Khó tuyển đúng nhu cầu
Bộ LĐ, TB&XH cho biết, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377.700 người, cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua, tập trung tại: TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…
Sản xuất điện tử, cơ khí là một trong những ngành cần tuyển nhiều lao động sau Tết. Ảnh: Hồng Hạnh
Dù vậy, các công ty cho biết, việc tuyển dụng cũng không dễ dàng. Đại diện Công ty TNHH công nghiệp Hungder (Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho hay, cần tuyển hơn 200 lao động phổ thông, phỏng vấn hôm trước hôm sau đi làm ngay với mức thu nhập từ 7- 14 triệu đồng/tháng cùng điều kiện làm việc hết sức thuận lợi.
Tuy vậy, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người đến tìm hiểu thông tin nộp hồ sơ phỏng vấn.
Là một lĩnh vực ngành nghề luôn cần số lượng nhân viên lớn, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce cũng cho hay, sau Tết, doanh nghiệp phải huy động tất cả nguồn lực từ nội bộ, đối tác để liên tục tuyển mới nhân sự… nhưng vẫn chưa đủ. Hiện công ty cũng đã tăng cường chế độ phúc lợi để thu hút lao động.
Theo thống kê từ phiên giao dịch việc làm kết nối 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng diễn ra vào trung tuần tháng 2 vừa qua, có tới 51 nghìn chỉ tiêu chiếm 97% nhu cầu là các vị trí lao động thủ công.
Tập trung vào ngành nghề điện tử, may mặc, cơ khí. Chỉ có 25 nhu cầu lao động cao đẳng, đại học và 1% còn lại là công nhân kỹ thuật và trung cấp.
Hay theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ, TB&XH Bình Dương (thủ phủ công nghiệp của cả nước) trong quý I năm nay, các doanh nghiệp cần tuyển khoảng 10 nghìn lao động.
Trong số này, có khoảng 35% là tuyển mới để mở rộng sản xuất, số còn lại là bù đắp vào lực lượng lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết vừa qua.
Quản lý bậc trung khó tìm việc
Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Huy (Mỹ Đình, Hà Nội), một nhân viên ngành dược đang tất bật đi tìm việc đã mấy tháng nay.
Anh nghỉ việc từ thời điểm rộ lên những bê bối về gian lận trong đấu thầu thiết bị y tế vào các bệnh viện, khiến việc đấu thầu thuốc của công ty cũng tê liệt theo.
“Hàng trăm lao động của công ty phải nghỉ việc, có người trụ lại thì lương chỉ đủ xăng xe. Ba năm trôi qua, số phận của những công ty đấu thầu thuốc chưa cải thiện nên việc quay lại nghề gần như không có cơ hội”, anh Huy nói và cho biết, đây là thời điểm anh bắt buộc phải chuyển sang công việc khác.
Theo anh Huy, việc làm thì nhiều, nhưng để tìm một vị trí phù hợp với “vai” trưởng phòng như trước đây rất khó. Chỉ có lao động phổ thông là dễ kiếm việc làm.
Tương tự, anh Phạm Văn Sơn (Vĩnh Phúc) cho biết, hiện anh đang làm hồ sơ tuyển dụng vào vị trí ở một công ty chuyên về linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) mà anh đã theo làm, trước khi nghỉ việc từ tháng 10 năm ngoái do công ty thiếu đơn hàng.
Anh ứng tuyển với mong muốn có cơ hội được làm ở vị trí cũ ngay khi công ty tuyển dụng.
Cần chính sách hỗ trợ lao động?
Để đảm bảo tuyển được lao động kịp cho sản xuất kinh doanh, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) góp ý, ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững.
Việc này nhằm đảm bảo các lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì lao động lại quay trở lại làm việc.
Nhìn nhận về bức tranh cung cầu lao động trong năm 2023, ông Quảng cho hay, nửa đầu năm 2023 kinh tế sẽ còn những khó khăn nhưng cuối năm tình hình sẽ khởi sắc. Đó cũng sẽ là những chuyển biến của thị trường lao động.
“Những ngành có tiềm năng là ngành thế mạnh dẫn dắt nền kinh tế vẫn sẽ chiếm lợi thế và duy trì đà tăng trưởng tốt. Với ngành nghề liên quan vấn đề hội nhập như: Sản xuất chế biến gỗ, da giày, may mặc... dù chịu tác động của khủng hoảng nhưng cũng sẽ sớm tạo sự phục hồi thậm chí bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm 2023”, ông Quảng nói và bày tỏ, những diễn biến của các ngành nghề đó sẽ phản ánh tương tự thị trường lao động từng ngành.
Bên cạnh các giải pháp linh hoạt từ chính bản thân doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho rằng, cần có những giải pháp hiệu quả hơn để hỗ trợ họ thời điểm này.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, dù đã có những giải pháp như: Ban hành gói hỗ trợ về an sinh và việc làm 48,5 nghìn tỷ đồng cho người lao động; 110 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có cấp bù lãi suất 2%, nhưng vẫn chưa làm được. Do đó, Chính phủ nên tiếp tục duy trì gói giảm thuế VAT 2% cho doanh nghiệp.
Cho rằng những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn còn nhiều bất cập, ông Cẩm cũng kiến nghị cơ quan liên quan nghiên cứu giải quyết.
Đại diện VinCommerce đề xuất, Bộ LĐ, TB&XH, Bộ Công thương và các cơ quan, ban, ngành tại địa phương cần có sự kết nối giúp tăng cường nguồn lực lao động cho doanh nghiệp. Giải pháp này sẽ giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, nền kinh tế sớm phục hồi.
Về vấn đề này, đại diện Bộ LĐ, TB&XH cho biết, Bộ sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa nhằm kết nối cung - cầu lao động.
Đặc biệt, sẽ rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng, kịp thời đáp ứng thị trường lao động, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận