Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN chia sẻ với Báo Giao thông về những quy định mới trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
Giám sát bằng công nghệ để giảm thiểu tiêu cực
Với những quy định chặt chẽ trong Thông tư 38, chất lượng, đào tạo, sát hạch lái xe sẽ thực chất hơn. Khi thời gian học lý thuyết cũng như số km lái xe thực hành được đảm bảo theo quy định, không còn tình trạng cắt xén giờ học, giá đào tạo sẽ không phải như hiện nay mà sẽ đúng với giá thực của cơ chế thị trường.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 38/2019 với nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Bà có thể nói cụ thể hơn về những quy định mới này?
Một trong những điểm mới tại Thông tư 38 là việc bổ sung quy định học viên phải học về phòng chống tác hại của rượu bia. Học viên cũng sẽ phải học các tình huống giao thông trong thực tế có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng qua phần mềm mô phỏng để tăng kỹ năng xử lý tình huống, học trên cabin tập lái các tình huống qua đường đèo núi, trơn trượt, đường hầm, phà.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo cũng được triển khai mạnh mẽ. Trên xe tập lái và trong phòng học lý thuyết sẽ có các thiết bị nhận dạng khuôn mặt, vân tay để theo dõi thời gian học, số kilomet thực hành của từng học viên trên đường.
Trước đây, quy định mỗi học học viên phải học 84 giờ và 1.000km nhưng chưa có thiết bị giám sát nên có tình trạng người học chưa học đủ theo quy định. Cơ sở đào tạo sẽ phải lắp thiết bị giám sát để làm sao học viên phải học đủ thời gian và số km theo quy định. Dữ liệu theo dõi sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ VN để giám sát trực tuyến. Người học lái xe phải học tập trung, có đủ số giờ học, số kilomet và đạt kết quả kiểm tra mới được dự sát hạch.
Đó là đào tạo, còn sát hạch có thay đổi gì?
Cũng như phần đào tạo, quá trình sát hạch cấp GPLX cũng được sát hạch trên phầm mềm mô phỏng và được giám sát trực tuyến hầu như toàn bộ, từ lý thuyết đến thực hành. Các trung tâm sẽ phải lắp đặt camera giám sát phòng thi lý thuyết và thi trên sa hình. Quá trình sát hạch sẽ được nhiều cơ quan như thanh tra, công an giám sát.
Các dữ liệu này còn được lưu trữ tập trung để phân tích, nghiên cứu đến từng học viên, giáo viên và từng chiếc xe tập lái trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, so với theo dõi bằng sổ sách và camera giám sát như hiện nay, giám sát tập trung bằng công nghệ sẽ loại trừ được nhiều tiêu cực từ cả học viên, giáo viên và sát hạch viên. Điều này đảm bảo rằng người học được học đủ thời lượng, được sát hạch đúng cách và đạt được kết quả đào tạo như thiết kế của chương trình. Chất lượng sát hạch chắc chắn sẽ cao hơn so với khi học tắt, học nhanh hay đạt sát hạch theo kiểu “bao đậu”.
Hết cảnh cắt giảm thời gian học lý thuyết và số km lái xe thực tế
Nhiều ý kiến cho rằng chương trình đào tạo lái xe phải hướng tới thái độ và hành vi lái xe an toàn. Nghĩa là chương trình đào tạo phải được thiết kế với mục tiêu lái xe an toàn. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Chương trình đào tạo vẫn như trước đây, chỉ khác là công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng mạnh mẽ để giám sát quá trình học, học viên sẽ phải học đủ thời gian và số km lái xe an toàn.
Trước đây, việc giám sát chủ yếu là qua hợp đồng giữa cơ sở đào tạo và người học. Các Sở GTVT cũng có kiểm tra định kỳ hay đột xuất nhưng cũng không thể kiểm tra liên tục. Điều này dẫn tới tình trạng có sự thống nhất giữa cơ sở đào tạo và người học cắt giảm thời gian học lý thuyết và số km lái xe thực tế trên đường.
Khắc phục tình trạng này, Thông tư 38 đã đưa ra nhiều quy định quản lý, giám sát chặt chẽ thời gian học lý thuyết cũng như thực hành của học viên. Người học sẽ phải học đủ nội dung chương trình, chất lượng sẽ tăng lên.
Tổng cục Đường bộ VN cũng đã ban hành giáo trình đào tạo mới được tham khảo từ nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Việc bổ sung các tình huống trên phần mềm mô phỏng là đào tạo cho học viên kỹ năng lái xe an toàn. Tôi cho rằng chương trình đào tạo đã tương đối đầy đủ, toàn diện, quan trọng hiện nay là ý thức chấp hành ATGT của người lái xe được nâng cao sẽ kéo giảm TNGT.
Cũng có ý kiến cho rằng, cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng và công bố bởi các tổ chức kiểm định quốc gia hoặc khu vực và quốc tế?
Bộ GTVT đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe rất rõ ràng và chặt chẽ. Bên cạnh đó cả điều kiện kinh doanh Nghị định 65 của Chính phủ đã có chuẩn cụ thể. Đội ngũ giáo viên đã đáp ứng được chuẩn đối với giáo viên dạy trình độ sơ cấp đã được Bộ LĐ, TB&XH quy định.
Nội dung chương trình, giáo trình đào tạo cũng được thường xuyên cập nhật theo giáo trình đào tạo các nước tiên tiến để điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được chuẩn chung của Việt Nam và thế giới. Chất lượng đào tạo được thể hiện qua kết quả sát hạch, trong khi chất lượng sát hạch của Việt Nam đã được chuẩn hóa, tỷ lệ sát hạch sẽ thể hiện chất lượng của cơ sở đào tạo.
Thời gian tới tổng cục sẽ triển khai những giải pháp gì để các quy định trên đi vào cuộc sống?
Những nội dung này đã được bổ sung trong Nghị định của Chính phủ cũng như Thông tư của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các thiết bị mới được bổ sung và sẽ được trình Bộ GTVT trong năm 2020 để Bộ KH&CN thẩm định ban hành, thực hiện thống nhất trong cả nước. Về phần mềm quản lý tích hợp camera, trong thời gian thí điểm, Tổng cục Đường bộ VN sẽ đảm bảo phần hạ tầng như máy chủ, đường truyền để cài đặt phần mềm tích hợp dữ liệu hình ảnh trực tiếp từ các trung tâm sát hạch lái xe đến tổng cục, đồng thời đảm bảo lưu trữ dữ liệu sát hạch trong khoảng thời gian tối thiểu là một kỳ sát hạch. Các sở GTVT cài đặt phần mềm để tích hợp dữ liệu hình ảnh từ các trung tâm sát hạch lái xe thuộc sở để giám sát trực tiếp.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận