Các mỏ khai thác cát hoạt động rầm rộ gây ra sạt lở tại nhiều tuyến sông |
Kỳ 1: Đục khoét lòng sông, bãi bồi
Hầu hết mỏ cát, sỏi được cấp phép khai thác trong thời gian dài, phạm vi rộng đã khiến nhiều đoạn sông bị khoét sâu quá mức, gây ra sự biến đổi địa chất, dòng chảy và gây sụt lở bờ bãi, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân ven sông.
Đại công trường khai thác cát
Những ngày đầu tháng 5, đi dọc hai bờ sông Lô qua các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, PV Báo Giao thông ghi nhận, tàu trên sông chủ yếu chở cát sỏi xuôi dòng, thi thoảng mới có tàu chở gỗ, dăm gỗ, quặng sắt. Đi ngược theo dòng nước, khoảng vài cây số lại có một điểm khai thác cát trên sông, có chỗ tàu tập trung như một đại công trường.
Ngay tại TP Việt Trì (Phú Thọ), một đoạn sông dài thuộc xã Trưng Vương và phường Dữu Lâu, có tới gần 20 tàu hút, gầu xúc cùng lúc hút cát, sỏi từ lòng sông và bãi nổi. Quan sát ở phía bờ, phần bãi nổi rộng hàng chục héc ta đã bị khoét lõm một dải rộng, ăn sát vào rặng xoan, tre đã mọc cao vút. Một công nhân cho biết, đây là mỏ khai thác của Công ty Cát Vàng, có phạm vi hơn 15ha, hoạt động được hơn 1 tháng nay và được phép khai thác đến giữa năm 2021.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia có 15 dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy quốc gia được cấp phép và đều đã tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 3/2017. Trong khi đó, có khoảng gần 700 mỏ cát đã được các địa phương cấp phép hoạt động, đa số được cấp có thời hạn 10 năm, thậm chí hơn 20 năm, có mỏ có trữ lượng hàng triệu m3, khai thác cả trên luồng đường thủy, bãi bồi với độ sâu khai thác gấp nhiều lần nạo vét luồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến bờ bãi ven sông. |
Ngược lên vài cây số, bên bờ phía trái thuộc địa bàn xã Tứ Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cũng có một vài tụ điểm có tàu hút, gầu múc dây văng thi nhau múc cát chuyển lên các tàu vận chuyển. Đoạn gần bờ khu vực bến đò ngang, hàng trăm mét đã bị sụt, lõm hẳn vào phía trong.
Chỉ vào hai chiếc tàu đang hút cát giữa sông, ông Dương Tiến Liên, Phó chủ tịch UBND xã Tứ Yên cho biết, việc sạt lở bờ là do hoạt động khai thác cát gây ra. “Đoạn sông này được tỉnh cấp phép cho Công ty Thái An khai thác mỏ cát trong thời gian 9 năm, bắt đầu từ năm 2015. Công ty có bản cam kết chỉ khai thác từ 6h - 18h, trong phạm vi được cấp phép. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ giám sát được thời gian họ khai thác, còn tàu cuốc ở ngoài cuốc sâu bao nhiêu thì không thể biết được. Trong khi giữa sông bị cuốc sâu, ven bờ cũng bị trôi theo, làm sao tránh được sạt lở bờ bãi”, ông Liên nói và cho biết thêm: Khu vực bị sạt lở từng bị vỡ đê vào những năm 80.
“Tháng 8/2016, dân ở xã đánh trống biểu tình, phản đối việc khai thác cát, sau xã cũng báo cáo huyện nhưng huyện cũng cho biết không phải là đơn vị cấp phép nên cũng chỉ biết tiếp nhận phản ánh”, ông Liên nói thêm.
Không chỉ xã Tứ Yên, nhìn sang phía đối diện bên kia sông là xã Từ Đà, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, nơi có 3-4 chiếc tàu khai thác cát đang đậu đỗ, cũng thấy lộ rõ một dải đất bãi dài hàng trăm mét và cao hơn mặt nước hàng chục mét lộ nguyên các vết lở còn mới, chỉ cách trạm bơm nước chỉ vài chục mét. Thông tin từ người dân Tứ Yên cũng cho biết, tại xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh vào tháng 4/2016, người dân cũng bức xúc trước hoạt động khai thác mỏ cát nên đã đốt cháy một tàu cuốc và phao cẩu cát của công ty Thái An.
Địa phương tự cấp phép dài hạn
Tiếp tục ngược về phía Tuyên Quang, PV Báo Giao thông ghi nhận có hàng chục điểm đang hoạt động khai thác cát. Có nơi tàu khai thác giữa sông, có chỗ khai thác ven bờ bãi. Tuy nhiên, bằng mắt thường rất khó để biết các hoạt động khai thác cát do đơn vị nào thực hiện, được cấp phép hay không, bởi những nơi này hay trên các phương tiện đều không có bảng thông tin liên quan đến hoạt động khai thác cát.
Theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy trên sông Lô đều đã được yêu cầu dừng hoạt động, vì vậy các điểm khai thác cát hiện nay là mỏ cát do chính quyền các địa phương cấp phép hoặc thuộc trường hợp khai thác trái phép. “Nhiều mỏ cát được chính quyền địa phương cấp phép nhưng không tham khảo ý kiến ngành đường thủy, nên không ít trường hợp khi lực lượng thanh tra đến kiểm tra, người của mỏ không xuất trình hồ sơ, giấy tờ. Đó là chưa nói đến việc địa phương cấp phép khai thác mỏ chồng lên cả công trình kết cấu hạ tầng đường thủy”, ông Trần Nhất Anh, Đội phó Đội Thanh tra - an toàn số 1, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết.
Thực tế, trên đoạn gần 15km sông Lô qua TP Tuyên Quang đều đã kín các mỏ cát, sỏi được cấp phép khai thác, với thời gian từ vài năm đến 15 năm. Còn tại đoạn Km 68+500 - Km 70 bờ trái sông Lô đã được tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho Công ty 27/7 khai thác mỏ cát, sỏi lộ thiên từ 30/8/2016, với thời hạn 11,5 năm, cũng trùng với phạm vi 4 chiếc kè chỉnh trị luồng đường thủy.
Nhằm bảo vệ cụm kè, mới đây Cục Đường thủy nội địa VN đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang kiểm tra, điều chỉnh vị trí mỏ để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Liên quan đến hoạt động khai thác cát và để tránh gây sạt lở bờ sông, gần đây tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu các mỏ cát không được sử dụng tàu cuốc để khai thác cát, sỏi.
Tương tự sông Lô, trên tuyến sông Lục Nam qua tỉnh Bắc Giang có 3 mỏ cát nằm sát nhau, được địa phương cấp phép khai thác với từ năm 2015-2016 và có thời hạn khai thác từ 10- 15,5 năm. Cụ thể, mỏ từ Km 9 - Km 10 được phép khai thác 10 năm, mỏ Km 18 - Km 21 được khai thác 15,5 năm, mỏ Km 21- Km 23 được phép khai thác 10 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận