh, kiểm tra do số lượng trạm thu phí. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN nhận thấy cần phải có hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để kiểm soát chặt chẽ thời gian hoàn vốn của dự án, minh bạch hóa doanh thu, chi phí của dự án để cơ quản quản lý nhà nước chủ động trong việc quản lý và cung cấp đầy đủ thông tin tới người dân cùng tham gia giám sát”, ông Thắng nói thêm.
Bảo mật nhiều lớp, không thể can thiệp
Đề cập đến tính bảo mật của hệ thống, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ Trí Nam cho biết, hệ thống được bảo mật nhiều lớp, đường truyền, kéo độc lập từ trạm. Mỗi trạm thu phí sẽ được cài đặt thiết bị bức tường lửa để giám sát khả năng truy cập vào, ra, dữ liệu được truyền một chiều từ trạm về trung tâm nên từ trạm không thể can thiệp được vào hệ thống. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng được mã hóa nên không thể can thiệp. Hệ thống có đơn vị độc lập test tính bảo mật và cấp chứng chỉ. Hệ thống được tính toán đảm bảo “đếm” và lưu được dữ liệu của khoảng 50.000 lượt xe/ngày tại mỗi trạm.
Trước lo ngại có thể có những can thiệp làm sai dữ liệu hệ thống, ông Dân khẳng định, dữ liệu từ trạm gửi lên sẽ được lưu vào một kho dữ liệu thô, dữ liệu này không ai có thể can thiệp được. Quy trình của hệ thống giám sát được thiết kế chỉ được xuất số liệu, bất kỳ ai không được nhập text ở bất kỳ ô nào của hệ thống nên không thể can thiệp được vào báo cáo doanh thu cuối ngày.
Cũng theo ông Thắng, dự án đầu tư giám sát thu phí bước đầu sẽ giám sát 66 trạm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 12 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ nhân rộng các trạm lên 88 trạm, tiến tới tất cả các trạm do Bộ GTVT quản lý sẽ được giám sát bằng hệ thống này. Hiện, Tổng cục Đường bộ VN đang thí điểm tại 3 trạm là: Trạm Hà Nội - Bắc Giang, trạm Bến Thủy và trạm Toàn Mỹ 14. Trước mắt tổng cục sẽ triển khai hoàn thành hệ thống ở 66 trạm vào tháng 7/2019, sau đó sẽ nhân rộng ra các trạm khác.
“Dữ liệu thu phí sẽ được truyền độc lập về Tổng cục Đường bộ VN, số liệu doanh thu sẽ cập nhật hàng ngày thay vì phải trông chờ nhà đầu tư BOT báo cáo hàng tháng như hiện nay. Số liệu thu phí từ phần mềm giám sát sẽ là cơ sở để đối soát doanh thu với nhà đầu tư BOT xem họ có báo cáo trung thực hay không, có sự chênh lệch hay không và sẽ thông báo công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông”, ông Thắng nói và cho biết, từ số liệu đối sánh này, tổng cục sẽ ra số liệu hoàn vốn chính xác của dự án trên cơ sở lưu lượng đã kiểm soát được cũng như yêu cầu nhà đầu tư BOT giải trình khi có bất thường về doanh thu, số lượng xe qua trạm. Số liệu từ hệ thống là công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đang cần.
Theo ông Thắng, hệ thống này có tính bảo mật cao, Tổng cục Đường bộ VN, nhà đầu tư và ngay cả đơn vị xây dựng hệ thống cũng không thể can thiệp vì phần mềm đã được mã hóa, đảm bảo các thông số kỹ thuật theo quy định. Với hệ thống này, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giám sát được việc thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Bên cạnh đó, khi toàn bộ các trạm thu phí BOT được bàn giao lại cho VETC, hệ thống này cũng sẽ giúp nhà đầu tư BOT giám sát cả VETC.
Trước câu hỏi vì sao đã có thu phí không dừng, tại sao cần đầu tư hệ thống này, ông Thắng cho biết, bên cạnh mục tiêu giúp minh bạch trong thu phí, thu phí không dừng còn các mục tiêu quan trọng khác là đảm bảo cho xe qua trạm được nhanh chóng, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của thu phí không dừng vẫn còn một số làn thu hỗn hợp. Bên cạnh đó, dư luận cũng có sự lo ngại khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và nhà đầu tư BOT cũng là doanh nghiệp tư nhân.
“Các nhà đầu tư BOT cũng hợp tác rất tốt với Tổng cục vì bản thân họ cũng không muốn dư luận nghi ngờ vì không công khai minh bạch. Còn đối với nhà đầu tư nào không hợp tác, tổng cục sẽ có chế tài xử lý theo Thông tư 49 của Bộ GTVT, thậm chí sẽ dừng thu phí”, ông Thắng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN:
Tạo lòng tin cho người dân
Chủ trương đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT là đúng và phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong quá trình quản lý, vận hành, một vài dự án có những vết “gợn” khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch doanh thu. Vì vậy, để tạo lòng tin của người sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát bằng việc hoàn thiện các quy định pháp luật và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, cập nhật công khai thông tin thu phí.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BOT QL1 Bạc Liêu,
BOT QL1 Sóc Trăng và BOT Bình Thuận:
Ngồi một chỗ có thể kiểm soát doanh thu
Hiện, đơn vị đang phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN đấu nối thiết bị kết nối trực tuyến về tổng cục, khi hệ thống vận hành cơ quan chức năng không phải mất công sức và chi phí đi kiểm tra mà chỉ cần ngồi một chỗ có thể kiểm soát 24/24h hoạt động của trạm, giúp giảm chi phí đi lại. Sau những sự việc xảy ra tại một số trạm thu phí, nghi ngờ của dư luận về tính minh bạch trong doanh thu hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, tôi khẳng định, việc thu phí của công ty hoàn toàn minh bạch, tuy nhiên đây cũng là giải pháp tốt khi có thêm kênh giám sát sẽ giúp dư luận yên tâm hơn, số liệu từ hệ thống cũng sẽ giúp cơ quan quản lý đối soát doanh thu với nhà đầu tư.
Quan điểm của nhà đầu tư là càng minh bạch bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, khi số liệu rõ ràng có sự kiểm chứng của cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp khẳng định số liệu doanh thu của dự án đạt hay không so với phương án tài chính, khi đó, người dân có thể giám sát, kiểm tra. Hiện, nhiều dự án đã quá kỳ được tăng phí nhưng chưa được tăng, dẫn đến nhà đầu tư mong muốn số liệu minh bạch để dư luận hiểu rõ việc thu phí không đủ hoàn vốn cho dự án, cơ quan có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư.
Ông Đặng Vũ Đức Lân, Trạm trưởng Trạm thu phí Toàn Mỹ 14:
Công cụ để giám sát ngược nhà cung cấp dịch vụ VETC
Là 1 trong 3 trạm được Tổng cục Đường bộ VN chọn thí điểm, chúng tôi tích cực phối hợp với tổng cục để hoàn thành hệ thống. Qua hơn 10 ngày thử nghiệm tích hợp dữ liệu trạm thu phí Toàn Mỹ với hệ thống giám sát của tổng cục cho thấy, dữ liệu trung tâm tổng hợp trùng khớp với dữ liệu trạm chúng tôi báo cáo, từ đây cho thấy việc báo cáo của nhà đầu tư hoàn toàn trùng khớp, không có sự gian lận. Chúng tôi là 1 trong những trạm sớm nhất lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Khi có hệ thống này chúng tôi cũng có công cụ để giám sát ngược nhà cung cấp dịch vụ VETC.
Chúng tôi cũng mong muốn được dư luận hiểu là chúng tôi cũng mong muốn minh bạch. Nếu không giải quyết dứt điểm nghi ngờ của dư luận sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, khó kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án giao thông, các tổ chức tài chính sẽ e ngại tài trợ vốn cho nhà đầu tư trong nước, nhất là trong hoàn cảnh Bộ GTVT đang kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận